Ví điện tử nào phổ biến nhất trên mạng xã hội năm 2022?

Hải Đường - 22/02/2023 17:06 (GMT+7)

(VNF) - Top 5 ví điện tử phổ biến nhất trên mạng xã hội năm 2022 là những cái tên quen thuộc như MoMo, ShopeePay, VNPAY, VTC Pay, Viettel Money.

VNF
Ví điện tử nào phổ biến nhất trên mạng xã hội năm 2022?

Reputa mới đây đã công bố bảng xếp hạng ngành fintech năm 2022. Theo đó, trong các loại hình fintech phổ biến, thanh toán điện tử là nhóm được thảo luận nhiều nhất trong năm 2022 với hơn 1 triệu thảo luận, gấp hơn 3 lần lượng thảo luận về ngân hàng số ở vị trí thứ 2 (349.782 thảo luận). Trong đó mức độ thảo luận về ví điện tử (thuộc nhóm thanh toán điện tử) chiếm 73,37%.

Đi sâu hơn về thanh toán điện tử, 5 công ty có mức độ phổ biến nhất trên mạng xã hội năm 2022 là Công ty Cổ phần Di động trực tuyến M_Services (Ví điện tử MoMo), Công ty TNHH Shopee (Ví điện tử ShopeePay), Công ty Cổ phần Giải pháp Việt Nam (VNPAY), Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC (VTC Pay) và Tổng công ty Dịch vụ số (Viettel Money). 

Điểm đánh giá dựa trên 4 điểm chính là điểm sắc thái (mức độ yêu thích), điểm thị phần thảo luận (mức độ thảo luận về công ty), điểm tương tác (tương tác về thảo luận của công ty) và điểm lan toả (độ lan toả của công ty) trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram, TikTok,…

Trong 5 ví điện tử nêu trên, MoMo dẫn đầu bảng xếp hạng về mức độ phổ biến trên mạng xã hội năm 2022 với 149,46 điểm. Được Ngân hàng Nhà nước cấp phép ví điện tử vào năm 2015, MoMo đang ngày càng phủ rộng về độ nhận diện khi bỏ xa các vị trí khác trên bảng xếp hạng.

Sau khi ra mắt, MoMo liên tục tiết lộ về việc huy động được các khoảng đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu USD trong những năm gần đây. Tính đến năm 2022, MoMo có hơn 31 triệu người dùng.

Đứng ở vị trí thứ 2, ShopeePay ghi nhận 37,5 điểm. Được biết, ShopeePay ban đầu được người tiêu dùng biết đến với cái tên Airpay, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán từ năm 2015.

Airpay là một trong những sản phẩm nằm trong hệ sinh thái đồng hành với Garena, Ocha, Foody, Now Delivery (giờ là Foody) và Shopee. Những ông chủ đầu tiên của Airpay đến nay vẫn là một ẩn số. Năm 2021, Airpay chính thức đổi tên thành ShopeePay với logo và màu sắc chủ đạo trung với nhận diện thương hiệu của Shopee.

Ở vị trí thứ 3 là một cái tên không xa lạ với người tiêu dùng Việt, VNPAY. Năm 2020, VNPAY được báo giới nước ngoài gọi là kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam, bên cạnh Công ty Cổ phần VNG. Đơn vị này đang cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hầu hết các ngân hàng, công ty viễn thông và nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.

Báo cáo cũng cho biết top 5 ngân hàng số có mức độ phổ biến nhất trên mạng xã hội năm 2022. Đứng đầu là Ngân hàng TMCP Quân đội, với 5,58 điểm. Các ngân hàng phía sau đều đạt được mức điểm trên 3.

Đáng chú ý, 4/5 ngân hàng số trong bảng xếp hạng đều là các sản phẩm của ngân hàng truyền thống. Duy chỉ có Timo được định hình là ngân hàng số ngay từ khi thành lập, là một trong những cái tên tiên phong trong mảng ngân hàng số tại Việt Nam. Ban đầu, Timo hợp tác với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), sau đó là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank).

Ngoài ra, báo cáo của Reputa còn cung cấp bảng xếp hạng 10 công ty lĩnh vực fintech có mức độ phổ biến trên mạng xã hội năm 2022. Đứng đầu và bỏ xa các đối thủ là Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), với 43,65 điểm.

Theo sau là Công ty Cổ phần Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin (FiinCredit), Công ty Cổ phần Finhay Việt Nam, Công ty Cổ phần Phần mềm Citigo, Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo, Công ty Cổ phần Công nghệ MPOS Việt Nam, Công ty Cổ phần Samo, Công ty Kyper Network, Công ty Cổ phần MOG Việt Nam.

Các fintech này hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực vẫn còn thiếu pháp lý và nhiều lần được cơ quan quản lý lên tiếng cảnh báo tiềm ẩn rủi ro như cho vay ngang hàng, giao dịch bitcoin, hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà chưa được cấp phép,…

Cùng chuyên mục
Tin khác