Diễn đàn VNF

Chuyên gia: 'Nếu giữ nguyên chiến lược chống Covid-19 như giai đoạn I thì dễ vỡ trận'

(VNF) - Chuyên gia Vũ Tú Thành cho rằng nếu Việt Nam giữ nguyên chiến lược chống dịch Covid-19 ở giai đoạn trước thì việc "vỡ trận" chỉ còn là vấn đề thời gian.

Chuyên gia: 'Nếu giữ nguyên chiến lược chống Covid-19 như giai đoạn I thì dễ vỡ trận'

Ông Vũ Tú Thành

Không thể giữ nguyên chiến lược cũ

Theo ông Thành, với những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh (số ca nhiễm tăng gần gấp đôi, từ 16 lên 30, trong 2 ngày cuối tuần vừa qua) cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam đã chính thức bước sang giai đoạn mới.

Những chiến lược áp dụng cho giai đoạn trước, theo ông, đến thời điểm này đã không còn hiệu quả và phù hợp.

Ông Thành cho hay ở giai đoạn I, nguy cơ chủ yếu tập trung ở Vũ Hán nhưng Việt Nam đã nhanh chóng nâng cấp các phòng tuyến bảo vệ với việc mở rộng định nghĩa vùng dịch bao gồm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc đại lục và áp dụng các biện pháp hạn chế, giám sát chặt chẽ với cả những người đến từ hoặc đi qua các quốc gia và vùng lãnh thổ đã xuất hiện trường hợp nhiễm đầu tiên.

Do quyết định sớm và số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ cần đề phòng trong giai đoạn 1 còn hạn chế (số lượng biến – variables phải xử lý còn trong tầm kiểm soát) nên mục tiêu ngăn chặn dịch xâm nhập (Access denial - AD) và ngăn dịch lây lan (Spread Denial - SD) là hợp lý và khả thi. Trên thực tế, Việt Nam đã hoàn thành tốt các mục tiêu này trong giai đoạn 1.

Nhưng ở giai đoạn II hiện nay tình hình đã chuyển biến xấu hơn hẳn. Số biến phải xử lý đã vượt quá tầm kiểm soát với việc dịch bệnh lan rộng ra toàn cầu.

Muốn tiếp tục thực hiện mục tiêu ngăn chặn xâm nhập (AD) thì Việt Nam bắt buộc phải đóng biên toàn bộ và tuyệt đối đường không, đường bộ, đường thủy đối với lưu chuyển con người (dừng cấp visa cho tất cả các đối tượng).

Để tiếp tục mục tiêu ngăn dịch lây lan (SD) Việt Nam phải tiếp tục đồng thời hai chiến lược cách ly: cách ly các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng (gọi là cách ly ngăn chặn hay Q1) và cách ly các đối tượng có khả năng bị lây nhiễm (gọi là cách ly bảo vệ hay Q2).

Q1 là biện pháp được WHO và các cơ quan kiểm soát dịch bệnh (CDC) quy định chặt chẽ với các mức độ khác nhau và tiêu chí rõ ràng, khoa học, áp dụng với các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm, tiếp xúc gần (F1), F2, F3...

Nhưng Q2 (ví dụ đóng cửa trường học, xí nghiệp, nhà máy, cấm tụ tập đông người) hiện nay hoàn toàn không có tiêu chí, mức độ và đối tượng rõ ràng. Chính phủ tất cả các quốc gia trên thế giới hiện đang lúng túng về phương pháp cách ly bảo vệ, còn giới khoa học và chuyên môn thì vẫn đang tranh cãi về hiệu quả của biện pháp này (thậm chí còn không thống nhất được về khái niệm và nội hàm).

Việc duy trì ngăn chặn xâm nhập (AD) trong giai đoạn 2 này (tự bế quan tỏa cảng) có chi phí cao hơn hẳn so với giai đoạn 1. Việc này cũng sẽ khiến nền kinh tế vận hành hoàn toàn dựa vào lương khô và tự túc; nguyên liệu cho sản xuất, thực phẩm, thuốc men cùng các nhu yếu phẩm khác sẽ sớm cạn kiệt, buộc toàn xã hội phải bước vào tình trạng ngủ đông (hibernation) - tức là vận hành ở mức tiêu thụ tối thiểu chỉ để duy trì sự tồn tại (sẽ bắt buộc phải áp đặt chế độ khẩu phần, hạn mức cho thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men…).

Trong khi đó thì vẫn phải tiến hành song song Q1 và Q2 (ngăn dịch lây lan) khiến cho những nguồn lực ít ỏi còn lại sẽ nhanh chóng bị tiêu tốn hết. Khi đó, hệ thống sẽ không còn đủ năng lực để vận hành một cách bình thường chứ đừng nói gì đến chuyện chữa trị cho người bệnh.

"Vì vậy, nếu vẫn giữ nguyên chiến lược ở giai đoạn 1 với việc tung hết nguồn lực nhằm đảm bảo đồng thời mục tiêu AD và SD (bao gồm Q1 & Q2) thì vỡ trận chỉ còn là vấn đề thời gian", ông Vũ Tú Thành nhận định.

Hãy tập trung bảo vệ người già

Theo ông Vũ Tú Thành, các dữ liệu của dịch Covid-19 đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng về một chiến lược chống dịch hiệu quả ở giai đoạn 2. Đó là phòng thủ có trọng tâm kết hợp chủ động phản công.

Ông Thành cho rằng công tác ngăn chặn lây lan (SD) ở giai đoạn 1 hoàn toàn thụ động khi phải bám theo vệt lan của virus để tổ chức Q1 đồng thời với duy trì Q2.

Nhưng ở giai đoạn 2, Chính phủ hoàn toàn có thể chủ động phòng thủ bằng cách áp dụng Q2 đại trà và tuyệt đối với nhóm tuổi về hưu (từ 60 tuổi trở lên) - là nhóm rủi ro cao nhất (tỉ lệ tử vong từ 3,6% trở lên).

Tất cả những người còn lại đều có mức rủi ro thấp hơn hẳn, xác xuất tử vong chỉ là 1,3% với nhóm 50 – 59 và 0,4% với nhóm 40-49, còn các nhóm còn lại thì tỉ lệ này chỉ còn 0,2%. Riêng các cháu nhi đồng (dưới 10 tuổi) thì gần như tuyệt đối an toàn, với tỉ lệ tử vong gần 0% và nhiễm dưới 1%.

"Như vậy, ở giai đoạn 2, sẽ chỉ tập trung nguồn lực bảo vệ (Q2) nhóm tuổi về hưu và những người có bệnh nền. Cơ quan chuyên môn và chức năng cần nhanh chóng xây dựng quy trình chuẩn với các tiêu chí rõ ràng, khoa học để áp dụng cách ly bảo vệ cho nhóm này", ông Thành khuyến nghị.

Theo ông Thành, chi phí Q2 cho nhóm này sẽ rất thấp so với áp dụng đại trà thiếu trọng tâm, trọng điểm và không nhất quán như hiện nay. Tính khả thi của Q2 cho đối tượng về hưu cũng cao hơn rất nhiều do họ cũng ít đi lại, giao lưu tiếp xúc hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác, còn điều kiện và khả năng tuân thủ Q2 của họ cũng tốt hơn nhiều.

Quan trọng nhất là Q2 đối với người về hưu sẽ mang lại hiệu quả cao nhất cho mục tiêu ngăn chặn lây lan. Nguyên do là cơ chế lây lan của SARS-COV-2 phụ thuộc vào vật chủ. Virus này sẽ tồn tại và nhân lên rất nhanh ở những người có hệ miễn dịch suy giảm (gọi là nhóm rủi ro cao nhất, hay R1, bao gồm người già, người có bệnh nền hoặc cả 2).

Cơ hội sống sót của virus giảm mạnh với những người còn lại và gần như về 0 (zero) với những người khỏe mạnh, chăm tập thể dục, thể thao, không bệnh nền, vì kể cả khi xâm nhập được vào những người này, sau một thời gian, cơ thể họ sẽ sinh ra kháng thể tiêu diệt virus khiến nó không có cơ hội lây sang những người khác nữa.

Còn nếu virus xâm nhập được vào các đối tượng R1, nó không những không bị tiêu diệt mà còn nhân lên nhanh chóng và lây lan mạnh mẽ cho người khác. Vì vậy, nếu tập trung bảo vệ R1, không những giảm được tỉ lệ lây nhiễm và tử vong trong nhóm này, mà còn giảm mạnh xác xuất lây nhiễm cho các nhóm khác, góp phần ngăn chặn hiệu quả lây lan cộng đồng.

Với kiến giải như trên, ông Thành đề xuất chiến lược cho giai đoạn 2 sẽ bao gồm những thành tố sau:

Một là áp dụng Q2 cho R1 trên cơ sở xây dựng tiêu chí, quy trình rõ ràng cho Q2. Biện pháp này gọi là Q2R1.

Hai là thu hẹp phạm vi áp dụng Q1 chỉ cho các trường hợp nhiễm (CC), nhưng hoàn toàn có thể giải tỏa cho các đối tượng còn lại gồm nghi nhiễm (SC), tiếp xúc gần (F1), F2, F3, v.v… Biện pháp này gọi là Q1CC.

Ba là nới lỏng AD, không áp dụng bế quan tỏa cảng, chỉ duy trì khai báo và sàng lọc y tế bắt buộc tại cửa khẩu, kết hợp tăng nặng chế tài đối với vi phạm. Các biện pháp chia sẻ/thu thập thông tin hành khách trước khi đến vẫn tiến hành bình thường. Biện pháp này gọi là SAD (selective access denial).

Ông Thành cho rằng chiến lược Q2R1-Q1CC-SAD ở giai đoạn 2 có ưu điểm vượt trội so với chiến lược AD-SD đơn giản trong giai đoạn 1 ở tất cả các tiêu chí: chi phí thấp hơn, tính khả thi cao hơn và hiệu quả cao hơn.

Trên hết cả, Q2R1-Q1CC-SAD cho phép nền kinh tế được vận hành trở lại bình thường, trong khi đó AD-SD hướng tới đóng băng nền kinh tế và đưa xã hội vào tình trạng ngủ đông, không thể duy trì lâu dài.

Dĩ nhiên trong thời gian đầu khi triển khai Q2R1-Q1CC-SAD, số ca nhiễm có thể tăng cao, nhưng ông Thành cho rằng đó không phải là vấn đề, vì các ca nhiễm ở nhóm rủi ro thấp (R2, R2, R4 v.v…) thì tỉ lệ tử vong rất thấp. Nếu hệ thống không bị quá tải thì có thể giữ tỉ lệ tử vong ở mức 0% như Việt Nam đã làm được trong giai đoạn một. Vì vậy, Chính phủ cần tập trung phân tuyến, phân luồng kết hợp tuyên truyền, truyền thông phù hợp để tránh quá tải hệ thống.

Sau một thời gian khi các ca nhiễm đợt đầu được chữa khỏi và xuất viện, những ca sau sẽ dễ dàng hơn và số lượng nhiễm cũng sẽ giảm đi (do cơ hội lây lan của virus bị thu hẹp lại). Đây chính là thế chủ động tấn công để tiêu diệt virus một cách bền vững.

"Thông điệp của 'Cô Vy' rất đơn giản và rõ ràng: Hãy chăm lo cho người già. Làm việc đó tốt sẽ là chìa khóa giải quyết các vấn đề còn lại trong xã hội và nền kinh tế", ông Thành nhấn mạnh.

Tin mới lên