'Chúng tôi hợp tác cùng MB để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam'
Linh Linh -
27/02/2018 10:39 (GMT+7)
"Đúng là ở Nhật Bản, chúng tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển mô hình kinh doanh này, tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng, không phải tất cả những gì chúng tôi đang áp dụng tại Nhật Bản hiện nay đều có thể áp dụng tại đây..."
Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB – MBB) vừa hoàn tất thủ tục bán 49% cổ phần công ty con Mcredit cho đối tác Shinsei Bank của Nhật Bản và chuyển đổi công ty tài chính từ 1 thành viên sang hai thành viên trở lên mang tên Công ty tài chính TNHH MB Shinsei. Trong đó, MB sở hữu 50%, Shinsei sở hữu 49% và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành sở hữu 1%.
Được biết, Shinsei Bank là Tập đoàn tài chính của Nhật Bản, hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm. Tập đoàn đã có hơn 50 năm kinh nghiệm hoạt động tài chính tiêu dùng thông qua công ty con là Shinsei Financial (SF) – Công ty đứng thứ 3 tại thị trường Nhật Bản về cho vay tiền mặt tài chính tiêu dùng và thuộc nhóm các công ty hàng đầu tại thị trường Nhật Bản về các giải pháp công nghệ trong cho vay tiêu dùng.
Vậy điều gì ở Mcredit đã hấp dẫn được đại gia Nhật Bản này? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Toshizo Tanaka – Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei.
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam?
Trong vài năm gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam có sự phát triển rất mạnh mẽ. Việc vay mượn qua tiệm cầm đồ như truyền thống trước kia đang dần bị thay thế do sự hiểu biết của người dân về các sản phẩm tài chính tiêu dùngtăng lên, tầng lớp thu nhập trung lưu cũng tăng, lại thêm việc đô thị hóa chia gia đình ra nhỏ hơn nên dần dà việc vay mượn trong gia đình cũng ít đi. Theo đó, tôi cho rằng, tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng Việt là rất lớn.
- Vì sao Shinsei Bank chọn Mcredit làm đối tác để bước vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt mà không phải công ty khác? Đối tác này có gì hấp dẫn các ông?
Mối quan hệ giữa Shinsei Bank với Mcredit được bắt nguồn từ những thảo luận giữa ngân hàng chúng tôi với Ngân hàng Quân đội (MB) từ trước khiMcredit được thành lập.
Ngoài việc là một ngân hàng thương mại lớn, hoạt động lành mạnh với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, thì MB còn có một điểm rất đáng trân quý, chính là tâm thế tích cực học hỏi trong mảng bán lẻ, với tinh thần trách nhiệm với xã hội, có tâm niệm mạnh mẽ tới việc nâng cao đời sống quốc dân.
Đó chính là yếu tố khiến chúng tôi đồng cảm và đi tới lựa chọn MB. Chúng tôi nghĩ rằng tâm thế luôn đưa ra những đề xuất, kế hoạch mới với thị trường là điểm lôi cuốn của MB và nó nên được duy trì.
- Vậy kế hoạch phát triển, mục tiêu trong 5 năm tới của Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei là gì, thưa ông?
Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei đặt mục tiêu nằm trong Top 3 Công ty Tài chính tiêu dùng an toàn và hoạt động hiệu quả nhất, phục vụ 5 triệu khách hàng tại Việt Nam vào năm 2021.
Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung tận dụng thế mạnh từ các cổ đông lớn là MB và Shinsei Bank để phát triển nội lực, chuẩn hóa quy trình, phát triển kênh tiếp cận và dịch vụ cho khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm theo sát nhu cầu của thị trường.
Chúng tôi hướng đến là "công ty tài chính tiêu dùng thuận tiện" đối với khách hàng. Do đó từ kênh tiếp cận khách hàng, sản phẩm, hệ thống thẩm định, vận hành, và dịch vụ khách hàng phải có sự kết nối thông suốt, tối ưu trải nghiệm của khách hàng.
- Là ngân hàng đã có hơn 50 năm kinh nghiệm hoạt động tài chính tiêu dùng, Shinsei Bank sẽ mang những gì vào MB Shinsei để giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu đó?
Đúng là ở Nhật Bản, chúng tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển mô hình kinh doanh này, tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng, không phải tất cả những gì chúng tôi đang áp dụng tại Nhật Bản hiện nay đều có thể áp dụng tại đây.
Dù vậy, với việc kết hợp cả những thất bại và thành công đã có trong quá khứ, chúng tôi tin rằng có thể hỗ trợ công ty trong nhiều mảng như quản trị rủi ro liên quan tới quản lý khách hàng, quản lý khoản vay, tối ưu hóa hiệu quả của quy trình nghiệp vụ , đề xuất những giải pháp công nghệ trong phát triển những kênh mới,…
- Cho vay tài chính tiêu dùng mang lại lợi nhuận lớn, nhưng đồng thời, rủi ro cũng cao hơn nhiều so với cho vay truyền thống của các nhà băng, vậy MB Shinsei sẽ có những biện pháp như thế nào để kiểm soát những rủi ro này?
Tôi cho rằng, với lượng khách hàng phong phú và dịch vụ cung cấp khá tương tự nhau như hiện nay, thì việc công ty nào có thể cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thủ tục thuận tiện hơn sẽ là người chiến thắng. Và để làm được điều đó sẽ đòi hỏi chúng tôi phải nâng cao hiệu quả nghiệp vụ để đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng.
Thu thập dữ liệu về hành vi, lịch sử tín dụng của khách hàng để có thể đưa ra được những sản phẩm phù hợp nhất đối với các khách hàng mới, khách hàng hiện có, chúng tôi nghĩ rằng đó cũng là điều giúp quản lý rủi ro một cách hiệu quả.
- Vậy về mặt pháp lý, MB Shinsei có mong muốn gì từ phía nhà quản lý đối với các quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, thưa ông?
Chúng tôi kỳ vọng việc nuôi dưỡng nên một thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh. Từ khía cạnh sứ mệnh đối với xã hội, tôi nghĩ trong tương lai cần đưa nhiều góc nhìn, trong đó có góc nhìn về việc bảo hộ người tiêu dùng vào hoạt động. Để làm được như vậy, tôi kỳ vọng nhiều điều như cải tiến trung tâm thông tin tín dụng, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng tài chính.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.