[Góc nhìn VNF] Gian lận điểm thi và 'hạt giống lãnh đạo' tương lai

Xuân Hải - 18/04/2019 07:43 (GMT+7)

(VNF) - Những thí sinh gian lận điểm hôm nay có thể sẽ là những "hạt giống lãnh đạo" trong tương lai, trong khi những "chân tài thực học" có nguy cơ bị loại khỏi cuộc cạnh tranh ngay từ bây giờ!

VNF
Ngành giáo dục đang đối diện với bê bối lớn nhất trong gần 100 năm qua.

Khi "chân tài" bị tước đoạt tương lai

Nửa năm trước, T.P.T (quê Hòa Bình) - thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội, trả lời báo chí: “Điểm số đó là do bản thân em tự làm được chứ không phải bằng một tác động nào hết. Và em tự tin, tự hào về điều đó".

Nửa năm sau, cơ quan điều tra công bố T.P.T gian lận 14,85 điểm!

Không chỉ riêng T.P.T, một loạt thủ khoa các trường khác cũng là “thủ khoa gian lận” như: thủ khoa Học viện Hậu cần (gian lận 14,95 điểm), thủ khoa Trường Sĩ quan Lục quân 1 (gian lận 26,45 điểm), thủ khoa Trường Sĩ quan phòng hóa (gian lận 20,95 điểm)…

Nhìn vào những con số này bất cứ ai cũng cảm thấy choáng váng. Thật chưa bao giờ như bây giờ, danh hiệu thủ khoa lại trở nên đầy mỉa mai đến thế.

Nhưng những “thủ khoa gian lận” mới chỉ phần nổi của tảng băng. Phía sau các “thủ khoa” là dãy dài thí sinh gian lận điểm ở Hòa Bình, Sơn La. Số điểm gian lận dao động từ vài điểm đến hàng chục điểm.

Ngành giáo dục đang đối diện với vụ bê bối lớn nhất trong gần 100 năm qua, kể từ ngày lập quốc!

Điều đáng nói, những trường đại học có thí sinh gian lận điểm đều là những trường danh tiếng: Ngoại thương, Y Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Tài chính, Thương mại và đặc biệt là khối các trường công an, quân đội. Theo thống kê mới nhất, có 53 thí sinh gian lận điểm theo học tại khối trường công an, quân đội đã bị trả về địa phương (28 người ở Hòa Bình và 25 người ở Sơn La).

Công an, quân đội là cánh tay thép của nhà nước, là lá chắn của chế độ, vậy mà lại trở thành nơi tiếp nhận những “phế phẩm” của nền giáo dục với những học sinh thậm chí có tổng điểm 3 môn không vượt quá 10!

Đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc công khai hay không công khai danh tính những thí sinh gian lận điểm. Tuy nhiên, trước khi tranh cãi này ngã ngũ, danh tính những thí sinh gian lận đã được báo giới công khai.

Sáng 17/4, tờ Người Đưa tin “bắn phát súng” đầu tiên khi công khai danh tính 17 học viên Học viện Cảnh sát nhân dân gian lận điểm bị trả về địa phương. Tối cùng ngày, tờ Tuổi trẻ TP. HCM đăng tải danh sách chức vụ và đơn vị công tác của 21 phụ huynh thí sinh gian lận điểm tại Sơn La.

Hai danh sách này được ví như những “quả bom sự thật” gây rúng động dư luận.

Danh sách 17 thí sinh gian lận điểm thi bị Học viện Cảnh sát nhân dân trả về địa phương

Tình thế hiện nay như nước đã tràn qua đê, những tiếng nói đòi công khai danh tính người gian lận điểm thi ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Dù đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân trần rằng việc công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi phải “tính đến rất nhiều yếu tố”, nhưng dường như việc tiếp tục che giấu những “con sâu” đang làm băng hoại các giảng đường là điều không thể.

Có thể nói công khai danh tính những kẻ gian lận điểm thi chính là một cách để chuộc lỗi với những thí sinh thực tài, thực học đã bị đánh trượt đầy oan ức trong kì thi quan trọng bậc nhất cuộc đời của họ.

Không hề là quá đáng khi nói rằng những thí sinh thực học, thực tài đã bị đánh cắp ước mơ, tước đoạt tương lai trong bê bối này. Ai sẽ đền bù những thiệt thòi cho họ?

Những thí sinh gian lận điểm thi đều là người trưởng thành và phải tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Không thể bao biện rằng các thí sinh không biết mình “bị” gian lận điểm, bởi với hình thức thi trắc nghiệm (trừ môn Văn có bài luận), thí sinh hoàn toàn tự chấm được điểm thi của mình sau khi đáp án được công bố. Vì thế, các thí sinh hoặc là người khởi xướng hoặc là người đồng lõa với gian lận.

Giáo dục là lĩnh vực đặc biệt, bởi đây là lĩnh vực “trồng người”. Ai có thể giảng giải đạo đức cho học sinh, truyền cho các em niềm tin vào cuộc sống, lẽ công bằng và tinh thần thượng tôn pháp luật nếu những bê bối không được công khai và được gột rửa?!

Trên hết, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải chứng tỏ sự ưu việt trong việc xử lý triệt để các ung nhọt xã hội. Giải quyết gian lận thi cử đến nơi đến chốn là một cách để vực dậy chút ít niềm tin cuối cùng của xã hội đối với công tác giáo dục vốn đang hứng chịu quá nhiều chỉ trích trong các năm qua.

Đồng chí này là con đồng chí nào?

Có một câu nói đã trở nên phổ biến trong dư luận khi nói về việc bổ nhiệm trong cơ quan công quyền: “Đồng chí này là con đồng chí nào?”

Câu nói phản ánh tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc tuyển chọn và bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo hiện nay khi đa số người được bổ nhiệm là “con ông cháu cha”.

Việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ/lãnh đạo bao giờ cũng bắt đầu từ việc xét bằng cấp. Và gian lận đã xảy ra ngày từ những nấc thang đầu tiên: kì thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học.

Danh sách phụ huynh thí sinh gian lận điểm ở Sơn La (nguồn TTO)

Bảng danh sách 21 phụ huynh thí sinh gian lận điểm thi ở Sơn La cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Trong danh sách này, tuyệt đối không thấy thành phần lao động phổ thông; tất cả đều là cán bộ, thậm chí là cán bộ chủ chốt như Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND huyện, Cục trưởng, Trưởng phòng, Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra, Phó giám đốc Sở…

Quan chức – những người thi hành pháp luật, lại là những kẻ mua điểm cho con cái mình, dẫm đạp trắng trợn lên pháp luật và công bằng xã hội.

Giả sử vụ bê bối này không được khui ra, không ngoại trừ khả năng mai sau, con cái của các vị quan chức trên sẽ cầm mảnh bằng đầy dối trá để trở thành “hạt giống” nhân sự cho các nhiệm kỳ tới. Và dư luận khi đó lại chỉ biết chép miệng “Con vua thì lại làm vua…”

Trung ương hiện đang chống tham nhũng quyết liệt, chống nạn bổ nhiệm người nhà sai quy trình; đã cắt chức, khai trừ Đảng không ít con cái lãnh đạo cấp cao… nhưng dường như đó mới chỉ là “cắt ngọn”. Gốc của tình trạng tham nhũng và bổ nhiệm người nhà nằm ở kì thi đầu vào đại học – nấc thang đầu tiên của danh vọng. Do đó, để xử lý triệt để nạn con ông cháu cha phải xử lý triệt để nạn mua điểm ở các kỳ thi. Có như vậy mới ngăn ngừa các “hạt giống rởm” nảy mầm trong cơ quan công quyền.

Muốn làm được như vậy thì việc xử lý phải công khai, minh bạch: không chỉ công bố chức vụ mà còn cần công bố danh tính của những kẻ mua điểm. Cơ quan chức năng cũng cần điều tra hành vi dùng tiền mua điểm để xử lý đúng quy định, bởi hành vi này ít nhiều có dấu hiệu của tội đưa hối lộ.

Công bằng một cách lý tưởng là điều không thể đạt được nhưng không xử lý các bất công lại là một thất bại của chính quyền. Một chính quyền do dân, vì dân phải là một chính quyền tạo cho mọi người cùng có cơ hội phát triển.

Xử lý triệt để bê bối gian lận thi cử, trả lại cho giáo dục một môi trường trong sạch, nơi những chân tài thực học được tiếp bước ước mơ còn những kẻ gian lận phải bị trừng trị là một biểu hiện cho sự do dân, vì dân đấy.

Cùng chuyên mục
Tin khác