Nguy cơ khối ngoại chi phối 5 Fintech thanh toán dẫn đầu
Minh Sơn -
21/08/2019 08:44 (GMT+7)
5 Fintech chiếm 90% thị phần thanh toán ở Việt Nam đều có tỷ lệ vốn ngoại trên 30%, thậm chí có doanh nghiệp tới 90%.
Thông tin trên được ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tại buổi toạ đàm về Fintech hôm 20/8. Số liệu đến cuối quý I cho biết cả thị trường có 27 ví điện tử nhưng hơn 90% thị phần thuộc về 5 đơn vị lớn nhất và tất cả đều có sở hữu nước ngoài từ 30% đến 90%.
Đại diện cơ quan điều hành cho rằng đã có nhiều mối quan ngại về thực tiễn hoạt động của các đơn vị này, liên quan đến an toàn thông tin giao dịch và thông tin cá nhân của khách hàng. Bên cạnh đó, việc các tổ chức nước ngoài đang sở hữu tỷ lệ cao tại những Fintech thanh toán đứng đầu thị trường cũng gây ra lo ngại về nguy cơ thao túng thị trường.
Do đó, sắp tới cơ quan quản lý sẽ có những điều chỉnh với hoạt động này. Dự thảo Nghị định 101 đang lấy ý kiến lần đầu đề xuất áp tỷ lệ sở hữu nước ngoài với các Fintech trong lĩnh vực thanh toán ở mức 30% hoặc 49%.
Giải thích thêm, ông Sơn cho biết Ngân hàng Nhà nước xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các trung gian thanh toán thông qua sở hữu do nắm giữ trực tiếp và cả sở hữu gián tiếp.
"Cơ quan quản lý đã tính tới trường hợp các tổ chức nước ngoài nắm giữ cổ phần thông qua pháp nhân tại Việt Nam, nên tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ bao gồm cả phần nắm giữ gián tiếp tại các Fintech thanh toán", Phó vụ trưởng Thanh toán nói.
Tuy nhiên, dưới góc độ thị trường, các chuyên gia cho rằng việc áp tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại những Fintech thanh toán có thể ngăn cản sự phát triển của nhóm doanh nghiệp này.
Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký VAFI cho rằng hiện nay Fintech rất cần vốn để phát triển. Nếu giới hạn đầu tư nước ngoài sẽ rất khó để kêu gọi những nguồn vốn lớn hoặc các nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp. Việc hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể kìm hãm sự phát triển của Fintech thanh toán.
"Chính phủ đã cho phép ngân hàng, chi nhánh 100% vốn nước ngoài hoạt động và xem xét nới room cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy, không thể lấy hạn mức đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng hiện tại làm tiền lệ cho Fintech", đại diện VAFI cho biết.
Cùng quan điểm với VAFI, ông Varun Mittal, Phó chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore cho rằng muốn tạo điều kiện cho Fintech trở thành doanh nghiệp khu vực, cơ quan quản lý cần có biện pháp giúp các đơn vị này phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt hơn.
"Các doanh nghiệp Fintech cần rất nhiều vốn nếu muốn phát triển nhanh hơn, cần phải ăn nhiều, tập thể dục để lớn nhanh hơn nữa. Các startup này có nhiều tham vọng, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để có đủ vốn hoạt động, phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các chính sách điều hành", Phó chủ tịch Fintech Singapore nhận xét.
Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF), đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) kiến nghị không nên áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong thanh toán và Fintech.
Theo đại diện Amcham, sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính và Fintech sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định và chính sách cho đầu tư. Tuy nhiên, việc áp trần sở hữu nước ngoài tại những doanh nghiệp trong lĩnh vực này "sẽ hạn chế đáng kể khả năng huy động vốn ngoại của các công ty khởi nghiệp Fintech Việt Nam".
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone