Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Năm 2012, ông Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối Tổng hợp quốc tế - IDS, đã gây xôn xao dư luận quốc tế khi chi ra 900.000 USD để mua lại thị trấn Buford thuộc bang Wyoming, Mỹ. Ông Nguyên sau đó đã đặt cho thị trấn này tên mới là PhinDeli Town Buford và trở thành Thị trưởng người Việt đầu tiên tại xứ sở Cờ Hoa.
Thương vụ đình đám này đáng được ghi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như một dấu ấn trong tiến trình người Việt vươn ra làm ăn với thế giới.
Tuy nhiên, với nước Mỹ, thương vụ này không phải là điều gì quá đặc biệt. Bởi đây không phải là lần đầu tiên hay duy nhất nước Mỹ có trường hợp rao bán một thị trấn. Chí ít có 3 trường hợp rao bán tương tự trong khoảng vài năm trở lại đây, gồm: rao bán thị trấn Swett ở Nam Dakota với giá 250.000 USD, rao bán thị trấn Tiller ở bang Oregon với giá 3,8 triệu USD và rao bán thị trấn Cerro Gordo với giá 925.000 USD.
Không chỉ ở Mỹ, việc chính phủ hay tư nhân rao bán thị trấn, ngôi làng, hòn đảo cũng là chuyện phổ biến ở các quốc gia khác. Chẳng hạn như Hi Lạp hồi năm 2013 đã rao bán 9 hòn đảo tại Địa Trung Hải với giá từ 1,5 triệu – 186 triệu USD/đảo; Canada rao bán thị trấn Bradian ở tỉnh British Columbia với giá 995.000 USD; Anh rao bán ngôi làng ở North Yorkshire với giá 20 triệu Bảng; Australia rao bán thị trấn Allies Creek ở phía đông nam của bang Queensland với giá 750.000 AUD…
Tất cả các trường hợp rao bán nêu trên đều được xem là hoạt động kinh tế bình thường. Các bên tham gia mua bán đều được pháp luật quốc gia sở tại bảo hộ về quyền và lợi ích, bất kể đó là người trong hay ngoài nước.
Điều đáng chú ý, người dân các nước đều không tỏ ra quá lo lắng vì chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Hầu như không có làn sóng phản đối từ phía người dân và chính phủ (hay chủ đất) không bị cáo buộc là "bán nước".
Điều này ngược với Việt Nam, nơi pháp luật ngăn cấm người nước ngoài mua đất, thậm chí là cấm sở hữu nhà ở quá 50 năm.
Lịch sử vệ quốc mấy nghìn năm để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ đã tạo cho người Việt Nam tâm lý đề phòng cao độ đối với người nước ngoài. Điều này khiến việc rao bán một thước núi, một tấc sông tại Việt Nam trở nên hết sức nhạy cảm, không ai dám làm.
Thậm chí, chỉ là một đề xuất cho thuê đất tại các đặc khu lên tới 99 năm thôi cũng đã gây ra một làn sóng phản đối "khủng khiếp" trong dư luận xã hội.
Kể từ khi có chính sử (thế kỷ XIII) tới nay, Việt Nam đã ghi nhận 2 lần chính quyền cắt đất cho nước ngoài. Lần thứ nhất là vua Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) cắt đất biên cương phía bắc cho nhà Minh (thế kỷ XVI) và lần thứ hai là nhà Nguyễn nhượng 6 tỉnh Nam Kỳ cho thực dân Pháp (thế kỷ XIX).
2 lần cắt đất này cộng với quá khứ bị đô hộ nghìn năm đã tạo nên nỗi ám ảnh mất chủ quyền nặng nề trong tâm lý người Việt Nam.
Do đó, không khó hiểu vì sao khi đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu "cho thuê đất 99 năm thực chất là hình thức nhượng địa", dư luận lại "dậy sóng" đến vậy.
Dù sau đó người đứng đầu Chính phủ có lên tiếng giải thích rằng: "Đây là đất thuê. Đất thuê đó thực hiện theo quy trình nào, hàng năm UBND trình HĐND giá thuê đất, chứ không phải giao vĩnh viễn nhượng tô, nhượng địa như Hong Kong, Ma Cao.." thì sức nóng của dư luận vẫn không hề giảm bớt.
Có thể nói rằng những lo lắng của người dân đối với việc cho thuê đất 99 năm tại các đặc khu là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở.
Cơ sở đó không chỉ đến từ các diễn biến của tình hình biển đảo, sự phụ thuộc vào khối ngoại của nền kinh tế quốc dân, sự "thống trị" của nhà thầu Trung Quốc... mà còn đến từ tính kém hiệu quả trong việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.
Bài toán phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng lẽ ra phải được giải quyết bởi Luật An ninh quốc gia. Nhưng tiếc thay, đạo luật này lại chỉ tủn mủn câu chuyện trao quyền cho lực lượng an ninh bằng những ngôn từ rất mơ hồ. Trong khi những nguy cơ mất an ninh quốc gia từ hoạt động kinh tế đã không được đề cập.
Với Luật Đấu thầu, chúng ta xác lập cơ chế ưu tiên lựa chọn nhà thầu có năng lực cao nhất, phương án kỹ thuật tốt nhất và dĩ nhiên là giá thấp nhất. Nhưng chúng ta sẽ làm thế nào nếu nhà thầu tốt nhất đó lại là một doanh nghiệp quân đội của một quốc gia khác?
Khi cấp phép đầu tư, chúng ta đã tính toán kỹ, đã lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, đến từ quốc gia thân thiện, dự án có khả năng tạo việc làm, không ô nhiễm. Nhưng chúng ta sẽ làm thế nào nếu nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp phép lại bán dự án (hoặc công ty mẹ của dự án) cho một nhà đầu tư đến từ quốc gia có xung đột với Việt Nam? Đặc biệt là khi dự án này lại sử dụng đất ở những khu vực nhạy cảm về an ninh như các tuyến đường huyết mạch, khu vực biên giới?
Cách làm của Việt Nam hiện nay là “ẩn” dưới những dạng giấy phép khác. Ví dụ, để được cấp phép đầu tư thì phải nộp hồ sơ và được thẩm định. Trong quá trình thẩm định thì các cơ quan cũng sẽ cân nhắc cả yếu tố về an ninh quốc phòng và nếu thấy có nguy cơ về an ninh thì sẽ viện ra một lý do khác để từ chối.
Cách làm này cũng có hiệu quả nhất định song chứa đựng quá nhiều rủi ro.
Một là phụ thuộc hoàn toàn vào cán bộ thực thi. Nếu cán bộ thực thi tắc trách hoặc vì động cơ cá nhân thì có thể bỏ qua nguy cơ an ninh quốc phòng này, mà không hề phải chịu trách nhiệm.
Hai là vì không minh bạch nên đôi khi cơ chế này được lợi dụng để vòi vĩnh, kiếm tiền hối lộ chứ không phải là vì lợi ích an ninh quốc gia. Cơ chế này trở thành mồi ngon cho tham nhũng.
Ba là cơ chế này vẫn phải dựa vào ít nhất một thủ tục hành chính. Nếu nguy cơ mất an ninh quốc gia đến từ những giao dịch, hành động thuần tuý dân sự (không phải làm thủ tục với nhà nước), hoặc đã qua thủ tục thì chúng ta cũng không thể bác được.
Đáng ra, Luật An ninh quốc gia phải giải quyết được những vấn đề này bằng cách liệt kê những khu vực không được cấp đất cho doanh nghiệp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài; liệt kê các khu vực nhạy cảm cấm đầu tư kinh doanh một số ngành nghề có nguy cơ cao về an ninh; liệt kê những loại dự án hạn chế nhà thầu, người lao động đến từ một số quốc gia có xung đột với Việt Nam; liệt kê những giao dịch mua bán dự án, giao dịch mua bán cổ phần, góp vốn mà Toà án Việt Nam được quyền bác vì lý do an ninh quốc phòng.
Có làm minh bạch như vậy thì dân mới tin rằng chính quyền thực sự muốn và đủ sức bảo vệ được an ninh quốc gia.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.