Diễn đàn VNF

[Góc nhìn VNF] Đại biểu Quốc hội và lobby chính sách

(VNF) – Lobby chính sách không phải là câu chuyện mới lạ nhưng một đại biểu Quốc hội công khai nêu vấn đề lobby chính sách mới đây đã gây ra nhiều tranh cãi.

[Góc nhìn VNF] Đại biểu Quốc hội và lobby chính sách

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc khi phát biểu về dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia tại nghị trường hôm 23/5/2019

Cách đây 6 năm, khi trả lời các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi đó khẳng định: “Ở Việt Nam không có chuyện lobby trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật".

Nay thì lời khẳng định của ông Cường đã bị một vị đại biểu Quốc hội khác phủ nhận. Người đó là ông Dương Trung Quốc.

Trong phiên thảo luận tại nghị trường sáng 23/5, ông Dương Trung Quốc đã “gây bão” khi viện dẫn thơ Hồ Chí Minh “trong tù không rượu cũng không hoa” để yêu cầu Quốc hội xét lại việc xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Tại hành lang Quốc hội hôm 24/5, giải thích thêm cho quan điểm gây tranh cãi của mình, ông Dương Trung Quốc công khai thừa nhận ông đang lobby cho các doanh nghiệp sản xuất bia rượu.

“Có người bảo tôi lobby, đại biểu Quốc hội lobby. Tại sao không lobby?”; “Tôi dám bảo vệ ngành rượu bia Việt Nam để nó phát triển tích cực” – ông Quốc nói.

Sau phát ngôn này, những tranh cãi xung quanh dự luật phòng chống tác hại của rượu bia tiếp tục tăng lên. Và không chỉ dự luật, bản thân ông Dương Trung Quốc cũng trở thành một chủ đề tranh cãi, bởi đây là lần đầu tiên một vị đại biểu Quốc hội công khai thừa nhận mình đang lobby cho nhóm doanh nghiệp cụ thể.

Ông Dương Trung Quốc là đại biểu Quốc hội của tỉnh Đồng Nai, như vậy về lý thuyết, ông Quốc phải đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri Đồng Nai – những người đã ủy quyền cho ông thông qua lá phiếu bầu Quốc hội.

Cử tri Đồng Nai bỏ phiếu cho ông Quốc chắc chắn có nhóm người hoạt động trong ngành sản xuất bia rượu, nhưng cũng có nhóm người chống việc tiêu thụ quá mức rượu bia. Vậy là đại biểu của một tập hợp cử tri trái chiều nhau về quan điểm, ông Quốc phải lựa chọn nói lên tiếng nói của nhóm nào?

Như đã thấy, ông Quốc lựa chọn nhóm “cử tri rượu bia”! Việc đại biểu Quốc hội lựa chọn đại diện cho nhóm cử tri nào là chuyện của đại biểu Quốc hội. Không ai có quyền can thiệp, vì đó là lựa chọn chính trị của đại biểu.

Nhưng trong trường hợp của ông Dương Trung Quốc, đó dường như là một lựa chọn rủi ro, bởi ông có thể có 1 vạn phiếu của “cử tri bia rượu” nhưng lại mất 1 triệu phiếu của cư tri chống bia rượu. Và điều này, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tái cử của ông trong nhiệm kỳ tới.

Lobby chính sách: Không chỉ là thừa nhận

Mức độ rủi ro trong lựa chọn của ông Dương Trung Quốc còn tăng cao hơn khi ông là người đầu tiên (và rất có thể là người duy nhất trong Quốc hội) công khai thừa nhận mình đang lobby chính sách cho doanh nghiệp.

Việc thừa nhận mình đang lobby cho doanh nghiệp sẽ làm yếu các quan điểm và lập luận của ông Dương Trung Quốc trong mắt các đại biểu khác cũng như trong mắt của cử tri.

“Chí công vô tư” là một điều được đề cao trong văn hóa chính trị Việt Nam. Và với việc thừa nhận mình lobby cho doanh nghiệp, ông Quốc đã bị trừ không ít điểm.

Tuy nhiên, xét trên góc độ thể chế, việc ông Dương Trung Quốc thừa nhận mình đang lobby lại là một tín hiệu tích cực cho văn hóa nghị trường. Bởi ít ra, nó giúp cử tri thấy rõ động lực làm chính sách của các vị đại biểu.

Ở khía cạnh này, ông Dương Trung Quốc “quân tử” hơn vị đại biểu Quốc hội nào đó cũng lobby cho nhóm lợi ích nhưng ngấm ngầm và tỏ ra công tâm.

Nhưng thừa nhận mới chỉ là bước khởi đầu. Sẽ là minh bạch hơn nếu ông Dương Trung Quốc cho biết ông có được hưởng lợi gì từ việc lobby cho doanh nghiệp hay không.

Đây sẽ là một ví dụ rất điển hình để Quốc hội tham chiếu, từ đó xây dựng một bộ quy định về lobby chính sách, ngằm ngăn chặn việc thao túng, lũng đoạn chính sách ở Việt Nam.

Một cơ chế tốt là cơ chế cho thấy ai đang đại diện cho nhóm nào và hưởng lợi gì từ nhóm đó. Cử tri cần được biết người được họ ủy quyền có đang nói lên ý chí và nguyện vọng của họ hay không. Cử tri cần biết để bỏ lá phiếu cho người xứng đáng với sự ủy quyền của họ.

Đó mới thực sự là Quốc hội của dân, do dân và vì dân.

Tin mới lên