Công ty tài chính tiêu dùng gặp khó khăn kép thời Covid-19: Nợ xấu chực chờ, huy động khó khăn

Minh Tâm - 23/05/2020 18:08 (GMT+7)

(VNF) - Rủi ro nợ xấu tăng cao, cộng với việc các quỹ đầu tư dè dặt đầu tư trong thời Covid-19 khiến hoạt động huy động vốn khó khăn hơn, đang đẩy các công ty tài chính tiêu dùng vào thế khó, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng mới.

VNF
Công ty tài chính tiêu dùng gặp khó khăn kép thời Covid-19: Nợ xấu chực chờ, huy động khó khăn (Ảnh minh họa)

"Trong giai đoạn này, chúng tôi xác định là cho vay an toàn nhất có thể, xác định là có thể thu hồi nợ để công ty hoạt động ổn định trong mùa dịch và sau đó vượt qua giai đoạn khó khăn này", bà Trần Thanh Nữ Tường Vay, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) chia sẻ về chiến lược hiện tại của công ty trong thời Covid-19 tại tọa đàm về "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng" diễn ra mới đây.

Nói về cơ hội cho các công ty tài chính tiêu dùng mới gia nhập thị trường trong 3 năm gần đây, bà Vy cho hay năm 2020 là một năm thách thức nhiều hơn cơ hội, bởi vì để một công ty tài chính lớn mạnh thì cần tối thiểu khoảng 5 năm để có thể xây dựng, hoàn chỉnh bộ máy vận hành, phát triển thị trường cũng như tăng trưởng tổng tài sản và doanh thu.

Trong khi đó, phần lớn các công ty tài chính vẫn đang chủ yếu sử dụng kênh truyền thống, tức là sử dụng con người để đi bán, để tư vấn. Đối với các công ty mới hiện nay, chưa đủ 3 năm thì gần như không đủ thời gian cho họ để xây hoàn chỉnh bộ máy về mô hình tổ chức chung cũng như để có thể ứng dụng triển khai công nghệ.

"Đối với các công ty mà bộ máy chưa thể tăng trưởng được tổng tài sản, chưa thể tăng trưởng được doanh thu tốt như kỳ vọng thì như vậy trong giai đoạn hậu Covid-19 này, rủi ro nợ xấu tăng cao, cộng với việc các quỹ đầu tư cũng chưa thể nào mà có sự đầu tư mạnh mẽ như thời gian trước Covid, sẽ dẫn đến tình trạng huy động vốn cũng khó khăn thì thực sự các công ty tài chính mới mà chưa có bộ máy nhân sự hoàn chỉnh sẽ rất khó khăn trong giai đoạn tiếp theo", lãnh đạo SHB Finance nhìn nhận.

Tuy nhiên, nếu nói về cơ hội thì theo bà Vy, vì là mới cho nên các công ty tiêu dùng này dễ dàng cấu trúc lại bộ máy của mình.

"Nếu như chưa xây hoàn chỉnh thì có thể chuyển hướng để cấu trúc lại nhân sự, tinh gọn hơn và bắt đầu ứng dụng ngay công nghệ số vào hoạt động cho vay", vị này nêu quan điểm.

Trong một báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng công bố gần đây, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect lưu ý đến nguy cơ nợ xấu tăng nhanh trong mảng tín dụng tiêu dùng. "Các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các khoản cho vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng, trong khi phân khúc này có thu nhập thấp và bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh", chuyên gia nêu lý do.

Trên thực tế, dịch bệnh đã khiến các công ty nhỏ, các hộ kinh doanh phải tạm thời đóng cửa, hoặc thu hẹp quy mô, dẫn tới việc cắt giảm lương và tăng số lượng người mất việc.

"Do thu nhập bị ảnh hưởng, chúng tôi dự báo nợ xấu sẽ tăng nhanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, việc nợ xấu tăng trong lĩnh vực này sẽ không mở rộng tới toàn bộ ngành ngân hàng do tỷ lệ thâm nhập của ngành trong lĩnh vực này còn thấp và hiện nay chỉ có 4 ngân hàng tích cực tham gia mảng tài chính tiêu dùng", VNDirect nhận định.

Nói về rủi ro tín dụng tiêu dùng, ông Đặng Ngọc Đức, nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) lưu ý đến một rủi ro khác là kỳ vọng quá mức vào thu nhập tương lai.

"Chúng ta nêu ra cơ hội rằng dân số của chúng ta trẻ, gia đình trẻ có nhu cầu tiêu dùng lớn và họ sẵn sàng mua nhà, mua ô tô và họ sẽ tiết kiệm để trả trong tương lai… Cái đó là hoàn toàn đúng. Nhưng việc hoạch định tiêu dùng quá mức - bài học lịch sử của các nước trên thế giới - do lạc quan quá với thu nhập kỳ vọng cũng là một vấn đề", ông Đức nói.
 
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh đến rủi ro đến từ hoạt động đầu cơ khi cho vay tiêu dùng. Theo ông Thành, cho vay tiêu dùng hiện nay trên dưới một nửa là gắn với bất động sản.

"Trong bất động sản thì có khía cạnh mua nhà, sửa nhà là cho vay tiêu dùng, nhưng khía cạnh đầu tư và khía cạnh đầu cơ cũng rất lớn. Tổng tín dụng cho vay liên quan đến bất động sản, cả chủ dự án lẫn cả đầu tư thứ cấp (vay cá nhân để đầu tư bất động sản) là gần 20% (năm 2019). Trong đó, cho vay bất động sản thì 1/3 là chủ đầu tư dự án, 2/3 là cá nhân. Như vậy, tiêu dùng tách bạch khỏi đầu tư, đầu cơ nên rủi ro không chỉ nằm ở khía cạnh tiêu dùng và nằm ở cả đầu tư và đầu cơ", ông Thành đánh giá.

Cùng chuyên mục
Tin khác