Chủ tịch VCCI: 'Tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi là rào cản chuyển đổi số'
Ngọc Lưu -
28/07/2020 14:47 (GMT+7)
(VNF) - Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp thờ ơ đối với kỹ thuật số và nghĩ rằng chuyển đổi số chỉ là một phương tiện để phô diễn, không cho rằng đó là một khoản đầu tư hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Phát biểu tại diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA, tổ chức ngày 28/7, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh thương mại điện tử đang là một trong những cứu tinh của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Theo ông Lộc, thương mại điện tử và ở cấp độ cao hơn là số hoá các hoạt động xuất nhập khẩu là cuộc cách mạng vĩ đại trong hoạt động kinh doanh quốc tế, giúp chúng ta vừa có được một nền thương mại minh bạch, hiệu quả, vừa giải quyết được vấn đề không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Theo Chủ tịch VCCI, trước đây, khi chưa có thương mại điện tử, hoạt động xuất nhập khẩu là lãnh địa của các doanh nghiệp lớn. Chỉ từ khi xuất hiện Internet và thương mại điện tử thì các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mới có cơ hội kinh doanh để vươn ra thị trường thế giới và đang trở thành các chủ nhân bình đẳng trong nền doanh nghiệp toàn cầu.
TS Vũ Tiến Lộc lấy ví dụ rằng thương mại điện tử tạo điều kiện cho một anh nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk chỉ bằng một cú nhấn chuột có thể tiếp cận và bán hàng cho một quán cà phê ở New York, hay một chị thợ may ở Hội An có thể may đo cho một gia đình ở Paris.
"Thời thương mại điện tử, bà đồng nát cũng có thể lên Internet để bán hàng”, Chủ tịch VCCI ví von.
Theo ông Lộc, thị trường toàn cầu là cơ hội tuy nhiên cũng là thách thức đặt ra đối với tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doah nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bởi lẽ bây giờ cạnh tranh đã vào sân nhà mình rồi, vào ngõ nhà mình, tiếp cận với chúng ta 24/24.
Cũng theo ông Lộc, mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế quốc gia. Do đó, Chính phủ cần tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại, với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số.
Về phần doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng trách nghiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Hiện, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp thờ ơ đối với kỹ thuật số và nghĩ rằng chuyển đổi số chỉ là một phương tiện để phô diễn, không cho rằng đó là một khoản đầu tư hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
"Tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế", Chủ tịch VCCI nhận định.
Từ thực trạng này, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng nếu không nhanh chóng ứng dụng các công nghệ số, xuất nhập khẩu vẫn chỉ là sân chơi riêng của các doanh nghiệp lớn trong khi phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa lại không tranh thủ được các cơ hội mới.
"Thương mại điện tử là một trong những công cụ quan trọng nhất bảo đảm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể tham gia và hưởng lợi trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đây là yêu cầu cốt lõi bảo đảm thành công bền vững cho tiến trình hội nhập", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.