Luật sư Trương Thanh Đức: ‘Nên cấm ban hành thông tư’

Lê Nguyễn - 26/12/2019 23:33 (GMT+7)

(VNF) – Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật BASICO, cho rằng để ngăn chặn thông tư vẽ rắn thêm chân cần cấm ban hành thông tư, hay ít ra là phải cấp phép ban hành thông tư.

VNF
Luật sư Trương Thanh Đức

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2019 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó.

Cụ thể, Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật cho biết tính đến hết tháng 11 năm 2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 đến 800 thông tư của các năm trước đó.

Đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018, và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm của năm 2017.

Số lượng văn bản quy phạm pháp luật tuy có ít đi, tuy nhiên báo cáo của VCCI chỉ ra mức độ chồng chéo giữa các văn bản, tính chất bất hợp lý của các quy định… vẫn còn khá nhiều.

Bình luận về điều này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng “với số lượng văn bản ít hơn hẳn các năm trước, mà kết quả tổng hợp vẫn thấy nhiều quy định rõ ràng bất hợp lý, từ Thông tư đến nghị định, từ dự thảo đến đã ban hành, thì như thế là hơi phổ biến, là khá trì trệ, là rất trầm trọng, là quá thất vọng”.

Theo ông Đức, quan sát thực tế cho thấy càng ban hành, càng hoàn thiện pháp luật thì càng xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo.

“Kết quả rà soát, sửa đổi khá nhiều danh mục ngành nghề cấm & hạn chế đầu tư kinh doanh trong mấy năm qua trong khi bối cảnh không thay đổi, đã cho thấy việc làm luật rất thiếu triết lý, thiếu hợp lý & thiếu pháp lý”, ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng về lâu dài cần có cách tiếp cận khác để xử lý thì mới hữu hiệu, “phải chặn gốc thay vì tỉa cành, ngắt lá rừng rậm nhiệt đới”.

Cụ thể, để bảo vệ được quyền tự do kinh doanh, ông cần cho phép người dân và doanh nghiệp khởi kiện hủy bỏ quy định vi hiến, trái luật; để loại bỏ điều kiện với người đại diện theo pháp luật, cần bỏ quy định về người đại diện theo pháp luật như lâu nay là người đứng đầu doanh nghiệp, mà thay bằng cơ chế đại diện pháp lý;

Để tránh việc đánh đố doanh nghiệp, cần thay đổi nguyên tắc áp dụng pháp luật cho công dân và doanh nghiệp là: được phép áp dụng theo quy định nào có lợi nhất, mà không phải phụ thuộc vào thẩm quyền & thời điểm ban hành như các cơ quan nhà nước;

Để ngăn chặn thông tư vẽ rắn thêm chân cần cấm ban hành thông tư, hay ít ra là phải cấp phép ban hành thông tư.

“Lý do vì gốc là Hiến pháp, cây là luật thì cành lá là nghị định. Nên nhớ rằng, nhiều năm trước đây, gần như không có luật & rất ít nghị định, thì thông tư mới là bố tướng, thậm chí có một thời kỳ bộ trưởng ban hành nghị định.

“Đã qua giai đoạn thành tích xây dựng pháp luật tính bằng số lượng văn bản & điều khoản. Giờ cần đi vào chất lượng, khó khăn hơn nhiều, quan trọng hơn nhiều”, ông Đức nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác