Heineken đóng cửa nhà máy, Quảng Nam thiệt gì?

Phước Nguyên - 03/08/2024 10:30 (GMT+7)

(VNF) - Theo PGS.TS Đặng Văn Mỹ, Trường Đại học Tài chính - Marketing, một công ty có nhiều nhà máy như Heineken thì việc đóng cửa một nhà máy nào đó là rất bình thường xét trên phương diện hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Vừa qua, nhà máy bia Heineken tại Quảng Nam đã chính thức đóng cửa. Ngay sau đó, Heineiken Việt Nam lại công bố mở nhà máy mới tại Vũng Tàu. Động thái này đã gây ra những tranh luận trái chiều. Để có đánh giá khách quan về vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Mỹ, Trường Đại học Tài chính – Marketing:

- Ông đánh giá gì về hành động của Heineken khi đóng cửa nhà máy ở một tỉnh này và mở ra ở một nơi khác?

PGS.TS Đặng Văn Mỹ: Heineken là một công ty lớn, phát triển tại Việt Nam bằng hai hình thức: xây nhà máy mới và mua lại nhà máy. Đến nay công ty này đã có 6 nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam. Do vậy, việc công ty đóng cửa nhà máy tại Quảng Nam và mở nhà máy tại Vũng Tàu cần được nhìn nhận trong tổng thể. Trước hết, việc mở nhà máy mới tại Vũng Tàu là kế hoạch đã có từ trước của công ty, cho dù không đóng cửa nhà máy ở Quảng Nam thì công ty vẫn tiếp tục mở nhà máy ở Vũng Tàu.

Đối với việc đóng nhà máy, cần thấy đó là hệ quả của nhiều yếu tố về môi trường kinh doanh, đặc biệt là sự sụt giảm nhu cầu có tính dài hạn, nhất là tại thị trường miền Trung (bao gồm 2 địa phương chính là Quảng Nam và Đà Nẵng). Cũng cần biết tại 2 thị trường này, Heineiken có 2 nhà máy, vì vậy việc đóng cửa nhà máy ở Quảng Nam trở thành nhiệm vụ mà công ty ưu tiên thực hiện, chỉ để duy trì nhà máy tại Đà Nẵng.

Một công ty có nhiều nhà máy thì việc đóng cửa một nhà máy nào đó là rất bình thường xét trên phương diện hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thị trường Đà Nẵng và Quảng Nam là các thị trường nhỏ, nhu cầu thị trường không lớn, nên việc duy trì cả 2 nhà máy là không cần thiết. Có thể kết luận rằng, việc đóng cửa một nhà máy của Heineken tại Quảng Nam là một kiểu chiến lược dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh.

- Việc này sẽ tác động đến môi trường tỉnh Quảng Nam như thế nào?

Xét về phương diện hình thức, việc một nhà máy của Heineken đóng cửa ít nhiều sẽ tác động đến tỉnh Quảng Nam, trước tiên là sự thiếu hụt nguồn ngân sách mà nhà máy này đã đóng góp hàng năm cho tỉnh, sau đó là ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường đầu tư. Khó tránh khỏi việc các nhà đầu tư hiện tại ở tỉnh Quảng Nam sẽ bắt đầu suy nghĩ về hiện tượng này. Tất nhiên các nhà đầu tư khác vẫn tiếp tục sứ mệnh của họ là khai thác tối đa cơ hội thị trường và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Dù vậy, chúng ta cần thấy rằng một nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi địa phương như trường hợp của công ty Heineken là việc rất bình thường trong bối cảnh kinh doanh và cạnh tranh. Vấn đề có tính sống còn của các nhà đầu tư không hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường đầu tư hiểu theo nghĩa chính sách, mà là các yếu tố của môi trường kinh doanh cho phép nhà đầu tư triển khai các chiến lược kinh doanh đã hoạch định.

Việc rút lui hoặc đóng cửa một nhà máy của một nhà đầu tư tuy có ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương về phương diện tiếng đồn, gây ra tình trạng người lao động sẽ không có việc làm trong ngắn hạn, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng không hoàn toàn ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của địa phương.

Môi trường đầu tư của một địa phương cấu thành bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Lâu nay chúng ta nặng về các yếu tố chủ quan – là những vấn đề về chính sách mà mỗi địa phương thiết kế nhằm thu hút các nhà đầu tư thông qua các ưu đãi về đất, về thuế và một số chính sách khác. Tuy nhiên, các yếu tố khách quan của môi trường mới là điều quan trọng và có tính bền vững trong thu hút đầu tư, đó là các yếu tố của môi trường kinh doanh vi mô, trong đó thị trường và mức cầu của thị trường có tính chất quyết định. Một khi thị trường có quy mô ngày càng nhỏ, mức cầu thấp dẫn đến sức mua thấp, các nhà đầu tư khó có thể khai thác tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có ý kiến cho rằng việc nhà máy bia Heineken Quảng Nam phải dời đi cho thấy nhiều bất cập trong môi trường đầu tư Quảng Nam. Điều này làm suy giảm uy tín của địa phương và các nhà đầu tư khác sẽ khó “gieo hạt” tại tỉnh. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Theo tôi, quan điểm nêu trên cũng có lý theo sự suy diễn về ảnh hưởng của việc đóng cửa và không tiếp tục đầu tư. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, các ngành nghề khác nhau đòi hỏi các yếu tố của môi trường đầu tư khác nhau, không có đầu tư nào giống đầu tư nào.

Trường hợp của nhà máy bia Heineken tại Quảng Nam có thể xem là một trường hợp cá biệt, liên quan đến sản phẩm bia – một sản phẩm không thiết yếu và đang bị đe dọa bởi các thể chế pháp luật có liên quan đến sử dụng bia khi điều khiển phương tiện giao thông và sự sụt giảm nhu cầu đáng kể của cư dân khi thu nhập giảm. Môi trường đầu tư ở Quảng Nam, theo tôi, là không bất cập theo cách phân tích ở trên.

- Theo ông, Quảng Nam cần làm gì và yếu tố nào giúp Quảng Nam lấy lại vị thế của mình?

Quảng Nam là địa phương hội các yếu tố quan trọng có thể phát triển nhiều ngành kinh tế trên cơ sở khai thác tốt các tài nguyên vốn có. Tỉnh cần có những chính sách kiến tạo môi trường đầu tư theo hướng phát triển các ngành kinh tế giàu tiềm năng, trong đó cần có những ưu tiên đầu tư để khai thác các nguồn lực vốn có dồi dào của tỉnh.

Tỉnh cũng cần tập trung quy hoạch vùng, quy hoạch ngành nghề ưu tiên phát triển, ngành nghề mà tỉnh có lợi thế so sánh, xây dựng chiến lược, chính sách thu hút đầu tư thỏa đáng nhằm tìm kiếm đích thực các nhà đầu tư có thể khởi nghiệp tốt tại địa phương. Đó là những vấn đề có tính quyết định.

Quan trọng hơn cả là kiến thiết tỉnh trở thành vùng đất đáng sống nhằm giữ chân các thế hệ sinh thành tại tỉnh, thu hút cư dân các địa phương đến sinh sống lập nghiệp. Kiến thiết địa phương thành địa phương đáng sống cũng là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt và có tính thách thức với các thế hệ lãnh đạo tỉnh.

Cần nhìn nhận sự cân bằng trong quản trị địa phương và thu hút đầu tư với mục tiêu làm sao mà lợi ích tạo ra sẽ bù đắp tốt các chi phí thu hút đầu tư.

Lý do Nhà máy Heineken tại Quảng Nam dừng hoạt động

Lý do Nhà máy Heineken tại Quảng Nam dừng hoạt động

Video
(VNF) - Heineken tạm dừng sản xuất nhà máy tại Quảng Nam do lượng tiêu thụ sụt giảm sau Covid-19 và triển khai nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn.
Cùng chuyên mục
Tin khác