Chuyên gia: 'Đứng đầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước phải là một người làm chính trị'
Nguyễn Thoan -
09/02/2018 09:10 (GMT+7)
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nói Người đứng đầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước phải là một người làm chính trị để đưa ra những quyết định chính trị, không phải là những quyết định chuyên môn.
Trả lời Tạp chí Nhà Đầu tư, TS. Nguyễn Đức Kiên nói:
"Việc thành lập một cơ quan quản lý đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp là câu chuyện không mới. Ngay từ những năm 1997-1998 sau 5 năm thực hiện thí điểm cổ phần hoá DNNN thì câu chuyện này đã được bàn tới.
Cụ thể, năm 1997, 1998 đã có những nghiên cứu về việc tách chức năng quản lý ra khỏi các bộ chủ quản (gọi cơ quan quản lý nhà nước là bộ chủ quản, vì họ vừa là chủ sở hữu vừa làm chức năng quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực ấy) đã được tiến hành. Tính tới thời điểm đó, tổng số DNNN là 12.100 doanh nghiệp tính tròn.
Trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã đi nghiên cứu cơ quản Thác quản của Cộng hoà Dân chủ Đức, khi 5 bang của Đông Đức sáp nhập với 11 bang của Tây Đức.
Chúng ta cũng đi nghiên cứu Công ty Quản lý vốn Temasek của Singapore, rồi nghiên cứu Ủy ban Giám quản của Trung Quốc và một số cơ quan của các nước khác có những mô hình quản lý vốn nhà nước để lấy kinh nghiệm cho việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại Việt Nam.
Tại Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về đổi mới nâng cao hiệu quả vốn DNNN đã đưa ra một khuyến nghị thí điểm tách việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu của một bộ quản lý chuyên ngành ra, hình thành một cơ quan quản lý phần vốn nhà nước.
Lúc đó, ý tưởng của những người làm công tác nghiên cứu là thành lập một cơ quan tương tự như Temasek của Singapore để quản lý các Tổng công ty 91, còn những Tổng công ty 90 thì cổ phần hoá hết để nhường quyền cho thị trường.
Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan, chúng ta chỉ thành lập được Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào năm 2004. SCIC lúc này không phải là quản lý vốn của 17 Tổng công ty 91 nữa mà quay trở lại quản lý các doanh nghiệp nhỏ mà các địa phương cổ phần hóa sau đó chuyển giao phần vốn về cho SCIC. Như vậy là ý đồ của những người xây dựng chính sách từ nghiên cứu tới thực tiễn đã có sự "vênh" rất lớn.
Giai đoạn sau đó, tại Đại hội IX, sau năm 2006 chúng ta lại thành lập các tập đoàn kinh tế với việc thí điểm 7 tập đoàn kinh tế. Đến tháng 4/2007 thì chúng ta cho ra đời tiếp 5 tập đoàn kinh tế. Như vậy cho tới thời điểm này mô hình SCIC về thực chất là đã phá sản, bởi có sự cạnh tranh kịch liệt giữa Tổng công ty quản lý vốn và mô hình tập đoàn kinh tế.
Ở thời điểm này, một trong những điều làm được là đã tách các bộ chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng sở hữu của chủ sở hữu, 12 tập đoàn kinh tế trực thuộc trực tiếp Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta điều hành nền kinh tế 2006, 2007 với những "quả đấm thép" là các tập đoàn kinh tế.
Nhưng đến năm 2009 lại xảy ra sự kiện của Vinashin do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 9/2008 tại Mỹ, nên có bước thụt lùi là đến năm 2012 ban hành Nghị định 99 về chức năng nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu, giao lại quyền đại diện phần vốn, phần quyết định nhân sự cho các Bộ mà không trực thuộc Thủ tướng Chính phủ nữa.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 khẳng định phải sớm thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Như vậy, việc thai nghén ý tưởng, hình thành chức năng hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở giai đoạn này đã kéo dài 20 năm chứ không phải mới ngày một ngày hai. Vấn đề ở đây là chúng ta có quyết tâm làm hay không còn những nghiên cứu, đề xuất thì đã rất đầy đủ".
- Vậy làm sao để phân biệt được vai trò của SCIC và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thưa ông?
Tên của SCIC đã là kinh doanh rồi còn Ủy ban này là đại diện chủ sở hữu, là Uỷ ban Quản lý vốn và tài sản không phải Ủy ban về kinh doanh. Năm 2001, 2002 Ban Kinh tế Trung ương cũng đã xây dựng đề án về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phải giải quyết được hai vấn đề cơ bản là hiệu quả sử dụng vốn và vấn đề cán bộ. Đây sẽ là cơ quan giám sát việc thực hiện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phải báo cáo cho chủ sở hữu là Quốc hội, đại diện chủ sở hữu là Chính phủ về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại từng cơ quan, từng đơn vị kinh doanh như thế nào. Từ đó, đánh giá được cán bộ cử vào doanh nghiệp đó hoạt động có hoàn thành nhiệm vụ hay không.
- Có ý kiến cho rằng "siêu Ủy ban" này cần những người làm chuyên môn chứ không phải là những người làm chính trị. Quan điểm của ông về vấn đề này là như thế nào?
Công tác cán bộ thì phải căn cứ theo Điều lệ của Đảng. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta phải tách ra. Thứ nhất là Người đứng đầu Ủy ban này nhất thiết phải là một nhà chính trị, một nhà chính trị hàng đầu.
Vì Ủy ban này quản lý toàn bộ nguồn lực của quốc gia đến 5 triệu tỷ đồng, mà kinh tế thì phải phục vụ chính trị, nên Người đứng đầu phải là một người làm chính trị để đưa ra những quyết định chính trị, không phải là những quyết định chuyên môn. Còn lại, bộ máy giúp việc sẽ là bộ máy chuyên môn. Và chúng ta phải rạch ròi như thế.
Giống như Temasek của Singapore thì người đứng đầu cũng là Thủ tướng Chính phủ. Còn nếu chúng ta cứ theo tư duy như hiện nay, ủy quyền cho một ông làm Chủ tịch Ủy ban này (không phải Thủ tướng), tức là Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ, Chính phủ lại ủy quền cho Thủ tướng, rồi Thủ tướng lại ủy quyền cho một người khác.
Như vậy là ủy quyền 3 lần, thì sẽ chẳng làm được gì. Vì cơ quan đó sẽ không "đủ tầm", không đủ thẩm quyền, đủ nhanh để đưa ra những quyết sách quan trọng.
Thứ 2 là chúng ta phải quản lý phần hiệu quả sản xuất của tập đoàn, phần vốn nhà nước giao cho tập đoàn sinh lợi bao nhiêu %/năm, nói cách khác là chia cổ tức bao nhiêu 1 năm. Nếu không đạt được mức kỳ vọng thì cần phải đưa phương án thay thế, thay ai, thay như thế nào và ai sẽ là người chịu trách nhiệm đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, của người đại diện phần vốn ở doanh nghiệp là việc của Ủy ban này.
Riêng việc bán gì, mua gì đầu tư gì tại doanh nghiệp thì Ủy ban không nên can thiệp sâu, vì đó là hoạt động chuyên môn, những người làm ở Ủy ban khó mà theo sát hằng ngày để biết được rõ mọi hoạt động của họ.
- Có ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng nhất với các DNNN hiện nay và vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được thành lập sắp tới là phải tích cực thoái vốn nhà nước khỏi những ngành mà nhà nước không cần nắm giữ. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Vấn đề là chúng ta phải xác định thoái vốn thế nào để có hiệu quả cao nhất? Và những ngành nào, doanh nghiệp nào mà nhà nước cần có vai trò và ngành nào, doanh nghiệp nào thì không?
Vừa rồi việc thoái vốn tại Sabeco vẫn còn gây tranh cãi là đúng hay không đúng khi chưa ai trả lời được câu hỏi 10 năm nữa thị trường bia Việt Nam sẽ do ai nắm giữ? Cùng với đó là câu hỏi tại sao chúng ta lại phải bán cả 51% cổ phần cho một nhà đầu tư nước ngoài trong khi có thể chia nhỏ số cổ phần đó, bán công khai trên mạng cho các nhà đầu tư trong nước để huy động nguồn lực từ dân chúng? Thiết nghĩ đây là vấn đề đặt ra cho các cơ quản quản lý nhà nước cần được làm.
Hay câu chuyện thoái vốn tại Vinamilk. Câu hỏi liệu chúng ta có nên thoái vốn nhà nước tại Vinamilk cho đến nay vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Bởi chúng ta đã không gắn Vinamilk với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ việc nuôi bò như thế nào, vắt sữa ra sao, rồi các sản phẩm thành phẩm sau đó.
Chúng ta cứ ra rả nói về nông nghiệp công nghệ cao nhưng không biết rằng đầu ra của nó là đâu. Đó chính là Vinamilk. Vì thế, cần phải giữ lại Vinamilk để nó trở thành bà đỡ cho nông nghiệp công nghệ cao, là đầu ra trực tiếp của người nông dân.
Tôi có cảm tưởng rằng, chúng ta đang nói theo phong trào, việc ai không nói tới thoái vốn DNNN ở thời điểm này là sẽ bị "chụp mũ" rằng không đổi mới. Tuy nhiên, hãy nhìn sâu hơn vào bản chất vấn đề, thoái vốn nhà nước không phải là thoái cho bằng được mà là thoái vốn làm sao có lợi nhất cho đất nước, cho người dân. Có lẽ chúng ta cũng nên hỏi và đáp một câu rằng "Bán Sabeco 5 tỷ USD người nông dân, 94 triệu người dân được gì?".
Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, vấn đề Người đứng đầu Ủy ban này cần là một người chính trị, lấy mục tiêu vì dân, vì nước lên hàng đầu chứ không phải vì lợi nhuận. Người đứng đầu cần có tầm nhìn xuyên suốt, chiến lược dài hơi trong ít nhất 30 năm, đặt vấn đề cổ phần hóa DNNN trong tầm nhìn vài chục năm mà không chạy theo những mục tiêu kinh tế ngắn hạn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone