Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả: Dự luật PPP khai thông nguồn vốn cho doanh nghiệp kiểu nửa vời

Vĩnh Chi - 06/05/2020 22:54 (GMT+7)

(VNF) – Dự luật PPP cho phép các doanh nghiệp dự án huy hộng vốn bằng hai cách thức là phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và chào bán trái phiếu ra công chúng. Tuy nhiên, ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng cả hai hình thức này đều có hạn chế và chưa thực sự khơi thông vấn đề vốn cho doanh nghiệp dự án PPP.

VNF
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả

Có năng lực tài chính cũng chưa chắc mua được trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP

Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (dự luật PPP) quy định: “Doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán để huy động vốn thực hiện dự án PPP, trừ trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền”.

Theo đánh giá của ông Thủy, dự luật quy định cho doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng việc phát hành trái phiếu riêng lẻ ở đây lại không còn đúng nghĩa như quy định của Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, Điều 4.2 của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định “Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet”. Thế nhưng dự luật PPP lại chỉ cho phép doanh nghiệp dự án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Điều 6.11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng Khoán - Luật số: 62/2010/QH12, định nghĩa: "Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán".

Đối với ngân hàng thì việc mua trái phiếu của doanh nghiệp dự án cũng được tính trong hạn mức tín dụng của họ. Nếu ngân hàng đã không thể cho doanh nghiệp vay tín dụng thì sẽ không thể đầu tư mua trái phiếu của doanh nghiệp dự án.

“Như vậy, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp dự án vẫn hạn chế đối tượng khi chào bán. Hạn chế này làm cho doanh nghiệp dự án không tiếp cận được với các nguồn vốn từ các tổ chức kinh tế, các cá nhân trong nước có nguồn vốn và thậm chí có năng lực thực hiện dự án không được mua trái phiếu của doanh nghiệp dự án”, ông Thủy bình luận.

Bán trái phiếu ra công chúng: Không dễ

Dự luật PPP quy định rằng: “Sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng, doanh nghiệp dự án PPP được chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ loại trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền”.

Theo ông Thủy, việc chào bán trái phiếu ra công chúng hiện nay chỉ có Luât Chứng khoán quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục, phương thức phát hành.... Nếu áp dụng theo quy định của luật chứng khoán thì việc chào bán trái phiếu ra công chúng sẽ trở thành không khả thi đối với doanh nghiệp dự án.

Nguyên nhân là bởi doanh nghiệp dự án, theo quy định của dự thảo luật PPP, chỉ được thành lập để hoạt động mục đích duy nhất là thực hiện hợp đồng dự án. Trong khi đó điều kiện để phát hành trái phiếu ra công chúng theo quy định của Luật Chứng khoán là doanh nghiệp phải có “hoạt động của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi” (Điều 21.2 Luật Chứng khoán).

“doanh nghiệp dự án chỉ thực hiện hoạt động duy nhất là đầu tư vào dự án. Nếu sau khi hoàn thành xây dựng công trình hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành thì nhu cầu về vốn để thực hiện dự án không lớn như thời gian đầu thực hiện dự án, đồng thời việc doanh nghiệp dự án có lãi trước khi có nhu cầu huy động thêm vốn là không khả thi”, ông Thủy phân tích.

“Như vậy, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP vẫn nửa vời và chưa thực sự thông thoáng”, ông Thủy nói thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác