ePass, XeGo… bán bảo hiểm khuyến mại trái luật

Kim Lan - 07/09/2022 16:31 (GMT+7)

Trong tháng 8/2022, trên nhiều nền tảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin như ePass, XeGo, Grab… đăng tải thông tin giảm giá bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trái quy định.

Quảng cáo giảm giá bảo hiểm bắt buộc trên ứng dụng ePass.

Tràn lan rao bán bảo hiểm bắt buộc giảm giá “khủng”

Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm phải bán đúng quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định.

Quy định trên tiếp tục được đề cập trong Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới (Điều 20) ban hành ngày 15/1/2021. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy.

Đơn cử, ứng dụng thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng ePass đăng thông tin ưu đãi bảo hiểm rẻ nhất thị trường, giảm ngay 35% khi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho xe ô tô PTI (Bảo hiểm Bưu điện) trên app ePass, giá chỉ từ 327.700 đồng, thời gian khuyến mại từ ngày 1/8/2022- 30/9/2022.

Ngoài ra, ứng dụng này còn quảng cáo đây là quyền lợi “độc quyền” dành riêng cho khách hàng của ePass dựa trên sự hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần tư vấn Global Care, Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ thông tin quốc Tế (ITS) và Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam.

Tương tự, ứng dụng thuê xe tự lái XeGo hay ứng dụng gọi xe Grab cũng đăng quảng cáo bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới với mức giảm giá từ 30-50%. Trong quảng cáo của mình vào tháng 7/2021, Grab từng công khai khuyến mại trực tiếp 30% giá bán bảo hiểm bắt buộc.

Việc khuyến mại sai quy định không phải bây giờ mới diễn ra. Hơn 1 năm trước, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã ra văn bản gửi các công ty bảo hiểm nhắc nhở vi phạm về giá bán bảo hiểm bắt buộc thông qua các kênh bán trực tuyến như Lazada, VNPT Pay, JetCare…, đồng thời đề nghị các công ty bảo hiểm nhân thọ rà soát việc triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, báo cáo kết quả về cơ quan này.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bảo hiểm bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.356 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7% trong tổng doanh thu phí toàn thị trường phi nhân thọ và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; bồi thường đạt 346 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 14,7%.

Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cũng dẫn quy định tại Khoản 1, Điều 4 - Nghị định số 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bán sản phẩm theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm đã được Nhà nước ấn định, nếu vi phạm có thể bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.

Xa hơn, trong khoảng thời gian tháng 5-6/2020, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc tiến hành các đợt tổng kiểm soát phương tiện tham gia giao thông và thiếu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới là một trong những lý do bị xử phạt. Để tránh bị phạt tiền, người dân đã đổ xô đi mua loại bảo hiểm này, còn các đại lý bảo hiểm, cộng tác viên… “tranh thủ” đua nhau hạ giá bán bảo hiểm để tranh giành khách hàng.

Tại nhiều phiên họp Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (vừa ban hành tháng 6/2022), việc hạ giá bán bảo hiểm (tức hạ phí…) cũng được chỉ ra như vấn nạn chưa thể giải quyết dứt điểm trên thị trường bảo hiểm.

Báo giới cũng từng nhiều lần phản ánh, nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt. Đáng nói, tuy vi phạm tràn lan nhưng theo giới quan sát, đến nay rất hiếm chủ thể bị xử phạt cũng như quyết định xử phạt nào được công khai.

“Cứ vài ngày tôi lại nhận được tin nhắn về giảm giá bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của của xe cơ giới. Từ những năm 2015 đến nay, nhiều trường hợp bán trực tiếp giảm giá vi phạm tràn lan nhưng mới chỉ thấy một công ty bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo hiểm Bưu điện (PTI) bị nhắc nhở công khai trên website của Bộ Tài chính, còn các trường hợp vi phạm khác thì sao!”, ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM cho hay.

Được biết, ngày 25/5/2015, Bộ Tài chính có Công văn số 6786/BTC-QLBH gửi PTI đề nghị quán triệt việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống; nghiêm cấm việc chi hỗ trợ đại lý, chi khuyến mại dưới mọi hình thức đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; tăng cường kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời đối với hành vi vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm lãnh đạo các đơn vị và cán bộ vi phạm quy định pháp luật bảo hiểm.

Cần sớm công khai người vi phạm

Đối với các vi phạm hạ giá bán sản phẩm bảo hiểm bắt buộc của các nền tảng điện tử kể trên, ngoài việc nhắc nhở, yêu cầu công ty bảo hiểm rà soát hoạt động bán ra, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi cơ quan quản lý sàn giao dịch điện tử là Bộ Công thương có trách nhiệm xử lý vi phạm của các nền tảng này, bởi cơ quan này chỉ có chức năng xử lý các công ty bảo hiểm vi phạm.

Liên quan đến việc công bố thông tin, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2023) bổ sung quy định, công ty bảo hiểm phải công khai các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi xảy ra sự kiện.

Ông Lưu Vũ Anh, Giám đốc Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt cho biết, hàng năm, Bộ Tài chính đều tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định, quy tắc, điều khoản, biểu phí về bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo đúng biểu phí do Bộ Tài chính ban hành; thanh tra việc quản lý đại lý, chi hoa hồng và các khoản chi đại lý; rà soát toàn bộ các khoản đầu tư có nguy cơ kém hiệu quả để có biện pháp thu hồi… và đều phát hiện ra các sai phạm, nhưng cụ thể sai phạm như thế nào lại chưa được công bố.

Theo ông Vũ Anh, chỉ cần cơ quan quản lý xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định hiện hành, công khai chủ thể vi phạm (ai là người vi phạm) sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm, chứ đề xuất tăng mức xử phạt lên nhằm tăng mức răn đe cũng chưa hẳn thực sự hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết, pháp luật bảo hiểm nghiêm cấm, nhưng các đại lý bảo hiểm, cộng tác viên… vẫn quảng cáo khuyến mại công khai sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trên mạng, nếu cơ quan quản lý không có động thái kiểm tra, xử lý sẽ khiến nhiều đối tượng “nhờn” luật. Hơn nữa, nếu công ty bảo hiểm không trả hoa hồng cao hơn nhiều lần quy định của Bộ Tài chính thì đại lý bảo hiểm, cộng tác viên… cũng không thể có chi phí quảng cáo, khuyến mại lớn như vậy được, cho nên tình trạng này xảy ra phổ biến không loại trừ khả năng có sự tiếp tay của nhà bảo hiểm.

“Nếu đã có quy định mà công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm… không tuân thủ, vẫn khuyến mại bảo hiểm bắt buộc tràn lan mà không bị xử phạt, cũng không công khai chủ thể vi phạm… thì khó đảm bảo sự thượng tôn pháp luật”, ông Xuân nhấn mạnh.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác