Cuộc đua bán dẫn: Việt Nam trước cơ hội ngàn năm có một

Anh Vũ - 02/10/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) -Việt Nam đang đứng trước cơ hội "nghìn năm có một" để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, để cơ hội thành hiện thực Việt Nam cần phải vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Công nghiệp bán dẫn: Cơ hội "nghìn năm có một"

Theo nhận định của các tổ chức đánh giá trong và ngoài nước, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế trong cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Với môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lực lượng lao động chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang ngành bán dẫn. Nhờ vậy, thời gian qua, Việt Nam đã thu hút không ít các “ông lớn” trong ngành bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam đang có cơ hội "nghìn năm có một".

Cụ thể, theo thống kê, Việt Nam đã có trên 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động. Trong đó có nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn thế giới quyết định “xây tổ” tại Việt Nam, như Intel, Amkor, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo,.....

Trong đó, có những dự án quy mô lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD như dự án của Intel, Amkor, Hana Micron. Bên cạnh đó, một số công ty trong nước cũng đã xông xáo gia nhập thị trường công nghiệp bán dẫn như Viettel, FPT, VNChip… Các chuyên gia dự báo, năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 6,2 tỷ USD.

Với những kết quả tích cực trên, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có cơ hội "nghìn năm có một" để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Trước thời cơ này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Trong Quyết định này, Chính phủ đề ra con đường phát triển ngành bán dẫn đến năm 2050 trong lộ trình 3 giai đoạn.

Cụ thể, trong giai đoạn 1 (2024 - 2030), Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.

Giai đoạn 2 (2030 - 2040), Việt Nam trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.

Giai đoạn 3 (2040 - 2050), Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.

Những mục tiêu này thể hiện tham vọng lớn của Việt Nam trong việc chuyển mình từ một quốc gia đi sau trong lĩnh vực công nghệ cao thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Nhân lực chất lượng cao: “Đột phá của đột phá”

Tuy nhiên, để hiện thực hóa “tham vọng” này, Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức. Đặc biệt là thách thức trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn.

Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, nếu công nghiệp bán dẫn được xác định là khâu đột phá trong xu thế phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh như hiện nay thì việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành này được xem là khâu “đột phá của đột phá”.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – khâu “đột phá của đột phá”.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam là quốc gia đi sau, nếu đi theo cách thông thường sẽ rất khó bắt nhịp được. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định muốn thành công, Việt Nam phải phát triển được đội ngũ nhân lực đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để cạnh tranh với các cường quốc trong ngành này.

Nhận thức được điều này, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đào tạo từ 50.000 - 100.000 kỹ sư, cử nhân bán dẫn trong giai đoạn từ nay đến 2050. Đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Theo ông Huy, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bán dẫn tại Mỹ để phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đang cung cấp nhiều công cụ, phần mềm thiết kế, họ cũng phối hợp với các trường Đại học trong nước và NIC để chuyển đổi mô hình đào tạo, cung cấp thêm các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo chính quy khác cho sinh viên, hoặc các kỹ sư tại Việt Nam.

“Thế mạnh của Việt Nam là lực lượng lao động trẻ và đang trong giai đoạn dân số vàng. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ, Việt Nam cần phải nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp bán dẫn đang đi tìm “tổ”. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Huy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo NIC cũng cho hay, trước đây, các doanh nghiệp bán dẫn có nhiều chính sách hấp dẫn thu hút các kỹ sư Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, chuyên môn, nhiều kỹ sư Việt Nam mong muốn về Việt Nam để cống hiến, để đầu tư, để mở rộng chuỗi cung ứng, mở rộng nhà máy. Vì thế, cần thiết việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, để tạo ra chính sách đột phá, “trải thảm đỏ” thu hút các chuyên gia cao cấp, các kỹ sư người Việt về nước làm việc.

Đồng quan điểm, PGS.TS Mai Anh Tuấn, giảng viên cao cấp tại Trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định: "Tất cả những gì chúng ta đang có lúc này là con người. Đây là lợi thế lớn nhất của Việt Nam so với các nước trong khu vực, nếu có nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng tốt sẽ kéo theo mọi thứ phát triển".

Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, việc đào tạo một lượng lớn kỹ sư bán dẫn trong thời gian ngắn cũng đặt ra nhiều thách thức. Do vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp.

Mục tiêu bán dẫn Việt Nam: Thu 100 tỷ USD, 300 DN thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip

Mục tiêu bán dẫn Việt Nam: Thu 100 tỷ USD, 300 DN thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip

Công nghệ
(VNF) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Cùng chuyên mục
Tin khác