Quốc hội thông qua việc thành lập thị xã Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước

Trần Lê - 11/08/2022 15:56 (GMT+7)

(VNF) - Tại phiên họp thứ 14 ngày 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết với tỷ lệ tán thành 100%, thông qua 2 nghị quyết về việc thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và thành lập thị xã Chơn Thành, các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

VNF
Thị xã Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước (ảnh minh họa)

Thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được thành lập trên cơ sở nguyên trạng xã Bình Phú với diện tích 19,07 km2 và dân số trên 18.500 người.

Sau khi thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên và dân số cũng như số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Mỹ Tho, 2 thị xã (Cai Lậy, Gò Công) và 8 huyện; 172 đơn vị hành chính cấp xã.

Thị xã Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 390,34 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 121.083 người của huyện Chơn Thành.

Thị xã Chơn Thành sau khi thành lập có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường (Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành) và 4 xã (Minh Thắng, Nha Bích, Minh Lập, Quang Minh). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 78,31%.

Sau khi thành lập thị xã Chơn Thành và 5 phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước không thay đổi về diện tích tự nhiên (6.873,56 km2), dân số (1.030.098 người) và có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Đồng Xoài, 3 thị xã (Bình Long, Phước Long, Chơn Thành) và 7 huyện, cùng với 111 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 86 xã, 20 phường và 5 thị trấn).

Đáng chú ý, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Bình Phước, huyện Chơn Thành đang là địa phương thu hút mạnh dòng vốn FDI với lợi thế gần các trung tâm công nghiệp lớn. Hiện huyện Chơn Thành đã có 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 3.800 ha, chiếm 50% số khu công nghiệp của toàn tỉnh Bình Phước.

Để tiếp tục thu hút nguồn vốn nước ngoài, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa của địa phương, Bình Phước đã đề xuất quy hoạch khoảng 70.000 ha đất để phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là mở rộng 3 khu công nghiệp quan trọng của tỉnh. Việc Bình Phước mở rộng phát triển các khu công nghiệp đã mở ra làn sóng di cư cùng nhu cầu nhà ở cho cả lực lượng lao động phổ thông và chuyên gia.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030 Bình Phước sẽ trở thành “tỉnh công nghiệp” có GDP đứng đầu cả nước, đến năm 2050 sẽ phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại với tốc độ phát triển bền vững. Hiện Chơn Thành là một trong những huyện sở hữu nhiều lợi thế của tỉnh Bình Phước với quỹ đất sạch, hệ thống hạ tầng hoàn thiện, tập trung nhiều khu công nghiệp. 

Từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường bất động sản Bình Phước trở nên nhộn nhịp khi nhiều nhà đầu tư từ TP. HCM, Hà Nội và các tỉnh đến đây tìm cơ hội. Theo sự phát triển về hạ tầng, giá đất tại một số khu vực đã nhích tăng như tại tuyến đường ĐT 753, dọc tuyến đường Quốc lộ 14, gần các khu công nghiệp... Theo ghi nhận từ một số người môi giới và sàn kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư đã xuống tiền trong vòng 1 năm trở lại đây đã có thể lãi 20- 30%, những đầu tư trên 2 năm có thể lãi trên 50%, thậm chí gấp đôi.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.