Tài chính

Đằng sau lỗ, lãi của Vietnam Airlines

(VNF) – Vấn đề của Vietnam Airlines đang nằm ở "diễn biến thời tiết" bên ngoài hay nằm ở "phi hành đoàn" bên trong?

Đằng sau lỗ, lãi của Vietnam Airlines

Vietnam Airlines lỗ đậm 443,8 tỷ đồng trong quý IV/2016

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của Tổng công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố mới đây đã ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý về tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines.

Đầu tiên phải kể đến việc Vietnam Airlines lỗ đậm 443,8 tỷ đồng trong quý IV/2016. Thông tin này thực tế đã được dự đoán trước, bởi ngay trong những ngày đầu năm 2017, lãnh đạo Vietnam Airlines có tiết lộ lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2016 của tổng công ty đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên, tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của hãng hàng không này đã lên tới 2.885 tỷ đồng.

Dù đã được dự đoán, nhưng thông tin này vẫn rất đáng chú ý, phần vì khoản lỗ của Vietnam Airlines quá lớn, nhưng quan trọng hơn, khoản lỗ này không phải đến từ chênh lệch tỷ giá.

Hồi đầu năm, khi dự đoán về thua lỗ quý IV của Vietnam Airlines được đưa ra, phần nhiều ý kiến nhận định rằng khoản lỗ này là do chênh lệch tỷ giá. Thực tế hiện tại đang chứng minh thua lỗ này của Vietnam Airlines đến từ sự sụt giảm hiệu quả kinh doanh.

Trước tiên, xét về yếu tố tỷ giá, trong quý IV/2016, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá là 271,9 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá 218,9 tỷ đồng. Như vậy, tính riêng quý IV/2016, Vietnam Airlines chỉ lỗ thuần từ chênh lệch tỷ giá vỏn vẹn 53 tỷ đồng, ảnh hưởng không đáng kể đến lợi nhuận cỡ nghìn tỷ của Vietnam Airlines.

Về hiệu suất kinh doanh, khá bất ngờ khi lợi nhuận gộp quý IV/2016 của Vietnam Airlines chỉ ở mức 1.657 tỷ đồng, bằng 15% lợi nhuận gộp 10.842 tỷ đồng cả năm 2016 và là mức lợi nhuận gộp thấp nhất trong 8 quý gần đây. Nguyên nhân là do quý IV/2016, tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần của Vietnam Airlines bỗng tăng vọt lên mức 90,1%, cao nhất trong 8 quý gần đây.

Vietnam Airlines

Biểu đồ lợi nhuận gộp và tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần của Vietnam Airlines trong 8 quý gần đây

Đi sâu hơn, sở dĩ tỷ lệ giá vốn quý IV/2016 của Vietnam Airlines cao nhất trong 8 quý phần nhiều là do giá nhiên liệu tăng cao (khoảng 17%), cộng hưởng với việc hiệu suất kinh doanh quý IV hàng năm của hãng hàng không này thường thấp hơn 3 quý còn lại.

Ngoài yếu tố về giá vốn, chi phí thường xuyên cũng là vấn đề rất lớn đối với Vietnam Airlines. Năm 2016, Vietnam Airlines "ngốn" tới 4.456 tỷ đồng chi phí bán hàng, 2.246 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp và 1.365 tỷ đồng chi phí lãi vay. Tính trung bình mỗi quý, Vietnam Airlines phải gánh tới 1.114 tỷ đồng chi phí bán hàng, 561 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp và 341 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Như vậy, tổng chi phí thường xuyên trung bình mỗi quý của Vietnam Airlines lên tới 2.016 tỷ đồng. Lưu ý, đây mới chỉ là chi phí thường xuyên. Nếu tính tổng chi phí (không kể chi phí thuế và chi phí khác) thì trung bình mỗi quý của năm 2016, Vietnam Airlines "ngốn" tới 2.437 tỷ đồng.

Tính trung bình để thấy, chi phí thường xuyên của Vietnam Airlines quá lớn, nếu lợi nhuận gộp một quý thấp hơn 2.000 tỷ thì khả năng lỗ của Vietnam Airlines là hiện hữu. Còn riêng với quý IV/2016, chi phí thường xuyên của Vietnam Airlines là 2.179 tỷ đồng, "đè bẹp" mức lợi nhuận gộp vỏn vẹn 1.658 tỷ đồng.

Vietnam Airlines

Chi phí thường xuyên của Vietnam Airlines hiện đang quá lớn

Mặc dù quý IV thua lỗ nhưng cả năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines vẫn đạt mức 2.103 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số 805 tỷ đồng của năm 2015.

Vấn đề là, lợi nhuận sau thuế năm 2016 và cả năm 2015 của Vietnam Airlines lại thua "đàn em" Vietjet. Năm 2016, Vietjet đạt 2.289 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Còn năm 2015, con số này là 1.170 tỷ đồng.

Thực tế, lợi nhuận gộp của Vietjet thua xa Vietnam Airlines, như năm 2016 là 3.499 tỷ đồng so với 10.842 tỷ đồng. Tỷ lệ giá vốn trên doanh thuần cũng cao hơn, 87,3% so với 84,5%. Vậy vì sao lợi nhuận sau thuế của Vietjet liên tục cao hơn Vietnam Airlines?

Vẫn là vấn đề chi phí.

Thứ nhất, tỷ lệ giá vốn của Vietjet cao hơn Vietnam Airlines là dễ hiểu, bởi Vietjet là hãng hàng không giá rẻ, còn Vietnam Airlines phục vụ phân khúc trung và cao cấp. Tuy nhiên, nhìn vào chênh lệch chỉ vỏn vẹn 2,8 điểm%, có thể nhận định tỷ lệ giá vốn của Vietnam Airlines là rất cao so với thông thường.

Thứ hai, chi phí thường xuyên của Vietjet chỉ bằng khoảng 1/10 Vietnam Airlines, như năm 2016 là 856 tỷ đồng so với 8.084 tỷ đồng. Đây cũng là chuyện dễ hiểu bởi cốt lõi của mô hình hàng không giá rẻ không chỉ là rẻ ở giá vé mà vấn đề rất quan trọng khác là tiết kiệm triệt để chi phí.

Một số đặc điểm mô hình này có thể kể đến như: chỉ có một hạng ghế hành khách với hầu hết là máy bay thân hẹp; chỉ dùng một loại máy bay để giảm chi phí đào tạo và vận hành; sử dụng hình thức bán và cho thuê lại các máy bay mới (sale and leaseback) với số lượng lớn để có chiết khấu tốt hơn, chi phí sử dụng thấp hơn so với dùng máy bay đã qua sử dụng; nhân viên đảm nhiệm nhiều vai trò hơn; sử dụng kênh phân phối điện tử; loại bỏ dịch vụ phụ trợ như ăn uống, tạp chí miễn phí…

Vietnam Airlines

Lợi nhuận sau thuế năm 2016 và cả năm 2015 của Vietnam Airlines đều thua Vietjet

Việc so sánh chi phí của 2 hãng hàng không hoạt động theo 2 mô hình khác nhau, mặc dù thông thường không có nhiều ý nghĩa, nhưng với riêng trường hợp của Vietnam Airlines và Vietjet lại nói lên nhiều vấn đề.

Rõ ràng, chi phí của Vietnam Airlines là quá lớn, khi tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần chỉ nhỉnh hơn một chút so với hãng hàng không giá rẻ Vietjet, trong khi chi phí thường xuyên lại gấp tới 10 lần.

Vì sao?

Dễ thấy nhất là vấn đề chất lượng quản trị. Thời điểm mà giá trị vốn hóa của Vietjet chính thức vượt Vietnam Airlines vào ngày 6/3/2017, dư luận đặt ra câu hỏi rằng, vì sao một doanh nghiệp nhà nước 60 năm tuổi như Vietnam Airlines lại không bằng một doanh nghiệp tư nhân mới 6 năm tuổi, vốn chủ sở hữu chưa bằng 1/3 Vietnam Airlines như Vietjet? Rất rõ, là do chênh lệch về chất lượng quản trị.

Một vấn đề khác là Vietnam Airlines phải "cõng" nhiều công ty con, trong đó có hãng hàng không Jestar Pacific Airlines (JPA)

Một năm trở lại đây, Vietnam Airlines và JPA đang phát triển một chiến lược gọi là chiến lược thương hiệu kép (Dual brands), được giới thiệu là "mang lại cho khách hàng những ưu đãi từ dịch vụ chất lượng trong khi vẫn có thể hưởng giá vé rẻ từ JPA" do tận dụng được tài nguyên của Vietnam Airlines.

JPA hưởng lợi thì đã rõ ràng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc Vietnam Airlines chịu thêm nhiều gánh nặng hơn, phần nào làm gia tăng chi phí, giảm hiệu suất kinh doanh.

Tựu chung, đằng sau lỗ, lãi của Vietnam Airlines vẫn là câu chuyện chất lượng quản trị của doanh nghiệp nhà nước thua kém hơn nhiều các doanh nghiệp tư nhân. Và vẫn là câu chuyện bao giờ Nhà nước mới thoái vốn sâu hơn tại Vietnam Airlines để doanh nghiệp này có được "phi hành đoàn" mới, có được sự thay đổi một cách thực chất hơn?

Tin mới lên