10 năm mở rộng Thủ đô: Động lực phát triển vùng kinh tế Bắc Bộ

Gia Huy - 26/05/2018 11:47 (GMT+7)

Kết quả sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cho thấy, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tầu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.

VNF
Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chủ trì Hội thảo lần thứ hai nhằm lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh liên quan.

Đem lại diện mạo mới sau 10 năm phát triển

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, sau hội thảo lần thứ nhất (tổ chức đầu tháng 5/2018), TP. Hà Nội đã bổ sung ý kiến các đại biểu vào dự thảo báo cáo và tổ chức hội thảo lần thứ 2 để tiếp tục nhận ý kiến đóng góp khách quan, nhận định về tình hình phát triển Thủ đô trong 10 năm qua và giai đoạn tiếp theo. Sau khi có ý kiến của các đại biểu, TP. Hà Nội sẽ tiếp thu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội và Bộ Chính trị về trọng tâm và định hướng phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội, sản xuất kinh doanh được mở rộng, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm (cách tính cũ là 9,51%), nhiều chỉ tiêu tăng gấp từ 2 đến 3 lần (GRDP/người tăng 2,3 lần; thu nhập bình quân/người/năm của nông dân tăng 2,92 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,93 lần…). Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tầu, là động lực phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.

Trong lĩnh vực quy hoạch, không gian đô thị phát triển theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tạo nên diện mạo mới sau 10 năm phát triển. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành: Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh về phía Tây; Việt Hưng, Vinhomes Riverside về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda về phía Nam; Ciputra ở phía Bắc;… cùng với các khu đô thị mới trong vành đai 3 như Royal City, Times City, Trung hòa Nhân Chính… đã tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án như công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia; kêu gọi đầu tư phát triển Thành phố thông minh khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài.

Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng, phát triển Thủ đô xứng với tiềm năng hiện có, Hà Nội kiến nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Thủ đô, đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị tăng phân cấp cho Thủ đô trong công tác tổ chức cán bộ; Bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính đối với Thủ đô Hà Nội trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ nhằm phát huy tính chủ động, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

An ninh trật tự là điểm sáng sau 10 năm mở rộng

GS. TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân góp ý, đặc điểm Hà Nội là nơi tập trung đông trường Đại học, Cao đẳng, dạy nghề, đây là sự khác biệt lớn của Thủ đô. Vì vậy, đề nghị Hà Nội làm rõ nét thêm vai trò các trường Đại học, Cao Đẳng, dạy nghề trong sự phát triển của Thủ đô và việc phát triển các trường sau này. GS. TS Trần Thọ Đạt cũng góp ý, báo cáo 10 năm của Hà Nội cần đánh giá rõ hơn vai trò động lực mô hình tăng trưởng kinh tế của Hà Nội; phân tích rõ hơn những mặt đã làm được và chưa làm được trong lĩnh vực quy hoạch trật tự đô thị, phát triển nông thôn mới, cải cách hành chính...

PGS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu ý kiến, an ninh trật tự là điểm sáng của Thành phố sau khi mở rộng địa giới hành chính. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tổ chức bộ máy các cấp chính quyền đi vào ổn định, kinh tế-xã hội Thủ đô được duy trì phát triển toàn diện, hiệu quả.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hà Nội cần phân tích rõ, bổ sung những điểm là cơ hội của Hà Nội mà 10 năm qua chưa tận dụng được (cụ thể từ chính sách, cơ chế...) và nêu giải pháp để đi đến những kiến nghị Hà Nội đang gửi Trung ương trong dự thảo báo cáo. Ông Phan Đức Hiếu cho rằng Hà Nội cần định hướng mục tiêu cụ thể, như là địa phương đi đầu của cả nước tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong cải cách hành chính. Ngoài ra không chỉ đặt mục tiêu dẫn đầu cả nước mà cần đặt mục tiêu đi đầu khu vực, ví dụ như đi đầu cả nước và trong khu vực về khởi nghiệp.

Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tổng kết, các ý kiến các đại biểu đã tập trung vào 7 nhóm vấn đề như: Bổ sung vào bố cục báo cáo; kết quả Thành phố đạt được sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính; đề xuất liên quan cơ chế, chính sách phù hợp; đóng góp ý kiến vào quy hoạch và thực hiện quy hoạch; biện pháp, giải pháp bổ sung vào phương hướng; tồn tại, thách thức và các giải pháp phát triển của Thủ đô; các đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới...

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, toàn bộ các nội dung đại biểu đóng góp ý kiến, Thành phố sẽ bổ sung, sửa đổi toàn diện, sau đó gửi lại dự thảo cho các đại biểu để lấy ý kiến một lần nữa nhằm hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô.

Theo VGP
Cùng chuyên mục
Tin khác