Phó chủ tịch AmCham: 'Cánh cửa đã mở' để làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt Mỹ

Mộc An - 11/09/2023 09:12 (GMT+7)

(VNF) - Bà Virginia B. Foote - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nhấn mạnh việc nâng cấp mối quan hệ tổng thể giữa hai nước sẽ báo hiệu cho các đối tác kinh tế của hai nước rằng "cánh cửa đã mở" để làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt - Mỹ.

VNF
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden chiều 10/9.

“Cánh cửa đã mở”

Bà Virginia B. Foote, Phó chủ tịch AmCham, đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1989, tức 6 năm trước khi Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao. Bà đã chứng kiến cột mốc quan trọng khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào ngày 25/7/2013.

Theo bà Foote, sự tăng trưởng kinh tế trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện đã đạt được thành công to lớn trên nhiều lĩnh vực, từ tài chính, sản xuất, du lịch và lữ hành, kinh tế sáng tạo, giáo dục, kỹ thuật số, năng lượng, viễn thông, dược phẩm… Có thể nói không có lĩnh vực nào là không hưởng lợi nhờ bước tiến này. Chính phủ và doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực thắt chặt mối quan hệ khăng khít giữa hai bên.

Bà Foote cho rằng tầm quan trọng của việc nâng cấp mối quan hệ tổng thể giữa hai nước sẽ được phản ảnh trong mọi khía cạnh của mối quan hệ, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế. “Điều này sẽ báo hiệu cho các đối tác kinh tế của hai nước rằng ‘cánh cửa đã mở’ để làm sâu sắc thêm mối quan hệ”, bà Foote nhấn mạnh thêm.

Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho hay hiệp hội này đặt nhiều kỳ vọng vào việc hai nước nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và sẽ tổ chức một hội nghị lớn với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào ngày 31/10 tới để cùng tìm ra các cách thức để giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội lớn này.

Với các cương vị từng nắm giữ như Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp Mỹ - APEC và chủ tịch Liên minh WTO Mỹ - Việt (năm 2006), Phó chủ tịch của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (2014-2017), và hiện tại là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Bay Global Strategies và Phó chủ tịch AmCham, bà Virginia B. Foote đã tích cực tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam tăng cường xúc tiến thương mại, thông tin cho doanh nghiệp Mỹ về môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế.

Bà Foote đã đồng hành xuyên suốt quá trình xây dựng quan hệ Việt - Mỹ, từ hòa giải tới phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước.  Bà đã có những đóng góp hiệu quả và tích cực vào việc đàm phán và ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA), thoả thuận về việc Việt Nam gia nhập WTO và việc chính phủ Mỹ áp dụng Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam.

"Việt Nam sẽ tìm ra cách đưa tất cả các đối tác đến bàn đàm phán"

“Là một luật sư kinh tế làm việc tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ-Việt được hình thành vào đầu những năm 1990, tôi có thể nói rằng 10 năm qua quan hệ "Đối tác toàn diện" giữa hai nước đã phát triển thành một mối quan hệ bền chặt và vững chãi. Điều đó đã mang tới sự thịnh vượng cho cả hai bên tham gia và cả các bên thứ ba”, ông Frederick R. Burke, cố vấn cấp cao Công ty luật đa quốc gia Baker McKenzie (Mỹ) tại Việt Nam, chia sẻ nhân dịp Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Đến Việt Nam vào năm 1991, khi hầu như không có ô tô trên đường phố và tình trạng nghèo đói vẫn còn hiện diện, luật sư Burke cho biết sự tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam hiện nay được xây dựng dựa trên nỗ lực bền bỉ của tất cả các bên trên các nền tảng hiệp ước khác nhau như Hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ (BTA) năm 2001 và việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2008, cùng nhiều cột mốc khác.

“Tất cả những điều này đã tạo nên một Việt Nam thịnh vượng với những tiềm năng đầy hứa hẹn. Nói một cách dễ hiểu, sự tăng trưởng trong thương mại và đầu tư của Việt Nam là một hiện tượng và có mọi tiềm năng để tiếp tục tăng trưởng trong tương lai”, ông Burke nhận định.

Cũng theo luật sư Burke, bước đột phá chính của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện chính là bổ sung từ “chiến lược”, có nghĩa là sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương.

Ông Burke cho rằng xét đến tác động ổn định tiềm tàng của hiệp định đối với các tuyến thương mại quan trọng của khu vực, việc này sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động thương mại và đầu tư hơn nữa.

“Việt Nam đã làm rất tốt trong quá khứ trong việc cân bằng các thách thức chiến lược khác nhau và tôi tin rằng Việt Nam sẽ tìm ra cách đưa tất cả các đối tác thương mại quan trọng của mình đến bàn đàm phán và tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu làm được điều này, Việt Nam sẽ là một tấm gương sáng cho khu vực và có lẽ là cả thế giới”, vị luật sư chia sẻ.

Ông Frederick Burke là thành viên của Ủy ban Chính sách Toàn cầu của Baker & McKenzie - "đế chế" lớn mạnh trong ngành dịch vụ pháp lý trên toàn cầu. Ông đồng thời là luật sư điều hành của các văn phòng Baker & McKenzie tại Việt Nam.

Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm hành nghề trong lĩnh vực luật doanh nghiệp, bất động sản, thương mại quốc tế và được biết đến với các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Burke tham gia là cố vấn cho các giao dịch lớn trong các ngành công nghiệp đang phát triển mạnh của Việt Nam bao gồm năng lượng tái tạo, kinh doanh sản xuất nông nghiệp, hàng không, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và du lịch cùng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Ông hiện là đại diện của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) tại Hội đồng tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính tại Việt Nam. Ông đã được Bộ Tư pháp ghi nhận về “Những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực hợp tác pháp lý quốc tế”.

Xem thêm >> ‘Việt – Mỹ sẽ tập trung tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn’

Cùng chuyên mục
Tin khác