Bùng nổ đầu tư chứng chỉ quỹ: Những 'tay chơi' mới nhập cuộc
(VNF) - Chuyên gia cho rằng thị trường sẽ đón nhận làn sóng đầu tư chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư cá nhân trong tương lai, tuy nhiên hành trình “trỗi dậy” này có thể mất từ vài năm, thậm chí dài hơn.
Nhà đầu tư cá nhân chuyển hướng
Trên thị trường chứng khoán, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam thường chiếm từ 80 - 90% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, cho thấy vai trò quan trọng của nhà đầu tư cá nhân trong việc gia tăng thanh khoản và sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến cuối tháng 8/2024, đã có hơn 8,6 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước, tương đương gần 9% dân số.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF), tỷ lệ này vẫn còn khá thấp so với các quốc gia khác như Trung Quốc (13%), Malaysia (30%) và Mỹ (53%), cho thấy tiềm năng phát triển to lớn khi số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán tiếp tục tăng, qua đó cải thiện tính thanh khoản của thị trường trong tương lai. Vai trò của nhà đầu tư cá nhân cũng thể hiện trong 8 tháng đầu năm 2024 khi nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 2,6 tỷ USD nhưng VN-Index vẫn tăng trưởng 13,6%. Sự tham gia tích cực và mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã góp phần hỗ trợ thị trường chứng khoán, giúp thị trường ít lệ thuộc hơn vào dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Sức mạnh của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán là không thể phủ nhận, tuy nhiên, những nhà đầu tư này thường bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tâm lý, cùng với đó là xu hướng muốn “mua đáy, bán đỉnh”, kiếm lợi nhuận đột biến trong thời gian ngắn. Tâm lý này khiến các nhà đầu tư cá nhân rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn của thị trường. Do tỷ trọng tham gia chủ yếu của nhà đầu tư cá nhân, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có mức biến động rất cao. Thống kê cho thấy hầu hết nhà đầu tư cá nhân trên thị trường đều không có lãi, đặc biệt sau khi trừ các khoản phí môi giới và thuế thu nhập cá nhân.
“Vì vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư cá nhân không chuyên nên lựa chọn đầu tư vào quỹ mở để thu được lợi nhuận vững chắc qua thời gian thay vì cố gắng tự mình chiến thắng thị trường”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga nhấn mạnh. Sau những diễn biến bất lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán trong năm 2022, dòng tiền đầu tư thông minh đã tìm kiếm các kênh đầu tư mới, an toàn, hiệu quả hơn, trong đó một lượng không nhỏ các nhà đầu tư trên thị trường đã tìm đến kênh đầu tư chứng chỉ quỹ, bao gồm các nhà đầu tư cá nhân.
Theo thống kê của Vụ Quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù tổng giá trị tài sản ròng các quỹ mở giảm nhẹ, chủ yếu do ảnh hưởng của các quỹ trái phiếu, số lượng nhà đầu tư đầu tư vào quỹ mở đã tăng 20%, tập trung chủ yếu ở quỹ cổ phiếu. Sau hơn 10 năm hoạt động, các quỹ mở đến nay đã thu hút hơn 300.000 nhà đầu tư. Tại VCBF nói riêng, bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết từ thời điểm khó khăn khi phải huy động đủ 100 nhà đầu tư để đủ điều kiện thành lập quỹ mở đầu tiên theo quy định vào cuối năm 2013, đến cuối tháng 8/2024, đã có hơn 32.000 nhà đầu tư đầu tư vào các quỹ mở của VCBF. Đặc biệt, VCBF chứng kiến số lượng nhà đầu tư tăng đột biến gấp 2,5 lần năm 2023 và tăng gần gấp đôi trong 8 tháng đầu năm 2024.
“Từ những phân tích và số liệu trên, có thể thấy rằng kênh đầu tư vào chứng chỉ quỹ đang ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo lượng nhà đầu tư tham gia và gắn bó”, Tổng giám đốc VCBF cho biết. Mặt khác, nhóm khách hàng cá nhân cũng được xem là mục tiêu phát triển chính trong thời gian tới của các công ty quản lý quỹ, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu về đầu tư cá nhân và quản lý tài sản ngày càng tăng khi cơ hội đầu tư vào các tài sản truyền thống trở nên kém hấp dẫn khi lãi suất tiền gửi ngày càng giảm, giá vàng và bất động sản tăng cao, đòi hỏi số vốn đầu tư lớn và rủi ro gia tăng.
Có được niềm tin, thị trường sẽ bùng nổ
“Mặc dù có sự phát triển vượt bậc, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vào quỹ mở vẫn còn rất hạn chế khi chỉ dưới 0,3% dân số đầu tư vào quỹ mở. 300.000 nhà đầu tư đầu tư vào quỹ mở vẫn là con số quá nhỏ bé so với không chỉ dân số Việt Nam mà với gần 9 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán”, Tổng giám đốc VCBF nhận định.
Theo bà, chứng chỉ quỹ giống như hàng hoá thiết yếu mà mọi cá nhân đều có nhu cầu đầu tư, vấn đề là người dân vẫn chưa nhận thức được điều này. Khi nhà đầu tư nhận thức được chứng chỉ quỹ là sản phẩm thiết yếu trong quản lý tài chính cá nhân để đạt được các mục tiêu tài chính, thị trường sẽ chứng kiến số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng vọt. “Tôi tin tưởng rằng chắc chắn thị trường sẽ đón nhận làn sóng đầu tư vào chứng chỉ quỹ trong tương lai, tuy vậy, hành trình “trỗi dậy” có thể mất từ vài năm, thậm chí dài hơn”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết.
Quản lý quỹ được bà Nga ví von như một ngành của niềm tin, do vậy điều cần nhất là sự nỗ lực của các công ty quản lý quỹ trong việc quản lý tốt các sản phẩm quỹ để đạt được kết quả đầu tư vượt trội, nhất quán qua thời gian, chứ không chỉ trong một thời gian ngắn. Kết quả từ những nỗ lực này sẽ tạo ra niềm tin dài hạn cho nhà đầu tư, thu hút được những khách hàng gắn bó với quỹ. Bên cạnh đó, những đại lý phân phối chứng chỉ quỹ cần bán đúng sản phẩm, tư vấn chính xác để nhà đầu tư mua được sản phẩm phù hợp với khẩu vị rủi ro, tránh sự hoảng loạn khi thị trường biến động dẫn đến tình trạng bán tháo.
Ngoài ra, để thu hút các nhà đầu tư cá nhân, Tổng giám đốc VCBF đề xuất Chính phủ đặt ra các mục tiêu cụ thể đối với ngành quỹ trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, đặc biệt là cho phép các ngân hàng được phân phối chứng chỉ quỹ.
“Trên thế giới, ngân hàng vẫn là lực lực lượng phân phối chính cho chứng chỉ quỹ. Chính phủ cũng nên xem xét có các chính sách khuyến khích thuế, đơn cử như miễn thuế thu nhập cá nhân cho các khoản đầu tư định kỳ và không rút ra trong vòng 5 hay 10 năm, nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm một cách kỷ luật và dài hạn. Chính phủ cũng nên có một đợt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp niêm yết mới để thu hút các doanh nghiệp tốt niêm yết trên sàn, giúp cho các quỹ có thêm các cơ hội tốt và đa dạng để đầu tư, tạo lợi nhuận tốt và bền vững cho các quỹ”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga nhìn nhận.
Cùng với đó, bản thân các nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu, học hỏi kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, đặt ra các mục tiêu tài chính dài hạn và tìm kiếm các công cụ đầu tư dài hạn để đạt được mục tiêu một cách kỷ luật, không chạy theo thông tin ngắn hạn, không đặt cược tài sản vào việc tự đầu tư khi không biết rõ giá trị và rủi ro của từng khoản đầu tư.
“Các công ty quản lý quỹ trong thời gian qua đã rất nỗ lực để phổ biến kiến thức về quản lý tài chính cá nhân và quỹ mở tới nhà đầu tư. Các công ty cũng phát triển các ứng dụng giúp việc đầu tư được đơn giản, thuận tiện. Các ngân hàng cũng đã bắt đầu quan tâm giới thiệu chứng chỉ quỹ cho khách hàng, nhiều công ty Fintech cũng đã tập trung phát triển phân phối chứng chỉ quỹ. Điều này giúp cho quỹ mở có thể trở thành công cụ đầu tư hiệu quả và đơn giản cho mọi nhà”, Tổng giám đốc VCBF cho biết.
Lãi suất thấp, bất động sản rủi ro... chuyển hướng mua chứng chỉ quỹ
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.