Khách hàng trong nước 'thắt lưng buộc bụng', chuỗi lẩu Haidilao Trung Quốc mở rộng sang Mỹ
(VNF) - Chuỗi nhà hàng lẩu Trung Quốc Haidilao cho biết họ sẽ tập trung mở rộng hơn nữa vào các thị trường nước ngoài trong những năm tới, đặc biệt là Mỹ, nhằm thu hút khách hàng mới khi thực khách trong nước cắt giảm chi tiêu.
Hướng tới mở rộng ra nước ngoài
Super Hi International, đơn vị điều hành hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Haidilao, sẽ mở thêm nhiều cửa hàng nữa tại New York và Los Angeles vào năm tới, giám đốc điều hành Yang Lijuan cho biết và khẳng định rằng thị trường Mỹ được đánh giá là "có tiềm năng lớn nhất" trên toàn cầu.
Haidilao là một trong những chuỗi nhà hàng thực phẩm và đồ uống Trung Quốc có dấu ấn quốc tế lớn nhất, với các nhà hàng tại những địa điểm nổi tiếng như Piccadilly ở London, Trung tâm thương mại Dubai và Marina Bay Sands ở Singapore.
Đây là một trong những nhà hàng nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục đang hướng tới sự tăng trưởng ở nước ngoài để bù đắp cho bối cảnh thị trường ẩm thực trong nước ngày càng bão hòa và cạnh tranh.
Ngoài Haidilao, hàng loạt thương hiệu nội địa khác như trà sữa Mixue và Heytea cũng đang mở rộng trên toàn cầu, bao gồm cả Đông Nam Á và các nước phương Tây.
Bên cạnh thị trường Mỹ, bà Yang cũng cho biết Super Hi có kế hoạch mở rộng hoạt động ra nước ngoài và đang cân nhắc các thị trường tiềm năng trong tương lai như Thụy Sĩ, Đức, Tây Ban Nha và Pháp, mặc dù bà không đưa ra khung thời gian cụ thể.
Nỗ lực khi môi trường tại quê nhà "ảm đạm"
Nỗ lực củng cố hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Super Hi diễn ra khi nhánh nội địa của chuỗi nhà hàng lẩu này, Haidilao International Holding, đã ghi nhận những khoản lỗ chưa từng có vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 và đang phải "giảm tốc" trong việc mở rộng tại chính quê nhà Trung Quốc.
Haidilao đã đóng cửa 39 nhà hàng, tương đương khoảng 3% trên tổng số, tại Trung Quốc Đại lục vào cuối tháng 6 so với năm trước và mức chi tiêu trung bình cho mỗi khách hàng tiếp tục giảm, phản ánh mức tiêu dùng yếu đi của người Trung Quốc.
Lợi nhuận quốc tế của Super Hi từ lâu đã phụ thuộc vào cộng đồng người Hoa di cư. Nhưng nếu thương hiệu này muốn thử và mở rộng hơn nữa, họ sẽ cần thu hút những thực khách không phải người Trung Quốc - hoặc quen thuộc với khái niệm lẩu.
Chuỗi nhà hàng này có kế hoạch thay đổi các dịch vụ tại một số chi nhánh nước ngoài để thu hút lượng khách hàng rộng hơn, bà Yang cho biết, bao gồm cả đợt thử nghiệm hiện tại về tiêu chuẩn halal (tiêu chuẩn về thức ăn của đạo Hồi giáo) tại các quốc gia có dân số Hồi giáo đông đảo tại Đông Nam Á.
Super Hi mở nhà hàng nước ngoài đầu tiên tại Singapore vào năm 2012, hiện có 122 cửa hàng tại 13 quốc gia bên ngoài Trung Quốc tính đến tháng 6.
Giống như nhiều thương hiệu dịch vụ ăn uống của Trung Quốc đã vươn ra toàn cầu, một phần đáng kể doanh thu của công ty đến từ Đông Nam Á, nơi 74 nhà hàng chiếm hơn một nửa tổng doanh số của Super Hi trong nửa đầu năm nay. Công ty cũng điều hành 20 nhà hàng ở Bắc Mỹ, đóng góp hơn 16% doanh thu.
Bà Yang Lijuan được bổ nhiệm làm CEO của Super Hi vào tháng 6 năm nay, sau khi làm việc hàng chục năm tại Haidilao. Từ một nhân viên phục vụ, bà đã dần đi tới chức Giám đốc kinh doanh trong nước của thương hiệu. Bà cũng là động lực thúc đẩy việc thành lập các nhà hàng nước ngoài đầu tiên của chuỗi.
Làn sóng F&B Trung Quốc: Lẩu Haidilao, trà sữa Mixue tràn ra toàn cầu
- Xe điện vươn ra thế giới, Trung Quốc yêu cầu giữ 'bí kíp' công nghệ 13/09/2024 09:15
- Nhà đầu tư Mỹ 'suy giảm niềm tin' vào Trung Quốc 12/09/2024 06:00
- 'Phép màu' đường sắt cao tốc của Trung Quốc 12/09/2024 01:05
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.