PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: 'Tăng trưởng tốt sẽ xua đi lạm phát do tâm lý'

Kỳ Thư - 18/07/2022 12:12 (GMT+7)

(VNF) - Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng lạm phát do tâm lý.

VNF
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Sức ép giá cả tăng cao

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng năm 2022, do lạm phát tăng cao, nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất cùng các biện pháp khác nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại.

“Giải pháp kích cầu gần 2 năm qua của nhiều quốc gia chẳng những không mang lại hiệu quả như mong muốn, mà còn tạo nên mất cân đối cung - cầu trầm trọng hơn. Điều này làm cho lạm phát bùng nổ trên toàn cầu, vượt đỉnh 30, 40 thậm chí 50 năm qua, mà thường bắt nguồn từ các nước có nhiều kinh nghiệm trong xử lý khủng hoảng trước đây. Hầu hết các quốc gia đã nhận ra tình trạng này và đang có các biện pháp khắc phục”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, hiện nay, ngân hàng trung ương nhiều nước đã có các động thái giảm mua trái phiếu chính phủ và xem xét nâng mạnh lãi suất cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2022. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.

“Tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát vẫn cao và lãi suất tăng cao sẽ làm nhu cầu đầu vào của sản xuất thu hẹp và khả năng chi tiêu của nền kinh tế thu hẹp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam”, ông Thịnh nhìn nhận.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa thấy hồi kết, nên giá cả nhiều mặt hàng trong nền kinh tế khó hạ thấp. Đây sẽ là nhân tố đẩy giá cả xăng dầu và nhiều mặt hàng tiếp tục ở mức cao, thúc đẩy lạm phát tăng lên.

Ngoài ra, năm 2020, tín dụng trong nền kinh tế tăng trưởng 12,17% nhưng nền kinh tế chỉ tăng 2,9% GDP; năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng khoảng 14% nhưng nền kinh tế chỉ tăng 2,58%, vì vậy lượng tiền tệ trong nền kinh tế tương đối lớn cũng có thể gây sức ép lạm phát.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nêu, trong vài năm gần đây do lãi suất tín dụng hạ thấp, một lượng tiền lớn có thể đã chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản tạo nên cơn sốt đất và tăng giá bất động sản ở nhiều địa phương. Do đó, Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ thị trường bất động sản và cả chứng khoán để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng gia tăng giá lương thực, thực phẩm thế giới trong nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023 có thể sẽ đẩy lạm phát thế giới tăng cao.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, Việt Nam đang là một quốc gia xuất khẩu lương thực, thực phẩm lớn của thế giới. Sức ép lạm phát từ tăng giá lương thực, thực phẩm sẽ thấp hơn nhiều quốc gia khác, thậm chí còn được bù đắp bởi sự gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản.

Tăng trưởng 2022 lạc quan

Ông Thịnh dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao và các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7,0% - 7,5%.

Còn trường hợp giá dầu thô hạ xuống thấp hơn, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng… thì tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8% - 8,4%.

Để có thể giữ lạm phát ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội, ông Thịnh cho rằng cần đẩy mạnh phòng ngừa biến chủng mới của dịch COVID-19. Đây là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.

Đồng thời Chính phủ phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

“Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng lạm phát do tâm lý”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm.

“Cung tiền trong thời gian qua đang tăng, tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,35%. Khả năng tăng tốc độ luân chuyển của đồng tiền khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là một thực tế cần được tính toán khi xem xét khả năng tăng cao của lạm phát”, ông Thịnh nêu.

Ngoài ra, ông Thịnh nhấn mạnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả; đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.

“Kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý;

"Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế”, ông Thịnh cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác