[Góc nhìn VNF] Thịt chó và chính sách công

Xuân Hải - 16/09/2018 08:00 (GMT+7)

(VNF) – Khi chưa làm rõ được “lợi ích công” của việc cấm thịt chó, việc UBND thành phố Hà Nội tiến hành vận động hay ban hành quy định cấm thịt chó đều là không phù hợp.

VNF

Trung tuần tháng 9, UBND thành phố Hà Nội phát đi một văn bản khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.

3 ngày sau, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho hay đơn vị sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn báo cáo thành phố về lộ trình vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó.

"Chúng tôi dự kiến 3-5 năm nữa, vào khoảng 2021, sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội. Đây là những khu vực trung tâm, có đông du khách quốc tế nên cần làm trước", ông Sơn thông tin.

Văn bản của UBND thành phố Hà Nội, phát ngôn của ông Chi cục trưởng Thú y Hà Nội ngay lập tức đã xới lên một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội về việc nên hay không nên cấm ăn thịt chó.

Cuộc tranh luận này thực ra không mới. Nó đã tồn tại âm ỉ từ nhiều năm nay, chỉ đợi có dịp là bùng lên. Nhưng cũng như chính trị, tôn giáo, sắc tộc, vùng miền, ăn thịt chó là một cuộc tranh luận dường như không có hồi kết, bất chấp hai bên đã viện dẫn mọi thứ, từ thói quen, truyền thống, văn hóa, văn minh, quyền tự do… 

Bài viết này chỉ muốn bàn đến ý định “vận động” và “ban hành chính sách cấm ăn thịt chó” của Hà Nội – một ý định sẽ làm thay đổi cơ bản cục diện vấn đề.

Trước tiên, phải thống nhất rằng ở thời điểm hiện tại, ăn thịt chó là quyền hợp pháp của mỗi công dân. Loài chó không nằm trong danh sách các động vật bị cấm nuôi nhốt, buôn bán, giết mổ, bày bán. Việc ăn thịt chó không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và luân lý xã hội. Việc cấm ăn thịt chó, do đó, là phi lý.

Ở phía ngược lại, những người phản đối ăn thịt chó cũng có quyền bày tỏ quan điểm, vận động xã hội, thậm chí mở hẳn một chiến dịch về việc chống ăn thịt chó.

Nhưng UBND thành phố Hà Nội thì không có quyền làm một cuộc vận động như vậy!

Lý do là thành phố Hà Nội không thể dùng nguồn lực công (ngân sách) để vận động chống lại một thứ không gây hại đến cộng đồng.

Hà Nội cần nhớ rằng ngân sách của thành phố có sự đóng góp của những chủ quán thịt chó và cả những người ăn thịt chó.

Vì vậy, không có một lý do nào để Hà Nội có thể dùng tiền thu được từ chủ quán thịt chó và những người ăn thịt chó để chống lại việc ăn thịt chó.

Hà Nội chỉ có thể làm việc đó khi và chỉ khi chứng minh được việc ăn thịt chó gây hại tới cộng đồng và việc cấm ăn thịt chó mang lại “lợi ích công”.

Việc thành phố chỉ đưa các lý do khá chung chung như gây phản cảm đối với du khách quốc tế, có nguy cơ mắc bệnh... là khá chung chung. Nếu Hà Nội thực sự muốn cấm thịt chó thì cần phải dẫn đầy đủ số liệu, bằng chứng cho thấy hình ảnh Thủ đô bị xấu đi trong con mắt quốc tế. Những bằng chứng đấy phải là số liệu xếp hạng của các tổ chức quốc tế đối với Hà Nội; số liệu du khách đến Hà Nội qua các năm tăng giảm thế nào; tình hình thu hút đầu tư diễn biến ra sao… Và điều quan trọng nhất, Hà Nội phải biện giải được rằng sự tăng giảm đó xuất phát từ thịt chó.

Chính sách công không thể nào được ban hành dựa trên ý chí chủ quan của một người hay một nhóm người. Chính sách công phải xuất phát từ thực tiễn và nhằm điều chỉnh thực tiễn theo hướng có lợi cho cộng đồng.

Một điều khá khôi hài là những ngày gần đây có đề xuất cho rằng nên đóng thật nhiều con dấu, giấy phép lên thịt chó để tăng giá loại thực phẩm này, nhằm hạn chế số người ăn.

Ý kiến trên có ý đúng khi cho rằng cần phải kiểm dịch thịt chó để đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhưng việc kiểm dịch (dấu, giấy phép) chỉ có thể thực hiện với các cơ sở chăn nuôi – giết mổ tập trung. Còn thịt chó đang bày bán hiện nay tại các quầy hàng, quán cóc là phi tập trung, liệu Hà Nội có thể để áp dụng phương pháp trên được không?

Đó là chưa kể để thực hiện việc trên, Hà Nội lại cần thiết phải chứng minh thịt chó đang bày bán hiện nay gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng bằng các số liệu, chứng cứ thuyết phục.

Chính sách là thứ có tác động mạnh mẽ đến việc sản xuất kinh doanh. Do đó, việc ban hành chính sách không thể tùy tiện mà cần phải tuân theo luật.

Cho đến hiện nay, Luật Đầu tư không cấm ngành nghề kinh doanh thịt chó, do đó UBND thành phố do đó không có cơ sở để cấm đoán. Muốn cấm, phải trình và được Quốc hội phê chuẩn.

Nếu Hà Nội muốn xem kinh doanh thịt chó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì thành phố cũng không có quyền, vì thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh thuộc về Chính phủ.

Còn nếu xem việc cấm bán thịt chó trong nội thành là một dạng “quy hoạch” thì Hà Nội lại càng vi phạm, bởi Luật Quy hoạch hiện nay không cho phép điều đó.

Theo chúng tôi, những ý tưởng của Hà Nội về việc vận động và ban hành chính sách cấm thịt chó là chưa khả thi, thiếu cơ sở và có thể gây phương hại đến nhóm đối tượng là những chủ cơ sở chăn nuôi – giết mổ - bày bán thịt chó, những người đang sản xuất kinh doanh đúng luật, góp thuế cho nhà nước. Còn việc ăn thịt chó hay không, hãy để người dân tự quyết định.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.