Khi công ty tài chính chấp nhận ‘sống chậm’

PV - 15/08/2018 16:39 (GMT+7)

Đã qua giai đoạn tăng trưởng “nóng”, các công ty tài chính tiêu dùng đang tập trung rà soát lại các quy trình, tăng cường quản trị rủi ro, thậm chí chấp nhận cả việc “sống chậm” để hoàn chỉnh hệ thống giám sát, đảm bảo tối đa quyền lợi khách hàng.

VNF
Ảnh minh họa.

Phân khúc khách hàng trẻ

An vừa tốt nghiệp đại học và có nhu cầu mua một chiếc xe máy để đi làm thêm gia sư trong thời gian chờ việc chính thức. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện tại: Không tài sản đảm bảo, không chứng minh được khả năng trả nợ trong khi bạn bè, người thân không có điều kiện…- các khách hàng như cô khá chật vật trong việc vay mượn.

Sau nhiều ngày cân nhắc, An tìm đến công ty tài chính tiêu dùng để ký hợp đồng vay đầu tiên trong đời. Cô nhẩm tính, kể cả trong trường hợp không tìm được việc chính thức, bằng đồng lương gia sư ít ỏi của mình cô cũng sẽ trả dần hết khoản nợ gần 20 triệu đồng chỉ trong 1 năm. Thực tế, lượng khách hàng bị ngân hàng “bỏ qua” như An không hề hiếm và được coi là cơ hội vàng cho hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính.

Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng việc tập trung vào phân khúc khách hàng từ 18-30 tuổi, thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng, trong khi các ngân hàng chủ yếu phục vụ những khách hàng từ 31-40 tuổi và có thu nhập cao hơn đã giúp các công ty tài chính thâm nhập nhanh vào thị trường tài chính Việt Nam.

Ông Lực cũng dự báo rằng nhu cầu tài chính tiêu dùng sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới do sự hội tụ của nhiều yếu tố như cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam cao, thị trường còn dư địa lớn và thói quen tiêu dùng của người dân đang thay đổi theo hướng hiện đại hơn.

Bên cạnh đó, việc tài chính tiêu dùng cũng mang lại nhiều lợi ích lớn như giải quyết nhu cầu tiêu dùng cá nhân, góp phần tích lũy tài sản gia đình, thúc đẩy kinh tế xã hội,… cũng là lý do khiến hình thức cho vay này sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng.

Sống chậm

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nóng của cầu và cung cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính cũng dính khá nhiều tai tiếng khi đòi nợ nhầm, đòi nợ làm phiền khách hàng… Những vụ lùm xùm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trong đó có nguyên nhân chủ quan từ công ty tài chính khi hệ thống dữ liệu còn thiếu dẫn đến việc đòi nợ nhầm hay việc áp doanh số đã khiến một số nhân viên đòi nợ chưa phù hợp để “chạy” chỉ tiêu. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan từ một số khách hàng chây ì, cố tình không trả nợ là điều không thể phủ nhận.

Vì thế, dù là những “con gà đẻ trứng vàng” với tốc độ tăng trưởng nhanh, thời gian qua, nhiều công ty tài chính đã chấp nhận “sống chậm” để rà soát lại các quy trình quản lý nợ, tránh những tai tiếng trong cho vay, đồng thời bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Đơn cử như trường hợp của FE Credit, công ty tài chính lớn nhất thị trường hiện nay. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, FE Credit ở mức đạt lợi nhuận trước thuế 1.575 tỷ đồng, tương đương 36% tổng lợi nhuận của ngân hàng mẹ VP Bank, giảm đáng kể so với mức 50% của năm trước đó.

Tín dụng từ FE Credit cũng có dấu hiệu chững lại. Thời điểm 30/06/2018, tín dụng hợp nhất của VPBank tăng trưởng 8,79% so với đầu năm và tính riêng ngân hàng mẹ là 10,45% trong khi tín dụng tiêu dùng của FE Credit chỉ đạt mức tăng 3,54%. Nguyên nhân chủ yếu do FE Credit tập trung vào việc xử lý các khiếu nại của khách hàng và tối ưu hóa các quy trình và phương thức thu hồi nợ.

Đại diện HDBank cũng cho hay, chất lượng hoạt động dịch vụ cho vay tiêu dùng của công ty tài chính trực thuộc HD SaiSon tiếp tục được kiểm soát chặt. Song song với đó, công ty tài chính này cũng phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới phù hợp và liên kết với các đối tác Nhật Credit Saison trong liên doanh để tạo các lợi thế cạnh tranh cao.

Có thể thấy, thị trường tài chính dường như đã qua giai đoạn phát triển nóng để bước vào giai đoạn tăng trưởng an toàn và bền vững. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho lĩnh vực này cũng đang được NHNN và các cơ quan liên quan ngày một hoàn thiện. Điều này sẽ tăng thêm niềm tin cho khách hàng và hạn chế những phiền hà không đáng có, giúp thị trường tài chính tiêu dùng ngày càng phát triển.

Theo Dân trí
Cùng chuyên mục
Tin khác