'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Việt Nam đã trải qua 6 tháng đầu năm 2020 với mức tăng trưởng GDP thấp kỷ lục (1,81%). Dù được ghi nhận như một thành tựu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề vì dịch Covid-19 nhưng kết quả tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm đang đặt ra những thách thức rất lớn cho chính phủ trong việc kéo nền kinh tế đi lên trong thời gian còn lại của năm 2020.
Tài khóa và tiền tệ được xem là chính sách lõi của công cuộc “chấn hưng” nền kinh tế. Tuy nhiên, liệu Việt Nam có bao nhiêu dư địa cho hai chính sách này?
Để góp một góc nhìn cho vấn đề trên, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân:
- Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng quý I/2020 là 3,82%, quý II là 0,36%, tổng chung 6 tháng là 1,81%, đều là những con số thấp kỉ lục. Là nhà quan sát và phân tích kinh tế vĩ mô trong nhiều năm, đặc biệt là khi có dịch Covid-19, kết quả này có khiến ông bất ngờ?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Những con số tăng trưởng nói trên thực sự không nằm ngoài dự đoán của giới nghiên cứu kinh tế, trong đó có bản thân tôi.
Nếu phải đưa ra một đánh giá thì có thể nói rằng đó là một mức tăng trưởng có phần ấn tượng, bởi trong các kịch bản vĩ mô năm 2020 mà chúng tôi xây dựng, mức tăng trưởng đó nằm ở kịch bản trung tính, thậm chí là kịch bản lạc quan.
Nguyên do của việc Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng GDP thực dương là do nước ta đã khởi động lại nền kinh tế sớm hơn dự kiến (từ đầu tháng 5, thay vì đầu tháng 6), dù cho các lĩnh vực gắn với xuất nhập khẩu vẫn đang chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch.
- Nhìn vào bức tranh vĩ mô 6 tháng, đặc biệt là cuối quý II, ông có nhìn thấy tia sáng nào cho sự phục hồi của nền kinh tế trong năm nay?
Tín hiệu lạc quan đã có, đó là sự hồi phục sản xuất của ngành công nghiệp. Đơn cử là chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua), nếu như trước đó chỉ số này rất thấp (tụt xuống dưới 40) thì đến tháng 6 đã vươn lên trên 50 rồi. Tất nhiên, việc chỉ số này tăng có bền vững hay không còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Nếu đại dịch diễn biến tồi tệ hơn, dẫn đến việc các nước phải phong tỏa lần hai thì sẽ rất đáng lo ngại.
- Vậy cái nhìn của ông về triển vọng tăng trưởng 6 tháng tới sẽ là?
Việc giữ được tăng trưởng GDP thực dương trong 6 tháng đầu năm, nhất là trong quý II – giai đoạn được cho là nền kinh tế “ngấm đòn” đại dịch – đã tạo ra một nền tảng cơ bản để nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục lại ở một mức độ nhất định trong 6 tháng tới.
Dẫu bao trùm lên kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng là khó khăn, tôi vẫn đánh giá triển vọng tăng trưởng trong 6 tháng tới là có. Và tôi cho rằng các yếu tố quyết định đến tăng trưởng sẽ bao gồm: tình hình dịch bệnh trên thế giới, đầu tư công…
Về dịch bệnh, đây là yếu tố khó đoán định nhất. Chúng ta hoàn toàn chưa thể nói trước được điều gì, bởi cho đến nay vắc-xin hay thuốc đặc trị vẫn còn là dấu hỏi.
Về đầu tư thì 6 tháng qua có thể xem là có dấu hiệu tích cực khi chính phủ thúc ép rất mạnh mẽ việc giải ngân đầu tư công. Tất nhiên đầu tư công không thể thay thế hoàn toàn được đầu tư tư nhân, nhưng trong ngắn hạn (6 tháng) tác động của nó vẫn là rất đáng kể.
Ngoài ra, những yếu tố như EVFTA cũng được kì vọng sẽ mang lại một hơi thở cho nền kinh tế khi một số ngành của Việt Nam được hưởng lợi từ hiệp định và dòng vốn FDI được cho là sẽ chảy vào nước ta mạnh mẽ hơn.
Trong kịch bản lạc quan nhất mà chúng tôi xây dựng (giải ngân đầu tư công tốt, dịch bệnh được khống chế, các nước nới lỏng lệnh phong tỏa) GDP có thể tăng khoảng 5%. Ở kịch bản trung tính, GDP có thể tăng khoảng 3% – 4% còn kịch bản bi quan thì chỉ tăng được khoảng 1% - 2%.
- Thưa ông, để thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng tới, những điều chỉnh về chính sách tài khóa và tiền tệ là rất quan trọng. Ông cho rằng chính phủ nên tiếp tục thi hành chính sách tài khóa, tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng?
Có thể nói trong 20 năm qua, chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam chưa bao giờ là thắt chặt, trừ một số thời điểm nhất định, ví dụ như năm 2008 hay 2011, chính phủ buộc phải thắt chặt do lạm phát quá cao.
Chính phủ trước nay vẫn luôn thi hành một chính sách tiền tệ mở rộng. Cung tiền các năm trước thường trên 20%, vài năm gần đây mới hạ xuống 15% - 17%. Bơm tiền hay tín dụng là cách thức thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam, và vì thế, sức ép lạm phát luôn tồn tại.
Về tài khóa, chính phủ cũng không thắt chặt mà chỉ mở rộng thận trọng hơn thôi. Nhưng sự thận trọng đó, oái ăm thay, không phải đến từ việc cơ cấu lại thu – chi của chính phủ mà đến từ việc chậm giải ngân đầu tư công.
Việc chậm giải ngân khiến thâm hụt tài khóa bớt đi, tuy vậy con số tuyệt đối và tương đối của thâm hụt (so với GDP) vẫn là rất lớn.
Vấn đề bây giờ là chính phủ nên mở rộng thận trọng hay mở rộng mạnh tay?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xét đến nhiều yếu tố, đặc biệt là dư địa của chính sách.
Dư địa của chính sách tiền tệ tại Việt Nam đang cao hay thấp? Theo tôi thì là thấp nếu không muốn nói là không có. Đừng nhầm dư địa tiền tệ là lãi suất của ta cao trong khi lãi suất của các nước thấp. Dư địa tiền tệ là khoảng chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát của chính nước ta; khoảng chênh lệch này càng lớn thì dư địa càng cao.
6 tháng qua, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế rất thấp do doanh nghiệp khó khăn. Nhu cầu vay ít thì các ngân hàng trở nên thừa vốn. Áp lực thừa vốn khiến lãi suất giảm, trung bình giảm được 1 điểm phần trăm. Việc lãi suất giảm khiến chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát bị thu hẹp, đồng nghĩa là dư địa chính sách tiền tệ của chính phủ đang hẹp đi.
Muốn tiếp tục giảm lãi suất thì bắt buôc phải hạ được lạm phát. Nếu chính phủ cố ép lãi suất xuống ngang lạm phát hoặc thấp hơn lạm phát, tiền sẽ chảy ra các kênh tài sản. Và thời gian qua hiện tượng này đã bắt đầu xảy ra rồi. Bong bóng giá tài sản nếu xảy ra sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế, khiến quá trình hồi phục trở nên khó khăn đồng thời gây ảnh hưởng xấu trực tiếp tới nhóm người có thu nhập trung bình và thấp trong xã hội.
Về tài khóa, Việt Nam có dư địa không? Tôi cho là có, nhưng chỉ có đôi chút. Người ta chỉ nhìn vào tỷ lệ nợ công/GDP để nói có dư địa tài khóa, nhưng đó chỉ là một khía cạnh thôi.
Chỉ số ta đáng quan tâm hơn là tỷ lệ nợ công/thu ngân sách và đặc biệt là nghĩa vụ trả nợ của chính phủ trên tổng thu ngân sách hàng năm. Năm nay, thu ngân sách chắc chắn sụt giảm trong khi nghĩa vụ trả nợ thì không. Như vậy áp lực trả nợ của chính phủ không hề nhẹ nhàng. Mặt khác, điểm rơi của nghĩa vụ trả nợ đang tập trung dày đặc từ năm 2020 trở đi. 6 tháng đầu năm thu ngân sách giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu tiếp tục xu hướng này, nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách năm nay sẽ vượt ngưỡng cho phép là 25%.
Cũng cần thấy rằng trong khi thu ngân sách sụt giảm thì chi ngân sách lại không sụt giảm tương ứng. Chính phủ thậm chí phải tăng chi cho việc chống dịch khiến áp lực ngân sách là không nhỏ. Đó là chưa nói tình trạng chi tiêu bất hợp lý vẫn xảy ra ở các địa phương. Chúng ta vẫn thấy trong thời gian dịch bệnh, các địa phương vẫn có dự án xây tượng đài, cổng chào – một hành vi phi kinh tế và phản cảm.
Quan điểm của tôi là nếu phải tăng chi để kích thích kinh tế thì phải chi cho các dự án trọng điểm quốc gia, không dàn trải tăng chi ở đia phương. Sự bày vẽ thêm ở địa phương chỉ làm tốn kém ngân sách trong khi chính phủ đang phải cân đối từng khoản một trong tình thế rất khó khăn như hiện nay.
- Thưa ông, ở phân tích trên, ông có đề cập đến việc các ngân hàng thừa vốn. Ghi nhận từ thị trường cho thấy các ngân hàng đang đổ tiền mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn vào hiện tượng này, ông có cảm thấy lo ngại?
Việc mua trái phiếu chính phủ là một hành vi kinh tế bình thường của các ngân hàng và cũng là hợp lí trong bối cảnh dư vốn như hiện nay.
Ở Việt Nam thì không có chuyện chính phủ in tiền trực tiếp để chi tiêu. Tuy nhiên, khi cần tiền, chính phủ phát hành trái phiếu. Các ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ, rồi sau đó bán lại cho ngân hàng trung ương, như vậy về bản chất thì cũng là chính phủ in tiền thôi. Chúng ta không tiếp cận được bảng cân đối tài sản hàng năm của Ngân hàng Nhà nước nên việc đánh giá rủi ro này là khó khăn.
Đối với việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, ta thấy thời gian qua việc này diễn ra khá mạnh mẽ. Lãi của trái phiếu doanh nghiệp rất cao nhưng lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Thường thì doanh nghiệp không vay được ngân hàng mới phải phát hành trái phiếu. Việc chào lãi cao càng cho thấy trái phiếu doanh nghiệp không hẳn là thứ quả chín lành. Việc ngân hàng đổ xô mua trái phiếu doanh nghiệp có thể tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu, vì về bản chất, việc này cũng là một dạng cho vay dưới chuẩn nếu như trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo.
Ở góc độ người mua cá nhân, tôi cho rằng việc nắm trái phiếu doanh nghiệp là khá rủi ro, vì người mua cá nhân gần như không thể thẩm định và đánh giá được mức độ rủi ro của các loại trái phiếu này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.