Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
2023 được đánh giá là năm khó khăn của ngành bảo hiểm khi trải qua khủng hoảng niềm tin từ phía khách hàng. Tác động của khủng hoảng niềm tin ảnh hưởng nhiều hơn tới mảng nhân thọ, mảng phi nhân thọ vẫn đạt tăng trưởng phí dương, dù tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại. Mặt khác, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đồng loạt phục hồi, tăng trưởng dương ở mức 2 chữ số so với cùng kỳ.
Sang năm 2024, thị trường bảo hiểm được dự báo sẽ ổn định trở lại khi đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên sàn vẫn khá thận trọng với kế hoạch tăng trưởng.
E dè với triển vọng tăng trưởng
Theo đó, 5 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết đã công bố kế hoạch lợi nhuận đi ngang hoặc sụt giảm so với mức thực hiện năm 2023, bất chấp doanh thu vẫn kỳ vọng tăng trưởng.
Công ty Cổ phần PVI (HNX: PVI) nhận định, thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thách thức để đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2024, yêu cầu thay đổi về quản trị, nguồn vốn, tính minh bạch, hiệu quả doanh nghiệp cũng như áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm khi áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.
PVI lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.080 tỷ đồng, giảm 13,3% so với mức thực hiện năm 2023. Trong khi đó, tổng doanh thu dự kiến tăng 8%, đạt 17.398 tỷ đồng.
Kế hoạch lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất phải kể đến Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HoSE: PTI). Theo đó, lợi nhuận trước thuế mục tiêu giảm 31% so với mức thực hiện năm 2023, đạt 220 tỷ đồng, trong khi doanh thu mục tiêu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm dự kiến tăng 5%. PTI cho biết những khó khăn của năm 2023 đã thay đổi đáng kể về quan điểm, chiến lược kinh doanh của các công ty bảo hiểm, cho thấy dấu hiệu của một cuộc “tự tái cơ cấu” để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (HNX: PRE) là một trong những doanh nghiệp công bố tái cơ cấu trong năm 2024. Theo đó, PRE dự kiến dự kiến chủ động tái cơ cấu doanh thu phí nhận tái bảo hiểm theo hướng cắt giảm doanh thu các dịch vụ không hiệu quả, đẩy mạnh tăng trưởng các dịch vụ có hiệu quả, từ đó đảm bảo lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kiểm soát tỷ lệ kết hợp không vượt quá 95%.
Công ty bảo hiểm này dự kiến cả doanh thu và lợi nhuận năm 2024 đều sụt giảm. Trong đó tổng doanh thu dự kiến giảm 5,3%, đạt 2.830,2 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 6%, đạt 240,1 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (HNX: BMI) cũng dự kiến cơ cấu lại các nhóm nghiệp vụ bảo hiểm trong năm 2024, cùng với đó đẩy mạnh khai thác các nghiệp vụ truyền thông tại các đơn vị thành viên và giảm thiểu sự phụ thuộc vào khách hàng lớn, cùng với đó kiểm soát các khoản chi phí bồi thường.
Theo BMI, việc cơ chế quản lý của các cơ quan có thẩm quyền siết chặt hơn, đặc biệt đối với công tác khai thác bảo hiểm qua môi trường mạng, khai thác bảo hiểm qua kênh đại lý nói chung và đại lý tổ chức tín dụng nói riêng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng chung của thị trường. Tổng doanh thu kế hoạch của BMI đạt 6.800 tỷ đồng, tăng trưởng 2,56% so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đi ngang ở mức 377 tỷ đồng.
Một công ty bảo hiểm khác cũng lên kế hoạch lợi nhuận đi ngang là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI). Theo PGI, bên cạnh khó khăn vĩ mô của kinh tế thế giới, ở trong nước, bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ xương sống của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, chiếm tỷ trọng cao nhưng đang gặp nhiều khó khăn do giá xe liên tục giảm, lực cầu thị trường yếu và dự kiến kéo dài sang cả năm 2024.
Các nghiệp vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm hàng hóa của PGI cũng có khả năng sụt giảm trong năm 2024. Cùng với đó, PGI dự kiến một số chính sách mới về bảo hiểm có thể ảnh hưởng theo xu hướng giảm đến doanh thu phí của công ty này. Năm 2024, PGI lên kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều đi ngang so với mức thực hiện năm 2023, lần lượt đạt 4.024 tỷ đồng và 289 tỷ đồng.
Những cái nhìn lạc quan
Dù nhiều công ty bảo hiểm còn e dè với triển vọng năm 2024, nhưng cũng không ít công ty có cái nhìn lạc quan hơn với kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ.
Đơn cử như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG), công ty này dự kiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2024 sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. MIG đưa ra nhiều giải pháp và mục tiêu về công nghệ và chuyển đổi số cho năm 2024, hướng đến mục tiêu top 4 về thị phần trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ.
Căn cứ vào dự báo của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) về một năm đầy triển vọng của ngành bảo hiểm Việt Nam năm 2024, MIG lên kế hoạch doanh thu bảo hiểm tăng trưởng 33%, lợi nhuận tăng trưởng 25% so với mức thực hiện năm 2023.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) dự báo tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm phi nhân thọ năm 2024 đạt 12%. Theo AIC, các công ty bảo hiểm và thị trường kinh doanh bảo hiểm năm 2024 sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, chiến lược của công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ có sự dịch chuyển rõ rệt hơn, không quá tập trung vào cuộc đua thị phần hoá mà xoay trục sang tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh.
AIC lên kế hoạch tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 tăng 14%, đạt 2.970 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 22,6%, đạt 40,5 tỷ đồng.
Ở góc độ thận trọng hơn, các công ty bảo hiểm như Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (HNX: VNR), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI) đều lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận ở mức 1 chữ số so với cùng kỳ, từ 4-6%.
Công ty Chứng khoán SSI dự báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2024. Theo đó, doanh thu ô tô và xe máy trong năm nay dự kiến lần lượt tăng 9% và tăng 4%, hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch… phục hồi được dự báo sẽ hỗ trợ việc tăng doanh thu phí bảo hiểm.
Hơn nữa, với tỷ lệ bồi thường năm 2023 cao hơn so với năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ xem xét tăng phí bảo hiểm cho năm 2024. Nhìn chung, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2024 dự kiến sẽ tăng khoảng 10 - 12% so với năm 2023, đạt 80.000 tỷ đồng.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.