Bất động sản

VNR muốn 'nắm' 297 nhà ga để xây trung tâm thương mại: Lo ngại quỹ đất bị thương mại hóa

Giữa lúc hàng loạt bất cập liên quan đến chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông (ATGT) của ngành cần tập trung giải quyết, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) bất ngờ ngỏ ý muốn “nắm” toàn bộ 297 nhà ga, trên toàn tuyến, để xây trung tâm thương mại. Nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ quan ngại về ý tưởng táo bạo này.

VNR muốn 'nắm' 297 nhà ga để xây trung tâm thương mại: Lo ngại quỹ đất  bị thương mại hóa

Ga Hà Nội

Tham vọng lớn

Đây là một trong những nội dung của báo cáo kết quả hoạt động giai đoạn 2016 - 2018 và kế hoạch hoạt động đến năm 2020 của VNR, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong những ngày qua.

Trong 3 năm từ 2016 - 2019, VNR phục vụ hơn 28 triệu lượt hành khách và ghi nhận doanh thu gần 22.000 tỷ đồng. Riêng năm 2019, doanh thu đã ngắt mạch tăng trưởng âm dù sản lượng hành khách giảm năm thứ tư liên tiếp. Sự phục hồi cả về doanh thu và sản lượng của toàn ngành trong 3 năm qua, theo VNR, là nhờ tư duy kinh doanh đổi mới.

Trong đó, điểm nhấn là việc VNR đưa ra được những sản phẩm mới như toa xe khoang hai giường nằm, dịch vụ trọn gói từ nhà ga đến điểm du lịch được triển khai để đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Chính vì thế, VNR tự tin lên kế hoạch cho năm 2019, doanh thu hợp nhất sẽ tăng ít nhất 7% (tức tối thiểu khoảng 8.830 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 188 tỷ đồng.

Trong kế hoạch hoạt động đến năm 2020, VNR gây bất ngờ khi đưa ra tham vọng muốn thu hút nhà đầu tư tham gia rót vốn xây dựng hạ tầng đường sắt không liên quan trực tiếp đến chạy tàu như nhà ga, kho, bãi hàng. Đặc biệt, với những ga tại các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... VNR sẽ hợp tác nâng cấp nhà ga kết hợp với xây dựng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại để đa dạng hóa dịch vụ.

Đồng thời, chú trọng kết nối nhà ga với các cảng biển, cảng sông và hạ giá thành các dịch vụ để cải thiện sản lượng. Hiện tại, VNR đang có 297 nhà ga trên tuyến nhưng phần lớn quy mô nhỏ, hạ tầng cũ, chiều dài đường ga ngắn - đây được xem là một trong những nguyên nhân gây lãng phí lớn.

Chính vì thế, VNR đề nghị đánh giá lại toàn bộ 297 nhà ga trên địa bàn cả nước, sau đó giao cho Tổng Công ty theo hình thức tăng vốn Nhà nước và DN. Lãnh đạo VNR cho rằng, nếu nhà ga chỉ phục vụ hành khách thì không bao giờ có thể thu hồi vốn đầu tư và mãi không thể phát triển được.

Tuy nhiên, nếu có thể tận dụng được nguồn lực để tránh lãng phí và dùng giá trị thặng dư đó để bù đắp chi phí xây dựng thì mới có thể có những nhà ga to, đẹp đẽ. 

Cần thận trọng

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, phát triển ngành đường sắt trở thành ngành mũi nhọn là chủ trương của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì nếu khai thác tốt ngành đường sắt sẽ tạo ra động lực rất lớn để thúc đẩy phát triển nền kinh tế.Trong khi đó, các nhà ga đường sắt thường được bố trí ở những vị trí đắc địa nên có tiềm năng kinh tế, phát triển thương mại.

“Đây là tiềm năng lớn để phát triển theo cơ chế kinh tế thị trường nếu như chúng ta có chiến lược phát triển đúng đắn. Có chủ trương đúng, có khả năng khai thác tốt thì những nhà ga sẽ là động lực thúc đẩy ngành đường sắt phát triển nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung” – TS Cao Sỹ Kiêm nói.

Tuy nhiên, theo TS Cao Sỹ Kiêm, nhìn vào quá trình phát triển ngành đường sắt, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong những năm qua thì câu chuyện tìm động lực cho toàn ngành từ việc thương mại hóa hệ thống nhà ga cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng. Hai vấn đề lớn của ngành đường sắt đã được nói đến rất nhiều là vốn và kỹ thuật. Về mặt nền tảng, ngành đường sắt đang sử dụng nền móng của vốn đầu tư nước ngoài từ rất nhiều năm trước, hiện đã cũ kỹ, lạc hậu và hạn chế tiềm năng khai thác rất nhiều.

“Bây giờ ngành đường sắt muốn làm mới lại hệ thống nhà ga, tiến tới làm trung tâm thương mại thì phải có một chính sách quản lý tốt, một đội ngũ cán bộ tốt, trang bị kỹ thuật tốt và đặc biệt là phải có chính sách thu hút được nguồn vốn đầu tư. Đừng vội nghĩ giải đơn là cứ “ôm” hết hệ thống nhà ga về mình, rồi tìm cách biến thành trung tâm thương mại sẽ mang lại hiệu quả kinh tế” – TS Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Đồng quan điểm trên, GS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (thuộc Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cũng cho rằng, để phát triển ngành đường sắt cần có một chiến lược lâu dài chứ không thể trông chờ vào hệ thống nhà ga hiện có, rồi xây dựng lên thành những trung tâm thương mại là được.

Theo GS Đặng Đình Đào, vấn đề của ngành đường sắt hiện nay là sự xuống cấp về hạ tầng kỹ thuật, chất lượng dịch vụ cũng như công tác đảm bảo ATGT đường sắt đang có nhiều bất cập. Vì vậy, để ngành này có động lực phát triển, thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, ế ẩm như hiện nay, đòi hỏi một cuộc cách mạng toàn diện.

“Ngành đường sắt cũng như bất kỳ ngành dịch vụ vận tải nào, muốn tồn tại và phát triển, nhất định phải thu hút được hành khách đến với mình. Mà muốn có khách thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ, chứ không phải biến các nhà ga thành trung tâm thương mại hoành tráng là xong. Không có khách vào ga thì ngành đường sắt xây trung tâm thương mại, siêu thị để phục vụ ai?” – GS Đặng Đình Đào phân tích.

Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đề xuất của VNR cần phải được xem xét kỹ lưỡng trên góc độ pháp lý và hiệu quả kinh tế. Việc nâng cấp hạ tầng nhà ga thành trung tâm thương mại, siêu thị hay trung tâm mua sắm cũng đồng nghĩa với việc đem quỹ đất của ngành đường sắt ra sử dụng với mục đích thương mại hóa. Chính vì thế, phải xác định rõ quyền sử dụng đất của ngành đường sắt chứ không phải cứ để ngành đường sắt sử dụng thế nào, xây dựng cái gì cũng được.

Bên cạnh đó, chuyên gia đến từ Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh thêm, đối với việc VNR muốn kêu gọi DN vào đầu tư xây dựng các nhà ga thành trung tâm thương mại cũng cần phải được xem xét hết sức thận trọng.

“Cần làm rõ mục đích, động cơ của nhà đầu tư khi đầu tư vào đây vì nếu không nhìn thấy lợi ích rõ rệt, chắc chắn nhà đầu tư sẽ không đổ tiền đầu tư làm trung tâm thương mại tại các nhà ga”, PGS.TS Lê Cao Đoàn nói.

"Trong số gần 300 nhà ga trên toàn tuyến thì đa số các nhà ga lớn tại các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đều là những vị trí đất vàng, có vị trí chiến lược và giá trị kinh tế cao. Nếu việc thu hút vốn đầu tư từ tư nhân thiếu cơ chế quản lý, giám sát, hợp đồng không rõ ràng, minh bạch thì rất dễ xảy ra nguy cơ đất vàng ga đường sắt sẽ thuộc về tay các nhà đầu tư tư nhân. Cần phải xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng, thận trọng đối với vấn đề này." - GS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển
Tin mới lên