Ông Nguyễn Đức Kiên ‘nói lại cho rõ’ nhận định BOT không ảnh hưởng người nghèo

Lê Nguyễn - 11/09/2017 17:15 (GMT+7)

(VNF) – Sau phát ngôn gây "bão": "BOT không ảnh hưởng đến người nghèo", ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đã chính thức lên tiếng giải thích.

VNF
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo ông Kiên, nếu nhìn nhận một cách tương đối "người nghèo là người không có xe ô tô" thì có thể khẳng định việc thu phí BOT không ảnh hưởng đến người nghèo. Bởi hiện nay xe máy của ta có gần 65 triệu xe thì ta đã miễn phí BOT cho những phương tiện này, do đó thu phí BOT hay không không ảnh hưởng gì đến những người đó.

Còn nếu nhận định người nghèo vẫn phải sử dụng xe khách hoặc vận chuyển hàng hóa bằng ô tô và do đó vẫn phải chịu phí BOT thì "mới chỉ nhìn thấy tính chất một chiều của câu chuyện".

"Đúng là xe khách, xe vận chuyển hàng hóa phải chịu phí giao thông BOT. Nhưng tại sao chúng ta không tính đến yếu tố là có đường BOT thì thời gian di chuyển của các phương tiện này được rút ngắn hơn, thời gian khấu hao phương tiện rút ngắn đi, họ có thể tăng chuyến để tăng doanh thu... và như vậy họ phải giảm giá vé, giá vận chuyển cho người dân chứ? Sao chúng ta chưa nghe cả hai phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để có đánh giá khách quan sự việc?

Tôi cho rằng vấn đề thu phí BOT là vấn đề liên quan đến Nhà nước, nhà đầu tư BOT và doanh nghiệp vận tải. Việc chúng ta cần làm bây giờ là phải quản lý giá để người dân nghèo không bị ảnh hưởng bởi những chính sách này", ông Kiên nói.

Ông Kiên cũng nhấn mạnh BOT là chủ trương đúng và mang lại lợi ích rất lớn cho giao thông nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong bối cảnh đất nước đang thiếu hụt ngân sách như hiện nay thì việc xã hội hóa nguồn vốn để phục vụ giao thông là một biện pháp tối ưu.

"Chúng ta đừng nghĩ ODA (viện trợ phát triển chính thức) ưu việt hơn, bởi vì ODA vẫn là đi vay nước ngoài, sau này phải lấy ngân sách để trả nợ. Mà ngân sách lấy từ đâu ra nếu không phải từ nguồn thuế của dân? Nếu làm đường bằng vốn ODA thì toàn bộ người dân phải trả phí, dù có đi đường mới xây đó hay không".

Ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh chỉ có 8/51 dự án BOT bị phản ứng

Dẫn số liệu trong 51 dự án BOT đã vận hành, chỉ có 8 dự án vấp phải phản ứng của dư luận, ông Kiên bình luận: "Nếu nói tất cả người dân đều muốn đi đường cũ là chưa phản ánh được thực tế hiện nay. Còn nếu nói địa phương nào phản đối BOT thì tôi cũng khẳng định luôn là tất cả các dự án giao thông BOT đều có sự tham gia bàn bạc của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, chủ đầu tư và địa phương. Làm đường xong thì phần lợi nhuận thu được từ bán quyền sử dụng đất hay thuế của doanh nghiệp vận tải ô tô, địa phương thu, địa phương được sử dụng 100% chứ trung ương không thu cái đó".

Ông Kiên khẳng định trong 63 tỉnh thành hiện nay, chỉ có có 13 tỉnh thành có kết dư nộp ngân sách. Nếu không xã hội hóa nguồn vốn thì lấy đâu ra vốn để nâng cấp nhanh cơ sở hạ tầng?

"Địa phương nào cũng đề xuất làm đường, nhưng khi người dân phản ứng thì lại bảo tôi không đề xuất BOT, tôi thật không hiểu đạo đức công chức của các vị đó là như thế nào!"

Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng trong giai đoạn đầu triển khai BOT sẽ không tránh khỏi sai sót do hành lang pháp lý của chúng ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhưng những sai sót ấy đã và sẽ được Chính phủ từng bước sửa sai, khắc phục, trên tinh thần ủng hộ BOT nhưng phải quản lý chặt chẽ.

Cùng chuyên mục
Tin khác