'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Sự tăng trưởng về chất và lượng của FDI đang đóng vao trò quan trọng trong cấu trúc nền kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh đẹp đó thì việc chuyển giá, né đóng thuế, gây ô nhiễm môi trường và thực hiện chế độ chưa thỏa đáng với lao động của doanh nghiệp FDI đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Các chuyên gia chính sách đang băn khoăn, liệu rằng đã đến lúc siết chặt FDI hay vẫn giữ nguyên nhưng giải những "điểm mờ" của lĩnh vực FDI để tiếp tục phát triển. VietnamFinance chúng tôi có buổi trao đổi với Thạc sĩ Hồ Bá Tình, Giám đốc khối tư vấn tài chính Tổ hợp LP Group xoay quanh vấn đề này.
- Thưa ông, ông có thể cho biết quan điểm về việc chuyển giá, trốn thuế của hàng loạt FDI trong suốt những năm qua?
Ông Hồ Bá Tình: Số liệu cho thấy có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ và không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Trước tình trạng đó các cơ quan thuế thanh tra nhiều doanh nghiệp và đã phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp FDI trong việc hoạch toán chi phí, doanh thu.
Thời gian qua cơ quan thuế đã truy thu được hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế, số doanh nghiệp thua lỗ và mức độ thua lỗ cũng đã giảm nhiều so với trước đây. Kết quả đó cho thấy hành vi "né" thuế của doanh nghiệp FDI thời gian qua là có thật và làm thất thu ngân sách không nhỏ.
Với những doanh nghiệp lớn khi đầu tư vào Việt Nam họ đã nghiên cứu rất kỹ về mặt luật pháp. Họ tận dụng mọi quy định pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế để giải bài toán sao cho đạt hiệu quả tài chính cao nhất.
Việc "né" thuế của các doanh nghiệp FDI không chỉ ở Việt Nam mà nó trên phạm vi toàn cầu. Theo đánh giá của Oxfam thì hành vi "né" thuế của các doanh nghiệp trên toàn cầu gây giảm nguồn thu thuế cho các quốc gia hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Mặc dù, hệ quả tiêu cực của việc né thuế của doanh nghiệp với ngân sách các chính phủ là khá rõ ràng. Tuy nhiên tôi cho rằng đó là một hiện tượng hết sức bình thường trong thời đại toàn cầu hóa. Doanh nghiệp họ có quyền tận dụng mọi quy định của pháp luật của các quốc gia, hiệp ước quốc tế để giảm số thuế phải đóng xuống một cách hợp pháp.
Xét một khía cạnh kinh tế cho toàn xã hội thì việc "né" thuế này chưa hẳn đã hoàn toàn tiêu cực. Bản chất thuế là việc chuyển giao nguồn lực từ doanh nghiệp sang nhà nước. Giả sử nếu doanh nghiệp sử dụng nguồn lực "né" được để tái đầu tư mang lại hiệu quả cho xã hội cao hơn so với tiền thuế rơi vào tay nhà nước thì hành vì "né" thuế sẽ mang lại lợi ích cho xã hội nhiều hơn.
- Vậy đã đến lúc ngừng các ưu đãi về thuế - tài chính đối với các FDI chưa hay cân nhắc hạn chế ưu đãi, thưa ông?
Xem xét việc hạn chế hay ngừng ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI cần phải được đặt ra một cách nghiêm túc và phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng mới có câu trả lời chuẩn xác nhất. Thời gian qua Việt Nam thực hiện rất nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nhằm kéo các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để phát triển kinh tế.
Thực tế, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh thời gian qua nhờ rất nhiều vào dòng vốn này. Hiện dòng vốn FDI đang đóng góp tới hơn 20% cho GDP của Việt Nam, một con số không hề nhỏ. Không chỉ có đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động mà doanh nghiệp FDI còn giúp nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam và góp phần làm cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.
Lợi ích to lớn của FDI là không thể phủ nhận nhưng bên cạnh đó thì có những mặt tiêu cực cần phải khắc phục. Điển hình nhất chúng ta có thể thấy không ít doanh nghiệp FDI vào đầu tư tại Việt Nam nhằm mục đích tận dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi giá thuê đất, lao động giá rẻ…
Không chỉ có vậy một số doanh nghiệp tận dụng tiêu chuẩn môi trường thấp, những tiêu cực trong quản lý môi trường ở Việt Nam để đầu tư những ngành nghề có tính chất ô nhiễm cao. Thậm chí, một số doanh nghiệp FDI vào Việt Nam nhằm chuyển một số công nghệ lạc hậu, máy móc đã hết thời gian khấu hao, ô nhiễm môi trường ở một số quốc gia sắp hoặc đã bị cấm sang Việt Nam. Đó là những dòng vốn FDI có tính chất tiêu cực hơn là tích cực cần phải xem xét hạn chế.
Vì những lý do đó đã đến lúc Việt Nam cần phải thận trọng trong các chính sách thu hút vốn FDI. Chính sách nên hướng tới việc chỉ chọn lọc những dòng vốn FDI tại những ngành nghề mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế và hạn chế ngành nghề mang lại hiệu ứng tiêu cực. Như vậy, chính sách chỉ nên ưu đãi những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, có tính chất lan tỏa, tạo ra công ăn việc làm…
Ngược lại, chính sách hạn chế, giảm ưu đãi cho những ngành nghề gây ô nhiễm, ít sức lan tỏa, khai thác tài nguyên… Tất nhiên, mọi chính sách phải đặt trong bối cảnh chung là chiến lược phát triển quốc gia và phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế.
- Ông có thể cho biết lời giải nào ở góc độ tài chính và pháp lý cho việc kiểm soát chuyển giá, trốn thuế của FDI tại Việt Nam?
Tôi nhắc lại là việc chuyển giá hay các thủ thuật tài chính khác của các công ty đa quốc gia nhằm giảm mức thấp nhất việc nộp thuế là phổ biến trên thế giới. Ngày cả những tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Facebook… cũng sử dụng rất nhiều chiêu để "né" thuế.
Tại Việt Nam những công ty như PepsiCo, Coca-Cola, Metro, Keangnam Vina… cũng sử dụng nhiều thủ thuật để né thuế. Việc phòng chống "né" thuế với những công ty đa quốc gia là một bài toán nan giải không chỉ ở Việt Nam và cả các nước phát triển.
Việc các doanh nghiệp FDI chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đây là vấn đề có tính toàn cầu và không có biện pháp nào hữu hiệu để hạn chế hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hạn chế phần nào việc các doanh nghiệp FDI "lỗ" quá nhiều như thời gian qua. Chúng ta có thể thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc chống chuyển giá. Việt Nam cần xem xét ban hành luật về chống chuyển giá qua đó tạo hành lang pháp lý rõ ràng về việc kiểm tra việc chuyển giá giữa các công ty trong tập đoàn đa quốc gia.
Qua đó, cơ quan thuế có thể kiểm tra giá đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá. Bên cạnh đó cần tăng hình phạt đối với các hành vi chuyển giá vi phạm quy định pháp luật.
Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về các doanh nghiệp FDI từ đó có những cảnh báo sớm, phát hiện từ xa các hành vi chuyển giá. Hệ thống thông tin giúp nâng cao hiệu quả việc quản lý thuế, đánh giá nguy cơ, rủi ro chuyển giá từ đó tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm về giá chuyển giao giữa các thành viên liên kết nói riêng.
Thứ ba, Tổng cục thuế cần thành lập một cơ quan chuyên trách về chống chuyển giá. Đây cơ quan thực hiện chức năng đào tạo nhân sự, nghiên cứu khuôn khổ pháp lý và thực hiện việc chống chuyển giá tại cơ quan Thuế Trung ương đến địa phương.
Thứ tư, Chính phủ cũng cần ra soát lại toàn bộ chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI. Cần hạn chế ưu đãi cho những ngành mang lại hiệu ứng tiêu cực đối với nền kinh tế. Cần trọng cấp phép cho doanh nghiệp có "truyền thống chuyển giá".
- Còn các FDI ứng dụng công nghệ nền tảng (online platform) đang cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước, cần phải ứng xử sao với họ ra sao, thưa ông?
Với việc phát triển mạnh của công nghệ thông tin và xu hướng mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ đang đặt ra những vấn đề thách thức trong quản lý. Trường hợp cạnh tranh trong ngành vận tải hành khách là một ví dụ điển hình. Uber và Grab vào Việt Nam làm ảnh hưởng rất lớn đến các hãng taxi truyền thống.
Nguyên nhân, so với taxi truyền thống Uber và Grab chỉ phải đóng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp ít hơn rất nhiều làm ảnh hưởng đến giá vận tải. Các doanh nghiệp FDI cung cấp dịch vụ trực tuyến khác như Facebook, Google, Micrsoft… cũng đã làm điều tương tự. Họ đã tận dụng rất tốt quy định của pháp luật để giảm mức thuế phải đóng xuống mức thấp nhất.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc các công ty kia né thuế không phải là yếu tố chính mà nguyên nhân chủ yếu khiến cho doanh nghiệp Việt Nam kém sức cạnh tranh là do mô hình doanh chưa hiệu quả và quản trị kém hơn. Do đó các doanh nghiệp trong nước để cạnh tranh cần có những ứng xử "thông minh hơn".
Thay vì phản chống lại cạnh tranh bằng các biểu ngữ như tài xế Vinasun, các doanh nghiệp trong nước cần phải nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt xu hướng về công nghệ, mô hình hình kinh doanh mới và thích ứng.
Đối với nhà nước cũng cần phải linh hoạt hơn trong việc tiếp nhận những cái mới thay vì "chiều theo ý doanh nghiệp" trong nước rồi "cấm". Bên cạnh đó nhà nước cũng phải tập trung xây dựng các chính sách thuế, tăng cường kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp này để hạn chế việc thất thoát nguồn thu thuế.
- Xin cảm ơn ông!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.