12 công ty tài chính: Tỷ lệ nợ xấu bình quân 9-10%, dự kiến tiếp tục tăng trong quý cuối năm

Hải Đường - 29/10/2021 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Tại buổi sơ kết 9 tháng đầu năm 2021 của các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thuộc nhóm công ty tài chính, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội, tiết lộ tỷ lệ nợ xấu bình quân của nhóm công ty này ở mức khoảng 9-10%.

VNF
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tỷ lệ nợ xấu bình quân 9-10%

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, tính đến nay, tổng vốn điều lệ của 12 công ty tài chính hội viên của VNBA đạt 22.195 tỷ, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính. Trong đó, công ty đứng đầu về vốn điều lệ là FE Credit (10.928 tỷ đồng).

Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên (ngoại trừ công ty tài chính Handico (HAFIC) đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt và Công ty tài chính bưu điện PTFinance chưa cung cấp số liệu) tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020.  

Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 129.000 tỷ, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu bình quân: 9-10% trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong hầu hết các năm, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân chiếm từ 60% đến 70% tổng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid – 19 đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động tài chính tiêu dùng.

Các công ty tài chính cùng các tổ chức tín dụng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện cơ cấu lại nợ, xây dựng mức lãi suất phù hợp với khách hàng.

Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2021, FE Credit đã có 400.000 khoản vay, khoảng 2.000 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi. Tại Lotte Finance, trong 8 tháng đầu năm 2021, có tổng số 468 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 13,9 tỷ đồng, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 467 khách hàng với dư nợ 10,9 tỷ đồng.

Công ty Mirae Asset đã hỗ trợ miễn giảm lãi cho 4.759 khách hàng với tổng số tiền lãi đã được miễn, giảm là 7,43 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.430 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là 45 tỷ đồng.

Công ty SHB Finance cũng đã hỗ trợ cho 3.995 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ được cơ cấu là 104 tỷ đồng. Công ty MB SHINSEI hỗ trợ cho 18.493 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là hơn 381 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 29.320 khách hàng với tổng dư nợ được miễn giảm lãi lũy kế là gần 486 tỷ đồng.

Có tiền nhưng không thể cho vay

Cũng tại buổi sơ kết, bên cạnh tình hình hoạt động của các công ty tài chính thành viên, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kinh doanh.

Cụ thể, phân khúc khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương….là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid 19, đặc biệt trong quý II và quý III khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ.

Bản thân các công ty tài chính cũng gặp vấn đề trong việc sắp xếp nhân viên làm việc tại các chi nhánh, điểm giao dịch khiến cho hoạt động thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu, giới thiệu sản phẩm,… trở nên khó khăn.

Những yếu tố này vừa tác động lớn đến kết quả doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc (theo Thông tư 01, 03 và 14) rất lớn và hiện đang được thực hiện thủ công, không có phần mềm phù hợp, gây ra rất nhiều khó khăn cho cán bộ và khó tránh khỏi việc xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng.

Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh về khó khăn trong quản trị rủi ro. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tại khối các công ty tài chính hiện đang ở mức cao (9-10%), trong khi tỷ lệ nợ xấu theo quy định của khối ngân hàng là 3%. Như vậy, tỷ lệ xấu thực tế của các công ty tài chính đang ở mức cao hơn nhiều.

Trước thực trạng này, nhiều công ty tài chính đã có giải pháp, lộ trình để xử lý nợ xấu, trong đó biện pháp tốt nhất được cho là nâng cao năng lực tài chính bằng cách tăng vốn điều lệ, thoái vốn.

Ông Hùng cho biết, hiện một số công ty tài chính sau khi thoái vốn thì nguồn tiền khi tiếp nhận, chuyển đổi không thể sử dụng được vào việc cho vay do đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).  

Một số thương vụ thoái vốn tiêu biểu trong thời gian qua có thể kể đến như VPBank bán 49% vốn tại FE Credit cho SMBC Group hay như SHB bán 100% vốn tại SHB Finance cho Krungsri.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc về các tiêu chí cho vay tiêu dùng hiện chưa phù hợp, khó khăn trong việc áp dụng cho vay sử dụng phương thức điện tử chưa có quy định hướng dẫn,…

Cùng chuyên mục
Tin khác