[Góc nhìn VNF] Tài chính số: Tập trung số lượng thay vì chất lượng sẽ mang lại bất ổn

Nguyễn Thanh Minh, Tổng Giám đốc OneSecond Việt Nam - 23/04/2023 10:18 (GMT+7)

(VNF) - Việc số hóa sẽ mang tài chính đến với người dân nhanh hơn, rộng hơn. Nhưng khi mà chỉ tập trung vào số lượng thay vì chất lượng, thì chắc chắn điều mà số hóa mang lại là đem sự bất ổn đến với người dân nhanh hơn, rộng hơn.

VNF
Ông Nguyễn Thanh Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần OneSecond Việt Nam

Trước khi bắt đầu, chúng ta sẽ cùng nhau trả lời một câu hỏi: “1903, con số này gợi lên điều gì trong đầu quý độc giả?”.

Có lẽ nhiều quý độc giả không để ý, nhưng 1903 là năm đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của toàn bộ lịch sử nhân loại khi lần đầu tiên con người đã có thể chinh phục bầu trời với việc anh em nhà Wright thành công trong việc chế tạo máy bay.

Không chỉ mang ý nghĩa to lớn thay đổi lịch sử nhân loại mà chính câu chuyện anh em nhà Wright chế tạo thành công máy bay còn mang đến một ý nghĩa khác. Cũng trong giai đoạn anh em nhà Wright nghiên cứu máy bay, có một chuyên gia khác là Samuel Langley cũng đang nghiên cứu máy bay. Ông Samuel Langley học tại Harvard, giàu có, nổi tiếng, có mối quan hệ rộng và là một bộ óc siêu việt vào thời điểm đó. Sở Chiến tranh Hoa Kỳ đã hết sức hậu thuẫn Samuel bằng việc cấp cho rất nhiều tiền để chế tạo ra máy bay. Nhưng mục đích của Samuel là kiếm tiền, tìm kiếm lợi nhuận và sự nổi tiếng cho nên ông đã thất bại.

Còn anh em nhà Wright dù chỉ khởi sự trong một xưởng chế tạo xe đạp, không được chính phủ tài trợ, không có gì trong tay ngoài hai tấm bằng cao đẳng. Nhưng anh em nhà Wright đã chế tạo thành công máy bay. Điểm khác biệt duy nhất mà anh em nhà Wright có còn Samuel Langley không có đó chính là: “Ước mơ được bay”.

Câu chuyện của anh em nhà Wright được kể trong cuốn sách nổi tiếng “Bắt đầu với câu hỏi tại sao” của Simon Sinek – diễn giả số 1 trên diễn đàn Ted Talk. Simon Sinek đã lý giải việc anh em nhà Wright thành công vì họ luôn tập trung đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao con người không thể bay?”. Simon Sinek cũng nhắc nhớ chúng ta rằng, thông thường theo thói quen, chúng ta thường tập trung đi tìm cái gì (what), đi tìm cách làm như thế nào (how) khi đối mặt với một vấn đề gì đó, mà quên đi mất tại sao chúng ta cần làm điều đó (why).

Khi chúng ta quên đi lý do tại sao chúng ta cần làm điều đó, chúng ta sẽ dễ bị cuốn theo bản năng, tư duy lối mòn. Tất nhiên điều đó sẽ cản trở sáng tạo và có thể khiến chúng ta chết chìm trong những tham vọng ích kỷ cá nhân hơn là tập trung đi cống hiến cho xã hội. Và tất nhiên vị kỷ sẽ không thể đem lại thành công lâu dài và bền vững.

Tại sao tôi lại nhắc đến câu chuyện này? Ngày 21/4 vừa qua, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance phối hợp với Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) tổ chức tọa đàm "Tương lai Tài chính số Việt Nam" và ra mắt Đặc san Tương lai Tài chính số. Tài chính số thực sự là một chủ đề quan trọng, là tương lai góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế, của đất nước. Chính phủ đã xác định hai chiến lược lớn gồm Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025 và định hướng đến 2030, và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến 2025 và định hướng đến 2030.

Điều này khẳng định một cách rõ ràng vai trò quan trọng của Tài chính số trong tương lai kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, về chủ trương là thế nhưng chúng ta cũng đang dường như lặp lại cách làm cũ, cách làm tiềm ẩn một số rủi ro: đó là tập trung vào số lượng, thay vì chất lượng. Trong chiến chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia, thì các chỉ tiêu đến năm 2025 đang nêu cụ thể gồm: 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, 20 chi nhánh phòng giao dịch của ngân hàng trên 100.000 người trưởng thành, 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính, 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm, số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 20-25% hàng năm, 250.000 doanh nghiệp SME có dư nợ tại các tổ chức tín dụng, dư nợ tín dụng phục vụ nông nghiệp trên tổng dư nợ đạt 25%, doanh thu phí bảo hiểm trên GDP là 3,5%, 70% người trưởng thành có thông tin lịch sử tín dụng. Và đó là tất cả, chưa có bất kỳ một tiêu chí nào nói cụ thể, rõ ràng về việc nâng cao chất lượng, chủ yếu đang tập trung hoàn toàn vào số lượng.

Chúng ta có lịch sử 78 năm từ ngày quốc khánh, nhưng thị trường tài chính của chúng ta rất non trẻ và mới đang phát triển nóng về số lượng suốt 20-30 năm qua mà hoàn toàn bỏ qua chất lượng. Nếu tiếp tục lặp lại câu chuyện này, thì chỉ là bình mới rượu cũ.

Năm 2022, chúng ta đã nhìn thấy quá nhiều câu chuyện đau lòng, gây hệ lụy tiêu cực đến niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Khi người dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như bị lừa đảo từ tiết kiệm biến thành bảo hiểm, bán trái phiếu rác cho người cao tuổi đã về hưu, “lùa gà” vào các cơn sóng đầu cơ vào các tài sản vô giá trị trên thị trường cổ phiếu, tiền ảo (crypto), lan đột biến, bán bất động sản không có pháp lý cho người dân vô tội vạ,… Rất nhiều gia đình tan nhà nát cửa, chồng đánh vợ, vợ tự tử, con cái nheo nhóc, cha mẹ già bơ vơ… Niềm tin của người dân vào thị trường tài chính vì thế mà lung lay dữ dội.

Hệ lụy tiêu cực trên là do chúng ta đã quá tập trung vào phát triển số lượng, thay vì chất lượng. Các chỉ tiêu phát triển chỉ chăm chăm nhìn vào con số, doanh số, KPI của các doanh nghiệp, số lượng người sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính mà không tập trung vào việc người dân thực sự hiểu các sản phẩm tài chính đó như thế nào, và “Tại sao người dân lại cần phải sử dụng các sản phẩm tài chính?”. Chúng ta đang bỏ con giữa chợ.

Có câu chuyện như thế này, đó là năm 2022, trong vụ việc trái phiếu của công ty con của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chúng ta mới thấy có những ông cụ bà cụ tuổi 60-70 nhưng đem tới 30 tỷ đồng mua trái phiếu với lãi suất 12-13%/năm. Thử hỏi, ở độ tuổi nghỉ hưu như vậy, mua trái phiếu lãi cao 13%/năm với số tiền 30 tỷ, để nhận về gần 4 tỷ một năm, để làm gì? Ăn gì, tiêu gì mà cần phải mong lãi cao đến như vậy? Người dân Việt Nam của chúng ta gần như chẳng được đào tạo một chút kiến thức tài chính nào, cứ thấy lãi cao là tham gia.

Theo chuẩn mực quốc tế, từng độ tuổi, tùy theo mục tiêu tài chính cá nhân, tùy theo khả năng chịu đựng rủi ro theo tính cách và theo sức khỏe tài chính, mà từng người sẽ nên lựa chọn một mức lãi suất khác nhau, sao cho phù hợp. Một người già, độ tuổi nghỉ hưu, không cần thiết phải lãi cao 12-13%/năm, họ chỉ cần phân bổ tài sản vào các tài sản có lợi nhuận cố định, nhưng an toàn để tạo dòng tiền ổn định cho thời gian hưu trí. Tại sao cần làm như vậy?

Vì thực tế là lợi nhuận cao thì có một rủi ro tiềm ẩn cao từ hai điều: Biến động giá tài sản cao và tài sản rác. Người già đã nghỉ hưu, không nên đầu tư quá nhiều vào tài sản biến động giá cao như cổ phiếu, phái sinh, mà chỉ nên mua trái phiếu chất lượng cao, gửi tiết kiệm hoặc mua bất động sản tạo dòng tiền cho thuê.

Chính vì thiếu kiến thức, nên gần như phần lớn người dân Việt Nam có tư duy cứ phải lãi cao mới là tốt, cứ phải lãi cao thì mới giàu được, cứ phải lãi cao thì mới có tương lai tốt hơn. Nhưng đó là sự nhầm lẫn tai hại mà chuẩn mực về tư vấn tài chính của thế giới đã chỉ ra.

Quay trở lại với câu chuyện tài chính số, việc số hóa sẽ mang tài chính đến với người dân nhanh hơn, rộng hơn trong tíc tắc khi mà hơn 70% người trưởng thành ở Việt Nam có smartphone. Nhưng khi mà chỉ tập trung vào số lượng thay vì chất lượng, thì chắc chắn điều mà số hóa mang lại là đem sự bất ổn đến với người dân nhanh hơn, rộng hơn.

Rất nhiều ứng dụng (app) tài chính hiện nay đang tận dụng môi trường số để lừa đảo đầu tư, lừa cho vay lãi cao, đánh cắp thông tin dữ liệu khách hàng,... ngày càng tinh vi hơn. Và không chỉ là các app lừa đảo, nếu người dân, nhất là người dân nông thôn được tiếp cận các sản phẩm tài chính nhanh hơn mà không được dạy cách quản lý tài chính chuẩn mực thì việc gặp lừa đảo đầu tư, phá sản vì vay nợ quá tay, lạm chi dẫn đến khánh kiệt tài chính,… sẽ còn ngày càng nhiều.

Rõ ràng, tài chính số như một cuộc cách mạng tài chính mà chúng ta đang xác định sẽ là một sự thay đổi giúp đất nước ổn định, thịnh vượng hơn. Nhưng để làm cách mạng thành công, thì không chỉ là trao cho người dân vũ khí, mà còn phải tuyên truyền cho người dân: Tại sao phải làm cách mạng? Hay một cách cụ thể hơn, là tại sao phải sử dụng các sản phẩm tài chính? Tại sao phải biết cach quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, bền vững?.

Các thông lệ quốc tế về tài chính cho người dân đã quá rõ ràng, đã được các nước phát triển như Anh, Mỹ, Đức, Hong Kong, Nhật, Hàn, Singapore,… xây dựng và áp dụng hàng chục năm nay. Nhiệm vụ của chúng ta là đem chúng về để phụng sự người dân. Có 3 việc chính mà chúng ta cần làm:

Thứ nhất, nâng cao tri thức tài chính (financial literacy) cho người dân.

Thứ hai, các dịch vụ, sản phẩm tài chính của các doanh nghiệp phải kết hợp với nhau trở thành một bức tranh toàn diện để phụng sự người dân đạt được tự chủ tài chính với một kế hoạch bao quát tất cả các nhu cầu của họ (đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, hưu trí, quản lý chi tiêu, bất động sản, luật…)

Thứ ba, hành lang pháp lý phải được hoàn thiện nhanh chóng, áp dụng thông lệ quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Đây không chỉ là công việc của riêng ai. Không phải công việc của riêng người dân phải tự giúp lấy mình, mà là trách nhiệm của cả xã hội. Đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý phải nhanh chóng tạo dựng môi trường, thúc đẩy tuyên truyền. Đó là trách nhiệm của các doanh nghiệp phải kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế, tập trung vào chất lượng để sâu rễ bền gốc thay vì chỉ phát triển nóng về số lượng. Đó là trách nhiệm của các đơn vị đào tạo phải mang tri thức tiêu chuẩn thế giới một cách hấp dẫn, đơn giản nhưng ứng dụng cao và thực tế đến với người dân. Phải cho họ biết tại sao các kiến thức đó sẽ giúp họ đỡ nghèo hơn, giúp họ có tài sản để đời sống thịnh vượng hơn, đỡ vất vả hơn, khi đó người dân sẽ tự theo về.

Chúng ta đang sống trong những ngày cuối tháng tư hào hùng. Nhớ về gần 50 năm trước, ngày 30/4/1975 là ngày thống nhất đất nước, để chúng ta có một xã hội giàu đẹp như hiện tại. Và tại sao chúng ta có được điều đó? Cũng là nhờ chàng thanh niên Văn Ba đã dũng cảm ra đi tìm đường cứu nước tại Bến cảng Nhà Rồng năm 1911. Ngày ấy, chỉ với hai bàn tay trắng, tại sao Văn Ba hay Nguyễn Ái Quốc, hay chính là chủ tịch Hồ Chí Minh cuối cùng có thể tìm được con đường, tìm được “tri thức cách mạng” và thực sự giải phóng dân tộc Việt Nam? Tất cả chỉ vì Người luôn trăn trở câu hỏi: Tại sao dân tộc Việt Nam lại bị nô lệ? Tại sao kẻ thù có thể đô hộ dân tộc Việt Nam? Tại sao dân tộc Việt Nam không thể thoát khỏi ách nô lệ?

Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong hòa bình, tự do để phát triển kinh tế xã hội, nhờ ngày ấy có sự dũng cảm của một chàng thanh niên giản dị nhưng luôn nghĩ đến mục tiêu phụng sự dân tộc. Cuối cùng cách mạng của ta đã thành công để chống lại giặc xâm lược. Chúng ta đã chiến thắng giặc xâm lược, đã chiến thắng giặc đói. Đối với cuộc cách mạng Tài chính số ngày hôm nay cũng vậy, chúng ta cần chiến thắng kẻ thù của mình, đó là giặc dốt – kẻ thù sẽ khiến người dân của ta bị đe dọa bởi sự bất ổn, rủi ro. Kẻ thù đó sẽ chắc chắn bị đánh bại, nếu như chúng ta ngày hôm nay kiên quyết, dũng cảm noi gương Văn Ba để đi tìm “tri thức cách mạng tài chính”.

Cùng chuyên mục
Tin khác