Phú Quốc hết sốt, Đà Nẵng lo dư cung, đại gia ồ ạt kéo về tỉnh lẻ

Hải Lê - 31/10/2016 06:33 (GMT+7)

(VNF) - Trong các năm qua, ăn theo cơn sốt của thị trường, các đại gia bất động sản đã đua nhau rót hàng nghìn tỷ vào Đà Nẵng, Phú Quốc nhưng đến thời điểm hiện tại, dòng vốn này lại đang được điều chỉnh hướng đến các tỉnh lẻ như Bình Thuận, Huế, Quảng Ninh…

Phú Quốc giảm nhiệt, Bình Thuận nóng

Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù vẫn nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của các doanh nghiệp song hiện tại, "thiên đường" bất động sản Phú Quốc đã giảm nhiệt, không còn sôi động và hấp dẫn như hồi 2014.

Còn tại Đà Nẵng, dù thị trường vẫn đang phát triển nóng sốt nhưng trước làn sóng đầu tư ồ ạt, không ít chuyên gia đã bày tỏ lo ngại nguy cơ bội cung của thị trường này trong thời gian tới.

Do đó, trên thị trường đã diễn ra một cuộc "rút chạy" âm thầm, các doanh nghiệp đua nhau thoái vốn, chuyển dòng tiền của mình từ Phú Quốc, Đà Nẵng để đổ vào các tỉnh lẻ nhằm khai thác những lợi thế của thị trường giàu tiềm năng nhưng còn chưa được khai phá này.

Cuộc "rút chạy" đó của các doanh nghiệp đã được dự báo từ hồi đầu năm khi Tổng giám đốc CBRE Marc Townsend nhận thấy sự kém hấp dẫn của Phú Quốc, Đà Nẵng và tiềm năng to lớn của các địa phương khác. Trong một hội nghị, ông khẳng định "nguồn vốn đầu tư sẽ dịch chuyển về khu vực bất động sản nghỉ dưỡng Nam Trung Bộ và Phan Thiết được xem là điểm sáng nhất".

Thực tế đã diễn ra như những gì dự báo, trong năm 2016, Phan Thiết đón nhận một đợt sóng đầu tư khá mạnh mẽ. Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Thuận, chỉ riêng trong quý I/2016 đã có 10 dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển được khởi động tại Phan Thiết.

Đặc biệt trong tháng 8, dự án Ocean Dunes được Tập đoàn Rạng Đông và Công ty Cổ phần Green Real khởi động đã gây nên tiếng vang lớn trên thị trường. Ocean Dunes có quy mô 62 ha và tổng mức đầu tư lên tới 2.600 tỷ đồng, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung ứng ra thị trường 1.515 căn biệt thự, nhà phố và hơn 5.000 căn hộ cao cấp.

Chán Phú Quốc, Đà Nẵng, đại gia bất động sản đua nhau đầu tư về tỉnh lẻ

Dự án Ocean Dunes của Tập đoàn Rạng Đông làm sôi động thị trường bất động sản Phan Thiết

Ngoài Tập Đoàn Rạng Đông, Phan Thiết cũng đón nhận hàng loạt các doanh nghiệp khác như: Hưng Thịnh, Danh Khôi, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Sài Gòn, Toàn Thịnh Phát…

Dự báo trong thời gian tới, 4 dự án lớn với tổng vốn lên đến gần 400 triệu USD sẽ tiếp tục đổ bộ thị trường bất động sản Phan Thiết gồm: Khu tổ hợp du lịch, thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến – Mũi Né (200 triệu USD), Khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né (92 triệu USD), Khu du lịch Hàm Thuận Đa Mi (42 triệu USD) và Khu du lịch Suối khoáng nóng Tà Cú – Bưng Thị (50 triệu USD).

Bên cạnh Phan Thiết, thị trường Bình Định cũng đang đón nhận làn sóng đầu tư lớn từ các doanh nghiệp như FLC, Becamex IDC, Hưng Thịnh... Song gây chú ý nhất có lẽ là Tập đoàn FLC với các dự án khủng: FLC Quy Nhơn (quy mô 1.300 ha, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng), Tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và nhà ở FLC Complex Quy Nhơn (quy mô 1,7 ha, vốn đầu tư 2.031 tỷ) và Dự án Vườn thú tương tác (quy mô 200 ha).

Chán Phú Quốc, Đà Nẵng, đại gia bất động sản đua nhau đầu tư về tỉnh lẻ một

Dự án FLC Quy Nhơn là một trong những dự án khủng nhất thị trường Bình Định trong năm 2016

Mới đây, tỉnh cũng đã chấp thuận cho Tập đoàn Hoa Sen nghiên cứu, khảo sát đầu tư 2 dự án là: Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn và căn hộ cao cấp (cao 49 tầng với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD) và Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh Suối nước nóng Hội Vân (tổng vốn đầu tư 18,9 triệu USD).

Trầm lắng hơn hai thị trường trên, nhưng Huế cũng được các đại gia lựa chọn là điểm đến đầu tư bất động sản khi trong tháng 8, lần lượt Bitexco, Vingroup và BRG đã nhảy vào tỉnh này.

Cụ thể, Bitexco rót hơn 500 tỷ đầu tư dự án Khu Nghỉ dưỡng nước nóng Mỹ An Huế, Vingroup chi 215 tỷ làm Trung tâm Thương mại Vincom Tứ Hạ, còn BRG đầu tư tới 2.000 tỷ để làm Khu nghĩ dưỡng cao cấp tại khu vực tiếp giáp hai xã Vinh Thanh và Vinh Xuân, huyện Phú Vang.

Long An cũng là địa phương thu hút được các đại gia đặt chân đến với những tên tuổi: Vạn Thịnh Phát (đầu tư 16 trong số 19 dự án ở huyện Cần Giuộc), Vingroup (chi 400 tỷ làm trung tâm thương mại Tân An), Trần Thái (làm khu du lịch sinh thái quy mô 100 ha ở khu bảo tồn Láng Sen)…

Cùng với đó là một loạt các doanh nghiệp "máu mặt" khác của làng địa ốc Sài Gòn như Thanh Yến Residence, Five Star của Tập đoàn Năm Sao, Saigon Village của Lộc Thành, Nam Long, Tân Tạo, Đồng Tâm…

Sân chơi lớn Quảng Ninh, Hải Phòng

Mặc dù các tỉnh phía Nam hiện đang nổi lên như những điểm sáng, tuy nhiên, với sự hiện diện của các đại gia lớn nhất và số vốn đầu tư khổng lồ, Quảng Ninh mới chính là thị trường tỉnh sôi động nhất trong năm qua. Đây là nơi hội tụ những dự án đình đám bậc nhất của những tập đoàn lớn nhất cả nước.

Đó là Sungroup với Sun World Hạ Long Park (quy mô 214 ha, tổng vốn đầu tư 7.794 tỷ đồng) và một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng rộng 730 ha cạnh Bái Tử Long, có tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ, hiện đã được cấp phép.

Chán Phú Quốc, Đà Nẵng, đại gia bất động sản đua nhau đầu tư về tỉnh lẻ hai

Cùng với các tập đoàn khác như Vingroup, FLC, các dự án của Sungroup đang đốt nóng thị trường bất động sản Quảng Ninh

Đó là Vingroup với Vinpearl Hạ Long Bay Resort (tổng vốn đầu tư 1.135 tỷ đồng), Vinhomes Hạ Long ở Cửa Lục –Bến Đoan (quy mô 68 ha, tổng vốn đầu tư 12.018 tỷ đồng) và một siêu dự án đang ấp ủ ở Đại Yên, thành phố Hạ Long rộng tới 4.000 ha.

Đó là FLC với dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long rộng 224 ha và tổng vốn đầu tư 3.400 tỷ.

Ngoài ra còn một loạt siêu dự án khác đang được kêu gọi như Khu du lịch sinh thái đảo Phượng Hoàng (5.500 tỷ), dự án đảo Nất Đất (3.150 tỷ), dự án khu du lịch biển Hòn Soi Nhụ (637 tỷ) vv…

Cùng với Quảng Ninh, Hải Phòng cũng là nơi thu hút sự đổ bộ của các đại gia. Trong năm nay, thành phố đã ký với Sun Group về triển khai đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp và vui chơi giải trí đảo Cát Bà, tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng; ký với BRG về việc mở rộng sân golf Đồ Sơn 36 lỗ, tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng.

Chán Phú Quốc, Đà Nẵng, đại gia bất động sản đua nhau đầu tư về tỉnh lẻ ba

Thị trường bất động sản Hải Phòng cũng đang đón nhận làn sóng đầu tư rất lớn của các đại gia bất động sản

Ngoài ra, Hải Phòng cũng ký với Tập đoàn Xuân Thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Bắc sông Cấm, tổng vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng; ký với FLC về triển khai Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Đồ Sơn, tổng vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng; và ký với Công ty Cổ phần Him Lam về Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp và Khu hậu cần nghỉ dưỡng tại Hòn Dấu, Đồ Sơn, tổng vốn đầu tư 4.983 tỷ đồng.

Với những dự án đó, Hải Phòng cũng đang chuyển mình để trở thành một trung tâm mới của thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, làn sóng đầu tư vào các tỉnh sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong các năm tới do các thị trường cũ sẽ đạt đến độ bão hòa nhất định và các thị trường mới ngày càng phát triển hơn. Điều này được đánh giá là sẽ khiến thị trường bất động sản Việt Nam có thêm một loạt trung tâm mới, mở ra nhiều hướng đầu tư trong tương lai.

Cùng chuyên mục
Tin khác