Diễn đàn VNF

TS Lê Xuân Nghĩa: 'Hệ thống ngân hàng ổn định và hiệu quả là nền tảng quan trọng nhất'

Nói tới vai trò của ngành ngân hàng với phát triển kinh tế tư nhân, có thể thấy nhiệm vụ quan trọng tiên quyết là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giữ được giá trị đồng tiền hay ổn định tỷ giá, sau đó là cung ứng vốn hiệu quả cho sản xuất kinh doanh để tạo ra tăng trưởng kinh tế ổn định.

TS Lê Xuân Nghĩa: 'Hệ thống ngân hàng ổn định và hiệu quả là nền tảng quan trọng nhất'

Nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng nhà nước là ổn định vĩ mô, tạo lực đẩy cho tăng trưởng.

Ổn định vĩ mô, tạo lực đẩy cho tăng trưởng

Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 chính là minh chứng rõ nét nhất về sự đóng góp của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế, mà đằng sau đó là sự trợ lực tích cực từ hệ thống ngân hàng.

Trong năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP đã vượt kỳ vọng và đạt mức 6,81%, trong bối cảnh Nhà nước rút lui dần vai trò là nhà đầu tư trên thị trường. Vì vậy, có thể nói đạt được kết quả năm vừa qua chủ yếu là nhờ vai trò của kinh tế tư nhân. Tuy nhiên cũng cần nhắc lại rằng chính sách điều hành của Chính phủ đã tạo nền tảng, tiền đề để kinh tế tư nhân phát triển. Là thành viên của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tốt nhiệm vụ đó.

Trước hết, vai trò của ngành ngân hàng được thể hiện qua việc kiểm soát lạm phát. Đây là một trong những yếu tố nền tảng để ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn đầu tư, người tiêu dùng mạnh dạn chi tiêu, thúc đẩy hoạt động sản xuất. Vì thế, đây có thể coi là yếu tố vĩ mô quan trọng nhất, thể hiện rõ vai trò của hệ thống ngân hàng với sự phát triển kinh tế tư nhân.

Vai trò thứ 2 của ngân hàng với kinh tế tư nhân là việc ổn định giá trị tiền tệ, đặc biệt tỷ giá hối đoái để cho các nhà nhập khẩu yên tâm nhập khẩu, nhà xuất khẩu yên tâm xuất khẩu mà không lo tỷ giá thay đổi, không lo giá trị sản phẩm bị suy giảm.

Cũng từ đó, các nhà đầu cơ, nhất là đầu cơ tiền tệ bớt đầu cơ vào các tài sản không sinh lời như vàng, ngoại tệ. Những người gửi tiền tin cậy vào giá trị đồng tiền ổn định mới gửi tiền vào ngân hàng, từ đó ngân hàng có tiền cho vay, duy trì hoạt động.

Nói cách khác kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quyết định, tạo lòng tin, nâng cao tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân.

Chính những hành động chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước đã củng cố lòng tin cho nhà đầu tư. Họ thấy rằng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có hành động nhất quán dài hạn và kiên định, không giống như trước đây chạy theo những mục tiêu ngắn hạn, thậm chí là mục tiêu chính trị, gây bất ổn vĩ mô lâu dài.

Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân lớn đã đặt lòng tin vào chính sách tiền tệ ngày càng chuyên nghiệp và nhắm vào mục tiêu dài hạn. Minh chứng là dòng vốn đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng một cách ổn định. Chính dòng vốn này, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp đã lan toả vào khu vực tư nhân trong nước.

Cùng với đó, chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam được neo với đồng USD, trong khi đồng tiền này giảm giá so với các đồng ngoại tệ khác đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh. Tăng trưởng đạt kỷ lục trong 5 năm qua, đặc biệt tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp tư nhân nội địa đạt 17%, góp phần tạo thặng dư thương mại khoảng 2,7 tỷ USD, làm cán cân thanh toán quốc tế thặng dư.

Vì vậy, dữ trự ngoại hối năm 2017 cũng tăng kỷ lục, trở thành yếu tố bảo lãnh của Việt Nam cho các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào thông qua FDI và FII.

Tăng trưởng tín dụng và cơ cấu tín dụng có nhiều đổi mới tích cực

Năm 2017 tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khá cao, trên 18% và đặc biệt cơ cấu tín dụng đã có thay đổi tích cực, hướng tới các ngành sản xuất kinh doanh có hiệu quả như nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Điểm nhấn khác là tín dụng tiêu dùng tăng khá nhanh, tạo ra động lực để phát triển thị trường nội địa và thông qua đó tiêu thụ những hàng hoá do doanh nghiệp trong nước sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tốt cho vay tín dụng bất động sản theo hướng giữ cho thị trường phát triển ổn định lâu dài, tránh các biện pháp “giật cục” làm ảnh hưởng xấu tới thị trường, tạo điều kiện để thị trường này phát triển lành mạnh, tránh tình trạng “đóng băng” hoặc “bong bóng” bất động sản trong dài hạn.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2017 hợp lý, cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán phát triển sôi động, cả ở khu vực nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước. Chúng ta thấy có rất nhiều doanh nghiệp lớn được cổ phẩn hoá và nhiều doanh nghiệp tư nhân được niêm yết. Cung của thị trường chứng khoán tăng lên nhưng cầu còn tăng nhanh hơn nên chỉ số chứng khoán tăng kỷ lục.

Nói cách khác, tinh thần kinh doanh đang được khơi dậy, cả khu vực sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, nhờ đó tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả cao nhất trong vòng gần chục năm trở lại đây.

Không chỉ bắt kịp nhu cầu của thị trường, bản thân các tổ chức tín dụng đã có những hoạt động kinh doanh sáng tạo để phục vụ doanh nghiệp, như các gói tín dụng cho tiêu dùng, phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, hoạt động đổi mới công nghệ. Đặc biệt, nhiều ngân hàng thương mại đã áp dụng biện pháp cải cách thủ tục tín dụng theo hướng đơn giản, hiệu quả hơn và nâng cao tính trách nhiệm của ngân hàng, cũng như người đi vay.

Một hiện tượng mới trong năm 2017, nhiều tổ chức tín dụng bắt đầu hình thức cho vay tín chấp đối với cả cá nhân và doanh nghiệp. Điều này cho thấy các tổ chức tín dụng đã tự đặt ra yêu cầu cho họ là cần quản lý rủi ro tốt hơn, giám sát việc sử dụng vốn chặt chẽ hơn.

Điều này cũng tạo ra mối quan hệ ràng buộc về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và ngân hàng đối với đồng vốn, đòi hỏi các ngân hàng và doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong quản trị, minh bạch thông tin và giám sát rủi ro tín dụng.

Từ “đại án” tới hoàn thiện hành lang pháp lý

Các “đại án” ngân hàng trong thời gian gần đây đều bắt nguồn từ một điểm chung là sở hữu chéo và sở hữu lũng đoạn. Điều này khiến cho một cổ đông lớn có thể chi phối hoạt động của ngân hàng thương mại và đó là điều cấm kỵ. Luật thương mại của các nước đều có quy định đã là ngân hàng thì phải là một công ty đại chúng.

Luật các TCTD Việt Nam cũng được quy định như vậy, nhưng giám sát thực thi luật không nghiêm nên các cá nhân này lách luật dưới nhiều hình thức khác nhau như nhờ người thân đứng tên cổ phần, thành lập các công ty con trong tập đoàn để đứng tên cổ phần khiến quyền phán quyết của họ là lớn nhất, do đó sự minh bạch về quyết định tín dụng và đầu tư sẽ không còn.

Vì thế công tác quản lý rủi ro nói riêng và giám sát hệ thống ngân hàng nói chung gặp khó khăn rất lớn. Đây là một trong những khiếm khuyết lớn nhất của ngành ngân hàng trong quá khứ, tạo ra những khoảng trống pháp lý lớn.

Tuy nhiên, vừa qua Luật sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD đã có những quy định chặt chẽ hơn, chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý vấn đề sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn. Chúng ta hy vọng thời gian tới hoạt động ngân hàng sẽ lành mạnh hơn, tạo điều kiện để đến gần hơn chuẩn mực quản trị của quốc tế.

Cũng liên quan tới câu chuyện cải tổ hệ thống, tạo nền tảng pháp lý để các TCTD hoạt động lành mạnh, trong năm 2017 NHNN đã trình và được Chính phủ phê chuẩn Đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, tại Quyết định 1058, ban hành ngày 19/7/2017, gọi tắt là Đề án 1058.

Đây là một khuôn khổ pháp lý quan trọng để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. Để hỗ trợ cho Đề án 1058, Quốc hội cũng đã xem xét thông qua Nghị quyết 42 vào tháng 6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu, đặc biệt vấn đề thanh lý tài sản đảm bảo.

Đồng thời, Nghị quyết 42 cũng hỗ trợ ngân hàng thương mại xử lý lãi dự thu, góp phần lành mạnh hoá nền tảng tài chính của các ngân hàng thương mại. Khi các ngân hàng thương mại cải thiện được nền tảng tài chính, xử lý được nợ xấu, họ sẽ không bị lệ thuộc quá nhiều vào room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, đẩy vốn tín dụng mới ra khu vực kinh tế tư nhân nhiều hơn.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc yêu cầu các TCTD phải có phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu trình NHNN để phê duyệt và Ngân hàng Trung ương cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại bổ sung hoàn thiện đề án, xử lý các tồn tại để đảm bảo tiến độ theo Đề án 1058.

Việc triển khai Nghị quyết 42 mới được diễn ra trong thời gian ngắn từ 15/8/2017 nhưng đã mang lại kết quả là tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu giảm mạnh, chỉ còn 8,6%. Trong đó nợ xấu nội bảng chỉ ở 2,34% thấp hơn so với năm 2016.

Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua Luật sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD trong đó có những điểm mới như bổ sung quy định xử lý các TCTD yếu kém, quy định nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là các tiêu chuẩn điều kiện quản lý, điều hành các TCTD. Các quy định nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn, đầu tư ngoài ngành.

Luật sửa đổi lần này đã khắc phục được những tồn tại trong Đề án tái cấu trúc các TCTD trước đó, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển an toàn, hiệu quả hơn, và khẳng định bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền trong mọi trường hợp.

Định hướng năm 2018

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu năm 2018 một cách thẳng thắn và minh bạch. Ngân hàng Nhà nước thể hiện quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 01 của Chính phủ theo hướng tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở chính sách tiền tệ năng động, hiệu quả và ổn định dài hạn, nhằm tiếp tục củng cố lòng tin hơn nữa cho các nhà đầu tư, với mong muốn doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dài hạn để phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định lãi suất, nếu có điều kiện sẽ tiếp tục giảm để hỗ trợ cho doanh nghiệp; tiếp tục ổn định tỷ giá hối đoái, ổn định giá trị đồng tiền.

Tiếp theo là duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý với cơ cấu tín dụng hướng tới khu vực có tiềm năng phát triển mạnh như công nghiệp chế biến, nông phẩm xuất khẩu, bán lẻ, dịch vụ và tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa lộ trình giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, kiểm soát một cách hợp lý tín dụng với bất động sản và chứng khoán.

Trên tinh thần duy trì các động lực phát triển trên từng loại thị trường một cách hợp lý, bền vững và ổn định, năm 2018 Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra yêu cầu rõ ràng về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng gắn liền với xử lý nợ xấu và quản lý rủi ro hệ thống tiến dần tới chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước có lộ trình khác nhau trong tái cấu trúc với từng loại ngân hàng. Tiến trình thực hiện chuẩn mực về quản trị ngân hàng của khu vực và quốc tế tạo điều kiện cho các TCTD một mặt duy trì và cải thiện nền tảng tài chính, mặt khác khắc phục những hệ quả cũ để lại, đồng thời có bước đi thích hợp để áp dụng những chuẩn mực về quản trị, quản lý rủi ro, an toàn hoạt động ngân hàng, chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển vững chắc hơn sau năm 2020.

Năm 2017 có thể coi là năm thành công của hệ thống ngân hàng nói chung, của chính sách tiền tệ nói riêng và là nền tảng quan trọng để phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được cũng như cải thiện hơn nữa nền tảng tài chính, chuẩn mực quản trị của toàn ngành ngân hàng trong những năm tiếp theo.

Chính nhờ đó mà các TCTD quốc tế lớn đánh giá rất cao tính ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Trên thực tế hệ số tín nhiệm và xếp hạng của ngân hàng Việt Nam cải thiện khá cơ bản từ ổn định sang tích cực.

Một hệ thống ngân hàng ổn định và hiệu quả là nền tảng quan trọng nhất để doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài tiếp tục đầu tư mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, cũng là nền tảng quan trọng nhất để củng cố lòng tin của những người gửi tiền, để phát triển toàn bộ thị trường tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và thị trường bất động sản.

Đây là sự đóng góp to lớn của ngành ngân hàng đối với chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII khẳng định.

Tin mới lên