Chế tài treo trước mặt dự án 'treo'

Lệ Chi - 02/08/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Luật Đất đai 2024 đã đưa ra chế tài mạnh trong việc xử lý các dự án không hoặc chậm triển khai.

Dự án để treo quá thời hạn sẽ thu hồi

Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8 quy định, đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại, trừ các trường hợp bất khả kháng.

Tại chương trình “Cà phê doanh nhân”, ông Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận xét việc tập trung áp dụng các chế tài mạnh sẽ tạo áp lực nhưng là biện pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, từ đó đưa tài nguyên đất đai vào sử dụng hiệu quả.

Theo ông Hiếu, Quốc hội khi ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) đã tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường, công bằng, minh bạch; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; chính sách tài chính đất đai; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng quy định này là chế tài rất mạnh đối với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai hoặc thực hiện dự án nhưng chưa hoàn thành trong 48 tháng thì sẽ bị nhà nước thu hồi mà không đền bù.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, cũng cho rằng việc áp dụng chế tài mạnh sẽ gây áp lực cho các doanh nghiệp nhưng sẽ là biện pháp cần thiết để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đưa tài nguyên đất đai vào sử dụng hiệu quả. Quy định thời gian triển khai dự án cũng tránh trường hợp doanh nghiệp không đủ năng lực đầu tư mà chỉ đầu cơ đất đai, dự án treo chờ chuyển nhượng để kiếm lời.

Doanh nghiệp phản hồi gì?

Việc thu hồi dự án quá thời hạn là chủ đề đang được giới đầu tư cũng như doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Phạm Đức Toản, CEO EZ Property, cho biết trong Luật Đấu thầu cũng từng có quy định trường hợp dự án không thực hiện sẽ thu hồi. Tuy nhiên, Luật Đất đai mới đã quy định rõ hơn về thời gian thu hồi là 24 - 48 tháng.

Theo ông Toản, thời hạn thực hiện dự án được ghi trong chủ trương đầu tư. Thế nhưng, trong quá trình triển khai có thể phát sinh một số vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, hoặc lý do khách quan như điều chỉnh quy hoạch dự án, tổng mức đầu tư... Những điều này sẽ kéo theo điều chỉnh tiến độ dự án.

Với một số lý do khách quan, CEO EZ Property cho rằng cơ quan nhà nước nên gia hạn chủ trương đầu tư để thực hiện kế hoạch dự án; ngược lại, có những trường hợp cần phải đánh giá được năng lực của các chủ đầu tư, thay vì để họ cứ “ôm đất” không triển khai.

“Do đó, phải tính toán cụ thể từng trường hợp để tránh gây thiệt hại cho chủ đầu tư, bởi một số lý khách quan có thể chấp nhận được, song với lý do thuộc về năng lực thì nên mạnh dạn thu hồi”, ông Toản nhấn mạnh và cho hay hiện rất nhiều chủ đầu tư đăng ký làm dự án nhưng không thực hiện, dẫn đến gây lãng phí nguồn lực đất đai và gây mất an sinh xã hội. Ngoài ra, thị trường có rất nhiều trường hợp “xí chỗ” sau đó bán lại khu đất cho nhà đầu tư khác, đa phần đó là những doanh nghiệp địa phương, hầu như có năng lực kém.

Nhìn chung, CEO EZ Property ủng hộ quy định trên, nhưng theo ông, cần phân biệt rõ ràng. Ông cho rằng nên có chế tài mạnh tay hơn để thu hồi dự án “treo” và giao cho các nhà đầu tư khác có năng lực thực hiện, nhất là trong bối cảnh thị trường đang khát nguồn cung.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung, CEO SGO Homes, phân tích: về mặt chính quyền, quy định này rất phù hợp vì bản chất đó là tài nguyên, tài sản của quốc gia. Nếu xin dự án nhưng lại không thực hiện thì đó gọi là lãng phí, do vậy phải có quy định trong việc thu hồi để giao cho những đơn vị có năng lực triển khai và phát huy được tác dụng, giá trị của khu đất, dự án. Đơn cử như làm khu nghỉ dưỡng, khu du lịch là để tạo ra được công ăn việc làm, còn khu đô thị thì tạo ra môi trường sống cho cư dân.

Còn với doanh nghiệp, CEO SGO Homes đánh giá quy định này có tính hai mặt. Thứ nhất, khi một dự án chưa thể triển khai, cơ quan quản lý cần phải xem xét về vấn đề pháp lý. Thực tế, đang có nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng được cấp chủ trương đầu tư nhưng đến khâu đền bù giải phóng mặt bằng lại chậm nên không triển khai được; do vậy, cần xem xét về phía cơ quan chức năng.

Thứ hai, liên quan đến doanh nghiệp, nhà quản lý phải xem xét trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, doanh nghiệp có vướng mắc gì, hay có tiềm lực mà không triển khai.

“Tôi cho rằng, cơ quan chức năng nên nhìn ở 2 góc độ này để đưa ra quyết định. Còn hiện tại, thị trường đang rất thiếu nguồn cung cho nên việc áp dụng quy định phải đẩy nhanh là hợp lý, để nếu liên quan đến vướng mắc pháp lý thì nhà nước phải vào cuộc, còn nếu liên quan đến năng lực thì chủ đầu tư buộc phải huy động các nguồn vốn khác để thực hiện hoặc phải chủ động M&A, liên kết, liên doanh để có nguồn lực triển khai”, ông Chung nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Lê Thành, cũng bày tỏ điều mà doanh nghiệp rất lo lắng hiện nay là quy định nếu trong thời hạn 24 - 48 tháng, doanh nghiệp chưa triển khai dự án thì sẽ bị thu hồi đất mà không được bồi thường. Trong khi thực tế có nhiều trường hợp bất khả kháng, đó là doanh nghiệp không triển khai được dự án do chậm thủ tục liên quan đến cơ quan chức năng. Vì vậy, trong nghị định hướng dẫn luật, cần bổ sung và làm rõ nội dung này, nếu không thì doanh nghiệp sẽ bị “chết oan”.

“Khi chúng tôi xin chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án dự kiến triển khai trong 3 năm, đến giai đoạn được chấp nhận đầu tư chỉ còn 2 năm, tại vì thủ tục chạy lòng vòng. Ngay khi nộp hồ sơ đã ghi mốc thời gian rồi, nhưng khi được chấp nhận đầu tư thì vẫn chưa triển khai dự án, bởi việc xin giấy phép đầu tư và các thủ tục khác tới giấy phép xây dựng cũng mất 5 năm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị trong nghị định hướng dẫn luật này phải ghi thêm nội dung là không thu hồi dự án trong trường hợp bất khả kháng”, ông kiến nghị.

Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực từ 1/8

Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực từ 1/8

Tiêu điểm
(VNF) - Quốc hội vừa biểu quyết thông qua luật, đồng ý để Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, tức sớm hơn 5 tháng.
Cùng chuyên mục
Tin khác