Việt Nam sẽ không còn được hưởng lợi từ chiến lược ‘Trung Quốc cộng một’
Lê Nguyễn -
13/06/2018 15:22 (GMT+7)
(VNF) – Theo ông Nguyễn Thắng, Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ không còn được hưởng lợi nhiều từ chiến lược “Trung Quốc cộng một - China Plus One Strategy” của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Theo ông Thắng, trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, Việt Nam hưởng lợi nhiều từ chiến lược “Trung Quốc cộng một”. Bản chất của chiến lược này là các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển các nhà máy gia công lắp ráp của mình ra khỏi Trung Quốc để đến các địa điểm “nằm ngoài Trung Quốc song gần với Trung Quốc”.
Việc dịch chuyển này nhằm tránh chi phí lao động đang tăng lên nhanh chóng ở các vùng ven biển của Trung Quốc trong khi vẫn tận dụng được ngành công nghiệp hỗ trợ rất phát triển ở quốc gia này để nhập khẩu linh kiện cũng như dễ dàng xuất khẩu để bán sản phẩm cho tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng ở quốc gia tỷ dân.
Nhờ lợi thế về địa kinh tế, Việt Nam hiện đang là một điểm đến ưa thích của làn sóng FDI mới, qua đó tham gia nhiều hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu như là một “công xưởng lắp ráp” mới của nền kinh tế thế giới.
Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp chế tạo thâm dụng lao động có định hướng xuất khẩu đang có tác động đáng kể đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam.
Quá trình này cũng giúp Việt Nam rút lao động ra khỏi nông nghiệp để chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ với năng suất và thu nhập cao hơn, qua đó mở ra nhiều cơ hội để đất nước thực hiện hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.
Tuy nhiên theo ông Thắng, “cửa sổ cơ hội” đó của Việt Nam đang ngày càng bị thu hẹp lại dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ với đặc trưng cơ bản sự kết nối ngày một chặt chẽ giữa thế giới thực (physical systems) với không gian số (cyber systems), tức cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Thắng cho rằng trong trung đến dài hạn, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. 2 yếu tố này bắt đầu phá vỡ nhiều phương thức sản xuất truyền thống trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, tạo ra những cơ hội và thách thức mới tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng và bất bình đẳng cũng như giảm nghèo ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Những công nghệ phá vỡ (disruptive technologies) cũng đang làm thay đổi tương quan sức mạnh giữa các nhóm nền kinh tế trên thế giới, với vai trò của các nền kinh tế “thâm dụng công nghệ” gia tăng trong tương quan so sánh với các nền kinh tế “thâm dụng tài nguyên”.
Các nền kinh tế “thâm dụng lao động” – cạnh tranh chủ yếu dựa trên lợi thế về lao động giá rẻ, trong đó có Việt Nam, cũng có xu hướng chịu ảnh hưởng bất lợi do quá trình số hóa và tự động hóa đang tăng tốc làm giảm đáng kể lợi thế này trong trung đến dài hạn.
Cụ thể, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp chế tạo (kể cả khâu gia công lắp ráp) bắt đầu “hồi hương” trở lại các nước phát triển cũng như có xu hướng ở lại Trung Quốc – nơi có việc sử dụng người máy đang gia tăng rất nhanh - nhằm đưa sản phẩm đến gần với thị trường tiêu thụ cuối cùng và gắn chặt hơn với các trung tâm nghiên cứu và thiết kế.
Hệ quả là lợi thế của Việt Nam về chi phí lao động thấp có thể sẽ bị suy giảm đáng kể, ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành công nghiệp chế tạo là ngành có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nền kinh tế kém phát triển trong nỗ lực bắt kịp với các nền kinh tế tiên tiến hơn.
“Do vậy Việt Nam cần có những nỗ lực lớn nhằm tận dụng tối đa ‘cửa sổ cơ hội’ hiện có trước khi ngành công nghiệp chế tạo quay trở lại các nước phát triển hay dừng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, cũng như ứng phó với khả năng của một sự chuyển hướng khác từ Việt Nam sang các nước đang phát triển khác (Thái Lan, Indonesia, Campuchia và Myanmar) đang nỗ lực cạnh tranh để thu hút FDI nói chung và các tập đoàn công nghệ đa quốc gia nói riêng”, ông Thắng khuyến nghị.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.