'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án khu đô thị thiên đường Mắc Ca. Theo đó, Công ty Cổ phần Him Lam là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án này.
Dự án có diện tích khoảng 41,657ha, quy mô gồm 61 căn nhà liền kề, 38 căn biệt thự nhà vườn, 99 căn bungalow, nhà hàng dịch vụ, nhà đón tiếp, sân tennis... với tổng mức đầu tư 763 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất).
Khu đô thị được bố trí thành 2 phân khu. Phân khu 1 có diện tích khoảng 15,48ha bao gồm toàn bộ phía tây dự án, cơ cấu sử dụng đất chủ yếu là đất du lịch sinh thái với mật độ xây dựng thấp, tỷ lệ cây xanh cao, tạo lõi xanh điều hòa khí hậu và điểm nhấn cảnh quan cho khu vực.
Phân khu 2 có diện tích khoảng 26,37ha, bao gồm toàn bộ phía đông và phía nam dự án, cơ cấu sử dụng đất chủ yếu là đất biệt thự nghỉ dưỡng và một phần nhỏ là đất ở liên kế phía chân đồi. Cây xanh cảnh quan bố trí xen kẽ giữa các khu nhà, kết hợp hệ thống cây xanh sân vườn tạo điểm nhấn cảnh quan.
Dù trước đây Him Lam đã là nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, nhưng dự án khu đô thị thiên đường Mắc Ca thuộc huyện Tam Đường và TP. Lai Châu vẫn phải tổ chức công bố lại danh mục dự án, lựa chọn lại nhà đầu tư do chưa bảo đảm thủ tục pháp lý trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trước đó. (Xem thêm)
Liên quan đến dự thảo Nghị định về Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng Nghị định số 76/2015/NĐ-CP hiện chưa có quy định điều kiện đáp ứng về vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi thực hiện đầu tư dự án. Đây là một điểm hạn chế của quy định hiện hành.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung thêm quy định về điều kiện áp dụng đối với các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản là phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô dưới 20ha, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô từ 20ha trở lên khi thực hiện từng dự án.
Quy định này theo Bộ để nhằm thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai (Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013) và pháp luật về đầu tư (tại điểm c Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020), yêu cầu các chủ đầu tư dự án phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án nhằm tránh tình trạng bỏ trống dự án, không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện sau khi được nhà nước chấp thuận do chủ đầu tư không có năng lực tài chính.
Tuy nhiên, do pháp luật về đất đai hiện hành chỉ quy định áp dụng mức vốn chủ sở hữu nêu trên đối với trường hợp được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án, còn các trường hợp khác được chấp thuận (chỉ định) chủ đầu tư như có quyền sử dụng đất hợp pháp hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án… thì không bắt buộc áp dụng.
Ngoài ra, pháp luật đất đai cũng không nêu rõ mức vốn này được áp dụng cho mỗi dự án hay tất cả các dự án mà chủ đầu tư đăng ký thực hiện trong cùng thời điểm. Từ đó dẫn đến sự không thống nhất trong việc xác định điều kiện đầu tư, nhiều nhà đầu tư không có khả năng tài chính vẫn được chấp thuận đầu tư nhiều dự án cùng một thời điểm, trong khi pháp luật đầu tư hiện hành đã yêu cầu tất cả các nhà đầu tư phải có chứng minh năng lực tài chính cũng như đã mở rộng diện được chấp thuận nhà đầu tư.
“Để có sự thống nhất với pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong hoạt động kinh doanh, hạn chế các tồn tại nêu trên thì việc quy định điều kiện về mức vốn chủ sở hữu như nêu trên là cần thiết và hợp lý”, Bộ Xây dựng lý giải. (Xem thêm)
Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang vừa có thông báo kết luận của Hội đồng thẩm định thông qua nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu phi thuế quan Phú Quốc tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, quy mô khoảng 101 ha.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch HĐQT là chủ đồ án quy hoạch này.
Dự án có quy mô 101 hecta, dự kiến gồm 12 hạng mục chính, gồm khu phi thuế quan (hàng rào cứng) và khu thương mại, dịch vụ nằm ngoài khu phi thuế quan. Cụ thể dự án gồm trung tâm bán hàng giảm giá (Factory Outlet), khu vực siêu thị miễn thuế, cửa hàng miễn thuế, khu thương mại dịch vụ ăn uống (F&B), khu vui chơi giải trí, các hạng mục và cơ sở hạ tầng khác…
Dự án khu phi thuế quan Phú Quốc có vốn đầu tư 6.830 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư tối thiểu 15%. Nhà đầu tư sẽ phải ứng trước 830 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án. (Xem thêm)
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định số 2295 phê duyệt nhiệm vụ, dự toán quy hoạch phân khu khu đô thị Liên Khương -Prenn, huyện Đức Trọng.
Theo quyết định, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) tài trợ quy hoạch phân khu khu đô thị Liên Khương-Prenn với tổng kinh phí dự toán gần 5,7 tỷ đồng.
Diện tích lập quy hoạch dự án khoảng 2.969ha, thuộc địa bàn của một phần 4 xã: Hiệp An (1.365,73ha), Hiệp Thạnh (900,13ha), Liên Hiệp (535,25ha), thị trấn Liên Nghĩa (168,52ha). Dự báo quy mô dân số khoảng 50.000 người.
Giới cận phía bắc giáp cầu Prenn, phía tây giáp cao tốc Liên Khương – Prenn, phía nam giáp sân bay Liên Khương và phía đông giáp sông Đa Tam. (Xem thêm)
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho Thông tư 25/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo hướng loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Điều này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Trường Phát, nói rằng luật Nhà ở 2014, Nghị định 100 và sau này là Nghị định 49 quy định rất rõ về các đối tượng được ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội (NOXH) đồng thời cũng quy định rõ việc cho vay như thế nào, lãi suất bao nhiêu và thời gian được vay là bao lâu. Chính sách này đã thực hiện xuyên suốt từ năm 2006 đến nay.
“Thế nên, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ tước bỏ chính sách cốt lõi của nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua NOXH. Các đối tượng được hưởng chính sách NOXH là những người bị thiệt nhất, không có khả năng tự tạo lập nhà ở. Đề xuất này có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở, không phù hợp với một số quy định của luật Nhà ở 2014 vừa không phù hợp với Nghị định 100 và thiếu nhân văn”, ông Dũng nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nói bản thân ông đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về NOXH của luật Nhà ở 2014 và nhận thấy rất rõ là luật Nhà ở 2014 không hề cấm cho vay ưu đãi đối với các đối tượng mua, thuê mua NOXH. Không những vậy, nhiều nước đã thực hiện chính sách về NOXH, nhà ở giá thấp cho người có thu nhập thấp đều có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp, với thời hạn cho vay phổ biến trên dưới 25 năm (một thế hệ).
Như Singapore quy định thời hạn cho vay lên đến 30 năm, Hàn Quốc thì tùy theo giá trị của loại nhà và thu nhập của đối tượng được hỗ trợ mua nhà ở mà áp dụng mức lãi suất và thời hạn cho vay ưu đãi phù hợp. Có thể nhận thấy chính sách cốt lõi nhất về NOXH của các nước đặt trên hai trụ cột: một là hỗ trợ tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, hai là thời hạn cho vay dài hạn. (Xem thêm)
Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng để tháo gỡ vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm nợ xấu là bất động sản, Chính phủ cần luật hóa một quy định của Nghị quyết 42/2017, đó là chỉ cần có quyết định giao đất, cho thuê đất là được chuyển nhượng.
Từ năm 2017, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mở ra một hướng xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.
Cụ thể, Điều 10 của Nghị quyết 42 quy định: "Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; b) Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Quy định này của Nghị quyết 42 được đánh giá là thông thoáng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, các đạo luật về bất động sản vẫn chưa có quy định tương ứng với nội dung trên của Nghị quyết 42.
Cụ thể, điểm b, khoản 1, Điều 194 Luật Đất đai 2013 quy định: “Các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận...".
Khoản 2, Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định một trong các điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản là chủ đầu tư đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Còn khoản 4, Điều 25 Luật Nhà ở 2014 xác định: chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại "được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản”.
Như vậy, trong khi Nghị quyết 42 cho phép chuyển nhượng dự án, một phần dự án khi có quyết định giao đất, cho thuê đất thì các đạo luật hiện hành vẫn yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Xem thêm)
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có Quyết định số 4619 phê duyệt bảng tiến độ tổng thể thực hiện dự án tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn do Công ty Cổ phần Everland Vân Đồn làm chủ đầu tư.
Theo đó, giai đoạn 1, chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục pháp lý đầu tư và công tác chuẩn bị thi công, thời gian bắt đầu từ tháng 8/2021 đến hết tháng 12/2021; giai đoạn 2 thi công xây dựng, thời gian bắt đầu từ đầu năm 2022 đến tháng 2/2025.
Dự án tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn có vị trí tại Lô M1, Khu đô thị du lịch và bến cảng cao cấp Ao Tiên. Vốn đầu tư của dự án là 3.611,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 750 tỷ đồng và số còn lại là vốn huy động.
Crystal Holidays Harbour Vân Đồn được triển khai trên khu đất rộng 26.020m2, quy mô gồm 5 tòa khách sạn và căn hộ lưu trú có chiều cao từ 27 đến 34 tầng và 1 tòa Trung tâm hội nghị quốc tế cao 3 tầng.
Theo tìm hiểu, Everland Vân Đồn được thành lập vào tháng 3/2019, là công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Everland (HoSE: EVG). Thời điểm mới thành lập, Everland Vân Đồn có vốn điều lệ 350 tỷ đồng, trong đó Everland góp 210 tỷ đồng, tương đương 60% vốn điều lệ.
Ngoài ra, HĐQT EVG cũng cử ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT EVG, làm người đại diện phần vốn góp của EVG tại Everland Vân Đồn.
Everland Vân Đồn được thành lập với nhiệm vụ triển khai các dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Vân Đồn, một trung tâm kinh tế mới nổi, nơi tập trung các dự án phát triển du lịch, dịch vụ.
Vào tháng 4/2021, HĐQT EVG đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ cho Everland Vân Đồn từ 350 tỷ lên 740 tỷ đồng. Công ty con của Everland dự kiến phát hành 40 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Số lượng cổ phần tập đoàn được quyền mua là 24 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị vốn tăng thêm 240 tỷ đồng. Sau khi góp vốn, tỷ lệ sở hữu của tập đoàn được duy trì ở mức 60% vốn điều lệ công ty con.
Mục đích tăng vốn là để bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu cho Everland Vân Đồn đầu tư dự án tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Habour Vân Đồn theo quy mô đầu tư thay đổi. (Xem thêm)
Bộ Xây dựng cho biết Nghị định số 76/2015/NĐ-CP quy định chung và bao quát về trình tự, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, không phân biệt trường hợp dự án bất động sản được thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về quản lý phát triển đô thị hoặc các quy định pháp luật khác.
Tuy nhiên, quá trình áp dụng quy định cũng cho thấy có một số bất cấp do có sự chồng chéo về quy định chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản với quy định của pháp luật đất đai về chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Điều này dẫn đến sự lúng túng trong cách hiểu và áp dụng đối với các địa phương trong việc áp dụng quy định. Ví dụ như trong việc xác định trường hợp nào thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, trường hợp nào thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định số 76/2015/NĐ-CP; khi chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì có phải thực hiện chuyển nhượng một phần dự án hay không…
Vì vậy, Bộ Xây dựng cho rằng để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống quy định pháp luật trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có sự điều chỉnh, thay đổi, các nội dung quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong Nghị định số 76 cũng cần phải được sửa đổi, thay thế cho phù hợp.
Cơ quan này đề xuất bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện, trong đó phân định rõ các trường hợp thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bất động sản và các trường hợp thực hiện theo pháp luật về đầu tư để tránh nhầm lẫn.
Đồng thời bổ sung quy định về việc kiểm tra nội dung hợp đồng trước khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án để bảo đảm tính thống nhất trong thực hiện pháp luật, hạn chế các tranh chấp xảy ra hoặc lợi dụng chính sách để chuyển giao tài sản không hợp pháp. (Xem thêm)
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.