Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
TP HCM kiến nghị tăng thu thuế nhà đất khi người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ hai trở lên. Điều này đang tạo nên nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Đề xuất này được UBND TP. HCM nêu trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Chính phủ.
Phương án 1, Thành phố kiến nghị thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.
Phương án 2, Thành phố đề xuất tăng mức thu liên quan nhà đất thứ hai trở lên, cụ thể là: lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.
Mức tăng do HĐND Thành phố quyết định, gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên một tỷ đồng.
Thành phố sẽ hưởng 100% số thu tăng thêm từ khoản này và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương.
Phương án thu thuế nhà đất thứ hai trở lên từng được nêu trong dự thảo chính sách thay thế Nghị quyết 54 mà TP. HCM gửi Chính phủ hồi tháng 12/2022. Chính quyền thành phố cho hay cách làm này sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này.
Chuyên gia Pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, đề xuất này là vi hiến và nếu được áp dụng sẽ tạo nên sự không công bằng về mặt chính sách.
“Đây là vấn đề gây tranh cãi bởi Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội nhiệm vụ, quyền hạn “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Và hơn nữa, Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng quy định Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định “Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”. Nghĩa là nếu Quốc hội thông qua một Nghị quyết quy định chính sách đặc thù của TP Hồ Chí Minh, bao gồm chính sách thuế bất động sản, là đúng nhiệm vụ, quyền hạn được hiến định của mình và phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Đỉnh nói.
Tuy nhiên, ở một bình diện khác, ông Đỉnh cho biết cần phải nhấn mạnh rằng cũng tại Điều 47 Hiến pháp năm 2013 (thuộc Chương II quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) lại quy định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”, lưu ý là “theo luật định” chứ không phải “theo quy định”.
Theo ông Đỉnh, điều đó có nghĩa rằng nếu tôi là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài làm ăn, sinh sống, có thu nhập tại Việt Nam, tôi chỉ có nghĩa vụ nộp các khoản thuế đã được quy định trong luật. Theo phương thức loại trừ, tôi không phải nộp các khoản thuế không quy định trong luật, kể cả nếu nó trong Nghị quyết của Quốc hội ban hành các chính sách đặc thù cho một địa phương. Quy định này theo tôi là hoàn toàn hợp lý nhằm bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Bởi vậy, ông Đỉnh nhấn mạnh việc đánh thuế nhà, đất là giải pháp bắt buộc phải làm, đã quy định rõ trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, nhưng phải theo luật, và phải đồng bộ. Nếu một người sở hữu 10 căn nhà ở Quận 1 phải chịu thuế hàng năm, trong khi một đại gia khác cũng sở hữu 10 căn nhà ở phố cổ Hà Nội không phải chịu thuế thì sự công bằng nằm ở đâu?
“Mặc dù, tại Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta đã liệt kê như sau: Khoản 1 là Hiến pháp; khoản 2 là Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội. Điều này dẫn đến cách hiểu cho rằng Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực ngang luật (cả 2 văn bản này đều do cùng một cơ quan ban hành với trình tự, thủ tục gần tương tự).
Nhưng trong những vấn đề hệ trọng như chính sách thuế, chính sách hình sự... thì bắt buộc phải quy định trong luật để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất áp dụng, tránh gây bất bình đẳng, thiếu công bằng giữa mọi người, giữa các địa phương”, ông Đỉnh nói.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phải tránh tình trạng vì thuế cao mà giấc mơ có một căn nhà để ở với người có thu nhập thấp xa vời vợi:
Theo quan điểm của ông Cường, phải phân mức độ chịu thuế, ai ở mức diện tích tối thiểu thì không phải chịu thuế.
“Anh nào ở vượt mức tối thiểu trở lên thì sẽ phải chịu thuế. Thứ hai là phải đánh thuế theo giá trị đất đai. Và phải đánh thuế dựa trên cơ sở giá trị tăng lên giữa lần mua lần bán để đánh vào người đầu cơ thôi. Khi mà thu thuế phần chênh lệch kia rồi thì nó sẽ k còn tình trạng có tiền cứ bỏ ra mua chờ tăng giá để bán, vì tăng giá bán thì vẫn phải nộp thuế và không tăng giá thì mình mất tiền”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho rằng, có thể nói, đề xuất thu thuế căn nhà thứ 2 trở lên của TP Hồ Chí Minh để quản lý, điều tiết thị trường nhằm hạn chế việc đầu cơ bất động sản, không đưa nhà đất vào để ở là đúng.
“Tuy nhiên, thành phố cần xem xét nghiên cứu, tính toán kỹ mức thu, đối tượng thu phù hợp để tạo sự đồng thuận của người dân”, ông Cường đưa ra lưu ý.
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.