Nhận diện xu hướng M&A bất động sản trong năm 2022

Minh Tú - 18/02/2022 10:57 (GMT+7)

(VNF) - Tạp chí Đầu tư Tài chính vừa có cuộc trao đổi với bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, xoay quanh những cơ hội và thách thức trên thị trường bất động sản hậu Covid-19. Theo bà Dương Thùy Dung, năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều thương vụ M&A hơn so với hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch và thậm chí so với những năm trước đó.

VNF
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam.

Năm 2022, thị trường bất động sản được nhìn nhận sẽ có nhiều điểm sáng như những khó khăn về nguồn cung của thị trường sẽ được tháo gỡ một phần làm cho cung - cầu gặp nhau, giảm bớt áp lực giá cả. Nguyên nhân là, giai đoạn vừa qua, các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đã nhìn thấy những rào cản chính gây ra nguồn cung hạn chế và tìm mọi cách điều chỉnh.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng sắp được bơm vào thị trường sẽ kích thích phát triển đầu tư hạ tầng, giải quyết bài toán tăng trưởng toàn nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản. Đặc biệt, năm 2022 người dân đã quen với cuộc sống bình thường mới, cùng tầm nhìn về phát triển thị trường bất động sản trong dài hạn thì khi đó thị trường sẽ phát triển theo chiều hướng bền vững và khả quan hơn.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng thị trường M&A của Việt Nam đang đầy hào hứng, tăng trưởng kinh tế tích cực nên hiện tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài đều xác định đây là thị trường trọng điểm đầu tư, là thời điểm để nắm bắt cơ hội lớn. Điều này sẽ khiến hoạt động M&A tại Việt Nam, nhất là với lĩnh vực BĐS, có tính cạnh tranh cao và sẽ bùng nổ trong năm 2022. 

- Nếu như năm 2020-2021, thị trường có những thời điểm bị đứt đoạn do ảnh hưởng của Covid-19, dưới góc độ của mình, bà nhìn nhận thị trường năm 2022 sẽ diễn biến ra sao?

Bà Dương Thùy Dung: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được WordBank dự đoán sẽ hồi phục ở mức 6,5 – 7% trong năm 2022. Cùng với sự hồi phục về kinh tế, sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng trong thời gian qua và các dự án thay đổi về Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ là các động lực lớn để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trưởng trong năm 2022.

Tuy vẫn còn những rủi ro từ dịch bệnh Covid-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ diễn tiến tích cực hơn trong thời gian tới với sự cải thiện về nguồn cung và tình hình hoạt động. Đặc biệt, các thị trường bất động sản thương mại như văn phòng, bán lẻ, khách sạn du lịch sẽ có thể trở lại mức trước dịch vào cuối năm 2022.

- Một nghịch lý trên thị trường mà chúng ta thấy rất rõ là trong thời điểm diễn biến dịch bệnh, nguồn cung căn hộ tồn khá nhiều nhưng giá bán lại tăng khá mạnh. Vậy thì nguồn cung căn hộ trong năm nay sẽ như thế nào, thưa bà?

Bên cạnh yếu tố dịch bệnh tác động mạnh đến tất cả các mảng và phân khúc bất động sản trong hai năm 2020 - 2021, những khó khăn của thị trường bất động sản hiện tại là kết quả của nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Các nguyên nhân khách quan chính có thể kể đến như (1) quỹ đất nội thành ngày càng khan hiếm tác động tiêu cực đến nguồn cung mới (nguồn cung giảm và chủ đầu tư có xu hướng phát triển dự án phân khúc cao hơn để tối ưu hóa lợi nhuận, gây nên sự thiếu hụt nguồn cung trung cấp và bình dân); (2) thủ tục hành chính kéo dài và phức tạp khiến quá trình triển khai dự án chậm, nguồn cung chưa đáp ứng đủ lượng cầu.

CBRE kỳ vọng thị trường sẽ chào đón gần 22.000 căn hộ tại TP.HCM và 26.000 – 28.000 căn tại Hà Nội trong năm 2022. Trong hai năm tới, nguồn cung mới sẽ phục hồi và kéo theo sự cải thiện tương ứng về số lượng căn bán thành công.

Xu hướng giá nhà đất sẽ tiếp tục đà tăng kèm theo là sự phát triển của các khu đô thị lớn tại các tỉnh giáp ranh Hà Nội, TP.HCM và các điều khoản thanh toán sẽ đa dạng, kéo dài với mức lãi suất hấp dẫn để giảm gánh nặng tài chính cho người mua. Một điều khả quan đáng ghi nhận là trong những năm gần đây, lãi suất ngân hàng luôn được ghi nhận ở mức thấp và được kiểm soát tốt.

- Năm 2021, theo Bộ Xây dựng, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 - 7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%; giá đất nền tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Theo bà đâu là nguyên nhân chính cho các đợt tăng giá này?

Có một vài nguyên nhân dẫn tới sự tăng giá trong thời gian qua. Thứ nhất là do nguồn cung ngày càng hạn chế, quỹ đất phát triển dự án nhà ở ngày càng bị thu hẹp trong khi nhu cầu của người mua để ở và người mua để đầu tư vẫn tăng không ngừng. Tốc độ tăng trưởng nguồn cung không theo kịp với tốc độ tăng trưởng dân số và tốc độ đô thị hóa dẫn tới lệch pha cung cầu ở các thành phố lớn.

Thứ hai bên cạnh giá đất tăng cao (do quỹ đất bị thu hẹp) thì các chi phí khác liên quan tới phát triển dự án cũng tăng theo, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 diễn ra, như chi phí nhân công, chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển.

Nguyên nhân thứ ba đến từ việc các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi, khiến người dân có xu hướng rút tiền ra đầu tư vào bất động sản nhiều hơn. Ngoài các lý do trên, chúng ta cũng thấy các sản phẩm bất động sản càng ngày càng được đầu tư với chất lượng tốt hơn, nằm trong các khu quy hoạch đồng bộ với các tiện nghi tiện ích bài bản, hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông kết nối cũng tốt hơn, dẫn tới giá thành sản phẩm sẽ tăng tương ứng theo.

- Nhiều "đại gia" BĐS nổi danh với hàng loạt thương vụ M&A cũng đang đẩy mạnh hoạt động thâu tóm hàng trăm hecta đất tại nhiều địa phương. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn tiếp tục tìm kiếm các quỹ đất ở Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Phan Thiết... để phát triển khu đô thị và bất động sản du lịch. Bà có thể đưa ra nhận định về thị trường M&A trong năm 2022?

Nhìn lại năm 2021 vừa qua, đa phần các giao dịch M&A đã diễn ra tại các dự án BDS vùng ven và các tỉnh thành xung quanh các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022 với động lực thúc đẩy bao gồm nhiều tín hiệu tích cực đến từ các kế hoạch triển khai đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm tăng khả năng kết nối của các đô thị lớn đến các tỉnh thành xung quanh (như các đường vành đai, đường cao tốc, sân bay Long Thành hoàn thiện kết nối cho khu vực TP.HCM đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An).

Cùng với sự phát triển rất thành công của hoạt động sản xuất công nghiệp tại các tỉnh thành xung quanh các đô thị lớn này trong nhiều năm qua, các khu vực này dần trở thành địa điểm tiềm năng cho các hoạt động M&A phát triển quỹ đất cho các dự án nhà ở trong tương lai.

Chúng tôi nhận thấy khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài không thay đổi trong tiêu chí tìm kiếm đầu tư vào dự án có tính hoàn thiện về pháp lý cao, và đối tác là chủ đầu tư trong nước chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sự thay đổi có thể nhận thấy được ở việc các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tìm kiếm các quỹ đất có vị trí đắc địa, mà còn mở rộng việc tìm kiếm dự án đến các tỉnh thành xung quanh nhằm gia tăng quỹ đất dự án cho việc phát triển trong trung và dài hạn.

- Các chuyên gia dự báo, cuộc đua thâu tóm bất động sản của các doanh nghiệp Việt có tiềm lực về tài chính thông qua các thương vụ M&A sẽ tiếp tục sôi động. Xu hướng tìm quỹ đất của họ có thay đổi bởi tác động của dịch Covid-19 không thưa bà?

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể về phương thức chúng ta sống, làm việc và giải trí, qua đó tác động tương đối đến xu hướng tìm kiếm các quỹ đất BDS vùng ven của nhà đầu tư. Xu hướng M&A trong năm 2022 và các năm tới sẽ tập trung vào việc phát triển các dự án hình thành các khu đô thị vệ tinh quanh các thành phố lớn, trọng điểm vùng.

Ngoài ra, do tính bất định trong diễn biến vừa qua của đại địch, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các dự án M&A có thể triển khai được ngay trong ngắn và trung hạn, đáp ứng nhu cầu ở, kinh doanh và đầu tư của thị trường trong bối cảnh hạn hẹp nguồn cung dự án mới hiện tại.

Năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều thương vụ M&A hơn so với hai năm chúng ta bị ảnh hưởng bởi đại dịch và thậm chí so với những năm trước đó, tuy nhiên chúng tôi không nghĩ sẽ có một sự gia tăng mạnh về các thương vụ M&A. Mặc dù một số chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư sẽ có hiệu lực trong năm 2022 nhưng sẽ cần có thời gian để các chính sách này được thực thi và phát huy tác dụng.

- Hoạt động M&A không chỉ là thu gom tài sản để lớn lên mà quan trọng là tạo nên cấu trúc liên kết, kiến tạo giá trị và đóng góp cho cộng đồng. Bà có thể đưa ra những đánh giá của riêng mình về tính liên kết của các doanh nghiệp hậu M&A không thưa bà?

Tính liên kết giữa các doanh nghiệp được thể hiện ngày càng rõ trong việc gia tăng số lượng dự án có sự hợp tác tương hỗ giữa các chủ đầu tư trong và ngoài nước, cũng như nhu cầu hợp tác đầu tư chiến lược vào các tập đoàn bất động sản trong nước về mặt vốn và kinh nghiệm phát triển dự án để có thể đưa ra thị trường những dự án có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao như các dự án bất động sản được quản lý bởi các thương hiệu khách sạn quốc tế năm sao, hay các dự án khu đô thị thông minh, bền vững sắp được triển khai.

Cùng chuyên mục
Tin khác