Diễn đàn VNF

GS Đặng Hùng Võ: 'Cần nới rộng chiếc áo pháp luật để chứa được condotel'

(VNF) - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng Việt Nam cần nới rộng chiếc áo pháp luật để chứa được condotel và phát triển du lịch. Mục tiêu của luật pháp là để ổn định chính trị và phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn chứ không phải để quản lý chặt.

GS Đặng Hùng Võ: 'Cần nới rộng chiếc áo pháp luật để chứa được condotel'

GS Đặng Hùng Võ tại tọa đàm sáng nay

Phát biểu tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường condotel” diễn ra sáng nay (27/2), GS Đặng Hùng Võ nhận định văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mới đây đã chỉ ra rằng condotel là căn hộ du lịch; condotel để kinh doanh nên chế độ sử dụng đất áp theo đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Ông Võ cho rằng đây cũng là một cách hiểu. Condotel có thể là pha trộn, có phần để ở và có phần để kinh doanh. Cũng như với mô hình chung cư hiện nay, các tầng dưới có thể để kinh doanh còn phía trên là để ở.

Chẳng hạn, GS Võ viện dẫn tại một tòa nhà của BIM Group tại Hà Nội, phía dưới là cửa hàng kinh doanh, giữa là chung cư, một số tầng trên là khách sạn, thâm chí phía trên cùng là cho thuê tầng áp mái của đại sứ Canada có công ty quản lý cụ thể.

“Trên thực tế, việc quá đa dạng các mô hình dẫn đến việc cần một sự linh hoạt trong quản lý. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện nay còn quá chật”, ông Võ nói.

Theo ông Võ, văn bản 703 mới thực hiện được một nửa nhiệm vụ thứ nhất mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Chỉ thị 11/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Cụ thể, Chỉ thị 11 đã giao cho Bộ TN&MT 3 nhiệm vụ: nhiệm vụ thứ nhất là hướng dẫn thực thi pháp luật hiện hành để giải quyết những tồn tại trong các bất động sản du lịch kiểu mới và chuẩn bị những sửa đổi bổ sung để đưa vào dự án sửa đổi Luật Đất đai để tạo điều kiện cho phân khúc bất động sản du lịch ổn định và phát triển;

Nhiệm vụ thứ hai là rà soát lại quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế của thị trường;

Nhiệm vụ thứ ba là rà soát lại tất cả các dự án về khu, cụm công nghiệp, khu đô thị và các khu du lịch vui chơi, giải trí để sao cho thuận lợi cho quá trình phát triển các dự án.

Ông Võ cho rằng văn bản 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hệ thống lại các quy định hiện hành liên quan của pháp luật, tuy nhiên cần có một số điều hướng dẫn tiếp nữa, cấp giấy chứng nhận cho công trình xây dựng chứ không cấp giấy chứng nhận cho quyền sử dụng đất.

“Trong trường hợp chủ đầu tư bán cả quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư thứ cấp sẽ xử lý ra sao”, GS đặt câu hỏi và nhấn mạnh cần có hướng dẫn tiếp, khi pháp luật hiện hành chưa đủ để áp vào những trường hợp này.

“Chúng ta cần nới rộng chiếc áo pháp luật để chứa được và phát triển du lịch. Mục tiêu của luật pháp là để ổn định chính trị và phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn chứ không phải để quản lý chặt”, ông Võ nói.

GS Võ cũng cho rằng đến nay, Việt Nam chỉ làm được việc là nơi nào lộn xộn thì sắp xếp lại, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

“Điều quan trọng nhất là làm thế nào để phát triển bởi condotel là một hình thức đầu tư để phát triển du lịch. Vốn từ ngữ của condotel đã phản ánh nó là một loại hình bất động sản đa công năng, vì vậy chúng ta cũng cần một khung pháp luật cho những loại hình bất động sản đa công năng phát triển sao cho thu hút được vốn đầu tư.

“Chúng ta đang cần một khung pháp luật cho bất động sản đa công năng, đừng bắt một cái đa công năng bằng đơn công năng hay đừng bắt condotel hoặc là chung cư hoặc là khách sạn. Bất động sản đa công năng phản ánh một nhu cầu phát triển mới của xã hội mà chúng ta lại cứ quy nó về một tư duy cũ thì nó rất khó phát triển được”, ông Võ nhấn mạnh.

Cũng theo GS Võ, Việt Nam cần tư duy bằng kinh tế chia sẻ chứ đừng tư duy theo kinh tế truyền thống, không nên băn khoăn việc là chung cư, nhà ở hay khách sạn.

“Việt Nam còn bỡ ngỡ về kinh tế chia sẻ, luẩn quẩn trong tư duy kinh tế truyền thống để đòi hỏi quản lý kinh tế chia sẻ là không hợp lý. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, kinh tế chia sẻ là yêu cầu bức thiết”, ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Tin mới lên