Bán điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng: ‘Không hợp lý, nên bỏ chính sách này’

Kỳ Thư - 21/04/2024 22:37 (GMT+7)

(VNF) - Theo chuyên gia, đề xuất bán điện mặt trời mái nhà nối lưới dư thừa giá 0 đồng là không hợp lý, cần nghiên cứu lại.

VNF

Chính sách “lạ”, nên từ bỏ

Tại Dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, loại hình điện này có thể đấu nối hoặc không đấu nối với điện lưới quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác. Quy mô phát triển loại này đến 2030 khoảng 2.600MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Theo đó, trường hợp loại điện này không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn, tổ chức cá nhân được khuyến khích lắp đặt hệ thống lưu trữ để chủ động dùng trong sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp đấu nối với lưới điện quốc gia, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán. Tức là, người dân có thể bán điện dư thừa, nhưng giá 0 đồng. Đề xuất này giữ nguyên so với bản thảo Bộ Công Thương đưa ra cuối năm ngoái.

Với đề xuất này của Bộ Công Thương, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, cơ chế này không mang tính khuyến khích và bảo đảm tính công bằng trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đi ngược lại chính sách ưu tiên điện tái tạo, ảnh hưởng đến tiến trình Việt Nam phấn đấu đạt NetZero vào năm 2050.

TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương nhận định, cần phải định rõ thế nào là ưu tiên, thế nào là khuyến khích. Khuyến khích là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tự đầu tư cho năng lượng, ưu tiên làm sao để người dân có lợi và có lợi cho cả nền kinh tế.

Về mặt chính sách, theo ông Lâm, bây giờ đồng ý là cho nối vào lưới điện của Nhà nước là khuyến khích và ưu tiên, nhưng mới chỉ là một phần thôi, chưa có ý nghĩa toàn diện. Có nên là 0 đồng không, tại sao lại là 0 đồng?

“Vì những người làm chính sách cho rằng cho phép đấu vào lưới để lúc không sử dụng được năng lượng mặt trời thì được quyền mua điện trên lưới. Nhưng đấy chỉ là một chiều, ngược lại, với những người đầu tư mà đầu tư lại không được quyền bán lại cho người khác hoặc có bán cho lưới thì lại là 0 đồng. Về mặt chính sách, tôi thấy hơi lạ và có lẽ không hợp lý lắm, cần nghiên cứu lại giá 0 đồng”, ông Lâm nhận xét.

Đồng quan điểm,  TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc Bộ Công Thương đề xuất nghiêm cấm kinh doanh đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; không được bán điện cho tổ chức, cá nhân khác là không phù hợp.

Ông Phong nhấn mạnh: “Ngành điện không có lý do gì để biện minh cho vấn đề này. Trong quy hoạch điện đã khuyến khích mua bán điện trực tiếp, người dân và doanh nghiệp có điện dư thừa được coi là người bán trực tiếp cho người tiêu dùng, vậy tại sao lại cấm? Theo tôi, quy định này nên bỏ vì không có tính pháp lý, đi ngược lại Quy hoạch Điện VIII”.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Phước Bình - Giám đốc Công ty CP Bincon chia sẻ, khi đầu tư điện mặt trời trên mái nhà xưởng, trong trường hợp thứ bảy, chủ nhật hoặc nhiều thời điểm nhà máy không có đơn hàng, nếu không phát điện lên lưới do lắp thiết bị ngăn phát điện lên lưới (Zero Export) sẽ lãng phí hoặc phát điện lên lưới với giá 0 đồng cũng sẽ thiệt cho đơn vị phát điện.

Ông Bình phân tích, EVN là doanh nghiệp mua điện, nếu các công trình điện mặt trời phát lên lưới của EVN nhưng không được trả tiền trong khi EVN vẫn dùng nguồn điện đó bán cho người dân, doanh nghiệp thì sẽ có khoản chênh về hóa đơn đầu vào, đầu ra. Vì thế, cần phải phân định rõ trong nghị định, nếu Nhà nước mua 0 đồng, nguồn điện này sẽ được hạch toán như thế nào về đầu ra.

Cần có cách tính giá rõ ràng

Trong khi đó, trả lời báo chí TS. Trịnh Thị Tú Anh - Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, để phát triển mô hình năng lượng mặt trời mái nhà cũng như khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời. Thứ nhất, cần phải có quy hoạch rõ ràng trong những năm tiếp theo, những vùng nào được phát triển điện mặt trời áp mái với tổng công suất là bao nhiêu thì chúng ta mới tính toán được lượng điện cần sử dụng là bao nhiêu, rồi lượng điện dư thừa có thể phát lên hệ thống là bao nhiêu.

Thứ hai là cần tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân hiểu được chính sách phát triển năng lượng điện tái tạo, từ đó có chính sách miễn giảm thuế, phí khi đầu tư hệ thống kỹ thuật cho các nhà đầu tư. Thứ ba là hỗ trợ về kỹ thuật để có nền kỹ thuật chung, đồng bộ để trong tương lai chúng ta có mua điện dư thừa thì cũng có hệ thống kỹ thuật đảm bảo, đồng bộ.

Trong dài hạn thì Bộ Công thương và các bộ ngành có liên quan cần hoàn thiện và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Khi các Luật được xem xét, thông qua sẽ là hàng lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để phát triển điện mặt trời mái nhà.

Theo ông Phan Công Tiến, chuyên gia nghiên cứu về thị trường năng lượng tái tạo, cần dựa trên quy luật thiết lập giá bán lẻ hiện nay để đưa ra những chính sách cho điện mặt trời mái nhà. Đồng thời sửa đổi phương pháp tính giá điện và phát triển thị trường kinh doanh điện theo cơ chế tự cân bằng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có báo cáo đánh giá độc lập khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện và công bố hàng năm bởi cơ quan chức năng. Điều này giúp chủ động hơn trong việc phát triển năng lượng tái tạo, giúp cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân biết về khả năng tích hợp năng lượng tái tạo.

Cùng chuyên mục
Tin khác