Bảo hiểm tiền gửi: “Bùa hộ mệnh” cho khoản tiết kiệm ngân hàng của người dân

Phương Hoa - 09/04/2019 06:44 (GMT+7)

Nếu tổ chức tín dụng không may đổ vỡ, người gửi tiền sẽ được Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam chi trả tiền gửi được bảo hiểm...

VNF
Bảo hiểm tiền gửi là một tổ chức tài chính đặc biệt trong hệ thống tài chính của một quốc gia và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Bảo hiểm tiền gửi được coi là "lá bùa hộ mệnh" với các khoản đầu tư tiết kiệm của người dân. Nếu tổ chức tín dụng không may đổ vỡ, người gửi tiền sẽ được Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam chi trả tiền gửi được bảo hiểm.

Có tiền nhàn rỗi mang gửi ngân hàng - đó là thói quen của nhiều người dân. Bên cạnh việc sinh lời qua lãi suất, số tiền đó còn được đảm bảo an toàn thông qua chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Sứ mệnh bảo vệ tiền gửi của người dân

Tại Việt Nam, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có vai trò rất quan trọng đối với ổn định phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hoạt động ngân hàng và xử lý khủng hoảng tài chính.

Với các quy định cụ thể về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi và tiền gửi được bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi, thời điểm chi trả tiền bảo hiểm phù hợp… đã thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo an toàn đối với tiền gửi của người gửi tiền trong hạn mức bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đổ vỡ, hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Đáng chú ý, Bảo hiểm tiền gửi còn tạo điều kiện cho hoạt động của nền kinh tế cũng như các tổ chức tín dụng được ổn định; qua đó góp phần tích cực vào việc duy trì an ninh, trật tự xã hội.

Nhìn ra thế giới, bảo hiểm tiền gửi được hoạch định rất quan trọng trong nền kinh tế. Trước hết, nó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, ngân hàng, đồng thời, góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. 

Bên cạnh đó, bảo hiểm tiền gửi cũng góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần duy trì sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính quốc gia, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng tạo điều kiện phát triển trong lĩnh vực tài chính.

Bảo hiểm tiền gửi là một tổ chức tài chính đặc biệt trong hệ thống tài chính của một quốc gia và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam hay các nước trên thế giới là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và sự an toàn, lành mạnh của các tổ chức tham gia. Tuy nhiên mức độ, phạm vi và mô hình hoạt động có thể khác nhau.

Người dân chưa hiểu rõ về Bảo hiểm tiền gửi

Trong thời gian qua, gắn với quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tièn gửi Việt Nam cũng từng bước phát huy vai trò của mình, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời cho hàng nghìn người gửi tiền tại các Quỹ tín dụng nhân dân bị đổ vỡ; ngăn ngừa phạm vi ảnh hưởng xấu của các quỹ này đến hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động lành mạnh.

Bên cạnh đó, mới đây Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng đã trao cho Bảo hiểm Việt Nam trách nhiệm lớn hơn nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng, cụ thể: cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của Tổ chức tín dụng hỗ trợ, đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét…, qua đó chứng tỏ vai trò ngày càng lớn của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mới thể hiện được ở trong một phạm vi nhất định. Cụ thể, nhiều người gửi tiền chưa thực sự quan tâm và có nhận thức đúng đắn về chính sách bảo hiểm tiền gửi, bởi vì họ nghĩ rằng đằng sau có Nhà nước và nếu xảy ra đổ vỡ Tổ chức tín dụng thì sẽ có Nhà nước đứng ra xử lý.

Tới đây trong điều kiện nền kinh tế thực sự chuyển mình sang kinh tế thị trường một cách đích thực hơn, tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ phát huy được vai trò, chức năng theo đúng quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Theo một số chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân chưa thực sự quan tâm nhiều đến chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Thứ nhất, từ phía Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thì công tác truyền thông vẫn có những hạn chế nhất định, dẫn đến việc người dân chưa có nhận thức đúng đắn về vai trò của bảo hiểm tiền gửi.

Thứ hai, từ khía cạnh cơ quan quản lý Nhà nước, xuất phát từ quan niệm " trong mọi trường hợp phải đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và không để xảy ra đổ vỡ". Khía cạnh này đôi khi dẫn đến việc người dân không quan tâm và tìm hiểu thích đáng vấn đề này.

Bên cạnh đó, người dân thực sự rất cần tìm hiểu về nội dung của chính sách bảo hiểm tiền gửi trong nền kinh tế. Vì một khi người dân hiểu và có kiến thức, biết được vai trò quan trọng của chính sách bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với quyền lợi của mình thì sẽ có lợi không chỉ cho bản thân họ, mà còn có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng.

Việc có hiểu biết đầy đủ, chính xác về chính sách bảo hiểm tiền gửi sẽ giúp người gửi tiền, người dân có trách nhiệm khi lựa chọn và gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trường hợp có một số tổ chức tín dụng dùng biện pháp cạnh tranh bằng lãi suất cao để lôi kéo khách hàng gửi tiền thì sẽ được hạn chế.

Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất cao thường đi đôi với rủi ro lớn. Luật các Tổ chức tín dụng năm 2017 đã mở ra hướng cho phép các tổ chức tín dụng phá sản khiến người dân cũng sẽ cân nhắc khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiền. Bên cạnh đó, điều này cũng buộc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có trách nhiệm với người dân khi tổ chức tín dụng đổ vỡ và tương tự, tổ chức tín dụng nhận tiền gửi của người dân cũng cần có trách nhiệm với đồng tiền người dân gửi vào.

Do đó, việc người dân có kiến thức về chính sách bảo hiểm tiền gửi và vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cung cấp thông tin cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi thì sẽ giúp tổ chức bảo hiểm tiền gửi giám sát các bảo hiểm tiền gửi để các tổ chức này hoạt động lành mạnh, bền vững hơn.

Theo VnEconomy
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.