Đầu tư chứng chỉ quỹ: Ngày càng 'sốt' nhờ xu hướng tích sản thời công nghệ
(VNF) - Sự phát triển của công nghệ kết hợp với sự mở rộng của các kênh phân phối đã giúp gia tăng sự nhận diện của các nhà đầu tư đối với sản phẩm chứng chỉ quỹ, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu tích sản.
Công nghệ mở lối đi mới
Các quỹ đầu tư bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2003-2004. Dù xuất hiện ngay từ những năm đầu của quá trình hình thành thị trường chứng khoán, số lượng nhà đầu tư tham gia vào kênh chứng chỉ quỹ đầu tư vẫn được đánh giá là còn hạn chế so với số lượng nhà đầu tư cổ phiếu trên thị trường, cũng như so với dân số Việt Nam. Trong đó, một trong những lý do đến từ hạn chế của mạng lưới phân phối.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Lê Việt Hà, Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán An Bình (ABF), cho biết sự thay đổi trong kênh phân phối chứng chỉ quỹ có thể chia thành hai giai đoạn chính. Trước năm 2021, việc phân phối chủ yếu qua các công ty chứng khoán, khiến sản phẩm này chỉ tiếp cận được một lượng nhỏ các nhà đầu tư. Đến cuối năm 2020, thị trường mới ghi nhận chưa đến 200.000 tài khoản đầu tư vào các quỹ mở.
Từ năm 2021 trở lại đây, thị trường bắt đầu xuất hiện việc tham gia mới của các Fintech vào phân phối chứng chỉ quỹ, đồng thời, các ngân hàng cũng quan tâm đến việc giới thiệu khách hàng cho các công ty quản lý quỹ. Theo ông Lê Việt Hà, động thái này đã đem lại bước ngoặt lớn, khi chỉ trong vòng 3 năm đã có thêm hơn 1 triệu tài khoản chứng chỉ quỹ mở mới. “Bước tiến quan trọng nhất mà sự phát triển của công nghệ kết hợp với sự mở rộng của các kênh phân phối là việc gia tăng sự nhận diện của các nhà đầu tư và công chúng đối với sản phẩm chứng chỉ quỹ, giúp các công ty quản lý quỹ tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều nhà đầu tư cá nhân”, ông Hà cho biết.
Với các Fintech nói riêng, sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính này trong cuộc chơi phân phối chứng chỉ quỹ đã giúp sản phẩm này chạm được đến nhiều nhà đầu tư. Theo đó, các quỹ được phân phối qua Fintech đều được báo cáo có số lượng nhà đầu tư tham gia tăng cao. Tổng giám đốc ABF kỳ vọng sự tham gia tích cực của Fintech sẽ giúp dần thay đổi thói quen của nhà đầu tư trong tương lai. Còn ở thời điểm hiện tại, dưới góc độ giá trị, quy mô chứng chỉ quỹ được phân phối qua các Fintech vẫn còn rất nhỏ. “Có vẻ như các nhà đầu tư, thông qua các Fintech mới chỉ đang thăm dò, trải nghiệm chứ chưa thực sự tin tưởng hoàn toàn và bỏ nhiều tiền vào đầu tư thông qua Fintech”, ông Lê Việt Hà nhận định.
Không chỉ phân phối qua công ty chứng khoán, ngân hàng, Fintech,… bản thân các công ty quản lý quỹ thông qua việc ứng dụng công nghệ cũng tự xây dựng các kênh phân phối trực tiếp chứng chỉ quỹ tới nhà đầu tư. Các app (ứng dụng) của công ty quản lý quỹ được đánh giá có khả năng tiếp cận nhanh chóng tới nhà đầu tư với những tính năng như định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) và chữ ký số tích hợp.
Theo dự báo của Tổng giám đốc ABF, kênh phân phối chứng chỉ quỹ đang và sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa theo nhu cầu của thị trường, theo sự hỗ trợ phát triển từ cơ chế chính sách và các quy định của pháp luật. Theo đó, các kênh phân phối sẽ phát triển theo hướng có thể tiếp cận và phục vụ tất cả các tệp khách hàng ở nhiều thế hệ, nhưng vẫn đảm bảo được việc tiếp cận tới nhu cầu cá nhân hóa nhờ tính đa dạng và linh hoạt cao của quỹ.
Hiệu quả mang lại từ Fintech trong khâu phân phối mới chỉ dừng lại ở việc giảm bớt sự xa lạ của chứng chỉ quỹ với số đông nhà đầu tư trong nước, tạo ra sự hiện diện nhiều hơn trên các nền tảng số, đưa chứng chỉ quỹ thành một sản phẩm có thể được quan tâm xem xét cho các khách hàng chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư và khách hàng trẻ nhưng chưa phải là kênh có thể tiếp cận được với các nhà đầu tư tiềm năng nhất. Các Fintech đang giúp đào tạo và dẫn dắt tệp khách hàng trẻ, được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước ngoặt lớn tiếp theo của ngành quản lý quỹ.
Ông Lê Việt Hà, Tổng giám đốc ABF
Kênh tích sản tiềm năng
Với việc đa dạng hoá và số hoá các kênh phân phối, các nhà hoạch tài chính cá nhân cho rằng khả năng tiếp cận sản phẩm chứng chỉ quỹ đang gia tăng đối với các nhà đầu tư cá nhân, từ đó tạo ra một kênh tích sản mới. Một số khảo sát đã cho thấy các nhà đầu tư đang dành sự ưu tiên lớn hơn cho kênh chứng chỉ quỹ cho mục tiêu tích sản với tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn cũng như thanh khoản tốt, dễ dàng tham gia với số vốn nhỏ chỉ từ 100.000 đồng.
Không phủ nhận điều này, tuy nhiên ông Lê Việt Hà nhấn mạnh rằng chứng chỉ quỹ không phải kênh tích sản mới, mà rất quen thuộc và đóng vai trò quan trọng trên thế giới. Tại Trung Quốc, việc đầu tư vào quỹ rất phổ biến, các khách hàng giàu có tại đây phân bổ trên 30% tài sản vào các chứng chỉ quỹ đầu tư đại chúng. “Tuy nhiên tại Việt Nam, sản phẩm chứng chỉ quỹ lại bị chìm, ít được chú ý. Đầu tiên, ngành quỹ tại Việt Nam phát triển muộn hơn các nước và muộn hơn cổ phiếu hay trái phiếu. Thị trường cũng cần phát triển tuần tự từng bước, từ các chứng khoán cơ sở lên các sản phẩm phái sinh và quỹ. Do đó, trong thời gian vừa rồi, nhà đầu tư Việt Nam chưa quan tâm, chưa biết nhiều về chứng chỉ quỹ”, Tổng giám đốc ABF cho biết.
Tuy nhiên, như đã nêu trên, dễ dàng thấy được sự thay đổi về tính phổ biến hơn của chứng chỉ quỹ trong giai đoạn 2022 đến nay. Đơn cử tại ABF, ông Hà cho biết có hơn 10.000 tài khoản mở mới và có hoạt động trong giai đoạn này. Con số này dù khá nhỏ so với tài khoản chứng khoán, tuy nhiên vẫn đủ để cho thấy đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. “Việt Nam có thể đi sau, nhưng chắc chắn sẽ không nằm ngoài xu hướng tài chính chung của thế giới. Chứng chỉ quỹ là một kênh tích sản quan trọng”, ông Hà nhấn mạnh.
So với các kênh đầu tư khác, Tổng giám đốc ABF cho rằng chứng chỉ quỹ đang vượt trội hơn hẳn về khả năng tiếp cận khi không yêu cầu nguồn vốn lớn, khác hẳn với kênh tích sản bằng bất động sản. Bên cạnh đó, chứng chỉ quỹ còn vượt trội về tính ổn định với lợi nhuận kỳ vọng khi tăng trưởng ít biến động hơn so với vàng; vượt trội về tính minh bạch khi được quản lý giám sát chặt chẽ, việc mua bán, phát hành không có kẽ hở để tạo khả năng xảy ra các hiện tượng thao túng như đã từng xảy ra ở một số cổ phiếu hay bất động sản.
Ngoài ra, chứng chỉ quỹ còn vượt trội về tính an toàn khi đầu tư vào rổ tài sản giúp triệt tiêu, giảm thiểu các rủi ro riêng biệt của từng tổ chức phát hành như một vài sự kiện đã xảy ra với trái phiếu hay cổ phiếu; vượt trội về tính linh hoạt khi không có kỳ hạn cố định như tiền gửi hay trái phiếu. Và cuối cùng, ông Hà nhấn mạnh về tính đa dạng khi nhà đầu tư có thể tìm được các sản phẩm chứng chỉ quỹ phù hợp với bất kỳ khẩu vị rủi ro.
Bùng nổ đầu tư chứng chỉ quỹ: Những 'tay chơi' mới nhập cuộc
Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.