Sân bay Long Thành lại nguy cơ trễ hẹn

Mai Hà - 17/09/2019 08:01 (GMT+7)

Sân bay Long Thành dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2020, với mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025.

VNF
Xã Suối Trầu (H.Long Thành, Đồng Nai) đã giải thể để lấy đất xây sân bay Long Thành (Ảnh: Lam Ngọc)

Tuy nhiên, mốc này có thể bị phá vỡ nếu báo cáo nghiên cứu khả thi chưa được Quốc hội đưa vào lịch trình xem xét tại kỳ họp tháng 10 tới.

Đẩy nhanh tiến độ thẩm định

Giữa tháng 7/2019, Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Thủ tướng và Hội đồng thẩm định nhà nước báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Trước đó, năm 2016 khi dự án rục rịch chuẩn bị, Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) từng đặt mục tiêu trình hồ sơ thẩm định báo cáo F/S lên Bộ GTVT vào giữa năm 2018, trước khi trình Chính phủ và Hội đồng thẩm định nhà nước vào khoảng tháng 8/2018, trình Quốc hội (QH) vào kỳ họp tháng 10/2018, để có thể thông qua tại kỳ họp giữa năm 2019.

Tuy nhiên, mốc này đã phải chậm thêm 1 năm, khi báo cáo F/S được ACV trình lên Bộ GTVT tháng 7/2019 trước khi Bộ trình lên Chính phủ.

Đáng chú ý, tại cuộc họp hôm 14/9 của Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến các nội dung kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào cuối tháng 10, Chính phủ đề nghị QH bổ sung nội dung cho ý kiến về báo cáo F/S dự án CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Song đại diện cơ quan thẩm tra là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tỏ ra lo ngại không đủ thời gian để có một báo cáo thẩm tra có chất lượng, trong khi hồ sơ dự án được tiếp cận “hơn 1 tạ”.

"Đối với việc xây dựng sân bay, cứ 5 năm giá thành sẽ trượt gấp đôi. Kinh phí dự kiến 5 tỉ USD cho giai đoạn 1 của dự án được xây dựng vào thời giá năm 2015, có tính tới trượt giá đến năm 2020. Nhưng nếu lùi lại tiến độ thêm 5 năm, số tiền sẽ lên đến 10 tỷ USD".

Ông Đỗ Tất Bình, Phó giám đốc Tổng công ty cảng hàng không VN

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, hiện Hội đồng thẩm định nhà nước (do Bộ trưởng KH-ĐT làm chủ tịch hội đồng) mới họp phiên đầu tiên để thẩm định báo cáo F/S Long Thành giai đoạn 1.

“Bộ GTVT, ACV và đơn vị tư vấn sẽ giải trình, bổ sung làm rõ những điểm còn thiếu của báo cáo F/S theo yêu cầu của các chuyên gia hội đồng thẩm định. Thủ tướng đã yêu cầu Hội đồng thẩm định nhà nước đẩy nhanh tiến độ thẩm định, để có thể trình QH thông qua báo cáo F/S tại kỳ họp tháng 10/2019”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Nếu đúng lộ trình được báo cáo tại kỳ họp tháng 10 tới, sau khi được QH đồng ý, Thủ tướng mới phê duyệt dự án, sau đó mới đến khâu quyết định giao đơn vị lập dự án đầu tư. Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ mời thầu và lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, dự kiến khoảng 6 - 9 tháng tiếp theo mới có phê duyệt hồ sơ, sau đó mới đấu thầu xây lắp...

Điều này đồng nghĩa với việc nếu bị lùi thời gian trình QH sang giữa năm 2020, tiến độ thực hiện dự án cấp bách sân bay Long Thành có nguy cơ trễ thêm 1 năm so với mốc 2025.

Lùi tiến độ 5 năm, vốn vọt lên 10 tỷ USD

Trả lời Thanh Niên, ông Đỗ Tất Bình, Phó giám đốc ACV, cho biết theo tiến độ dự kiến ban đầu, dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành sẽ được trình QH vào tháng 10. Đến tháng 12, dự án được phê duyệt và sau đó, tùy theo phương thức huy động vốn để xác định vai trò chủ đầu tư của từng hạng mục, triển khai các nhiệm vụ tiếp theo như thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công...

Theo ông Bình, nếu triển khai tuần tự theo đúng quy định của luật pháp hiện hành, sân bay Long Thành chỉ có thể khởi công vào năm 2021 và khó có khả năng hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 theo phê duyệt của QH. Chưa kể những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tìm nguồn vốn, nguy cơ dự án bị chậm tiến độ là rất cao. Đích 2025 vốn đã khó đạt được, giờ nếu không được trình QH thông qua trong kỳ họp tháng 10 tới, dự án sân bay Long Thành sẽ phải chờ thêm ít nhất 6 tháng nữa cho tới kỳ họp QH tiếp theo. Mọi bước triển khai sẽ tiếp tục chậm.

“Đối với việc xây dựng sân bay, cứ 5 năm giá thành sẽ trượt gấp đôi. Kinh phí dự kiến 5 tỷ USD cho giai đoạn 1 của dự án được xây dựng vào thời giá năm 2015, có tính tới trượt giá đến năm 2020. Nhưng nếu lùi lại tiến độ thêm 5 năm, số tiền sẽ lên đến 10 tỉ USD. Tổng số vốn quá lớn như vậy là hoàn toàn không khả thi”, ông Bình lo ngại.

Cũng theo đại diện ACV, thông thường, việc phê duyệt báo cáo tiền khả thi của dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Tuy nhiên, tại kỳ họp QH thứ 13, các đại biểu đánh giá đây là dự án cực kỳ quan trọng, mang tầm quốc gia nên kiến nghị cần phải trình lại QH thông qua chủ trương sau khi đã được Thủ tướng thẩm định.

“Như vậy, vai trò của QH ở đây là thông qua các điều khoản về mặt chủ trương như đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư thực hiện dự án có phù hợp hay không, nếu có thì phương án thu xếp vốn mà ACV đề xuất có khả thi hay không... Những cái này chỉ cần báo cáo trong một buổi là xong. Còn lại các chi tiết về mặt kỹ thuật như vị trí nhà ga, bãi đỗ... với tài liệu nặng “gần 1 tạ” kia đã có các đơn vị chuyên môn, thậm chí cả tư vấn nước ngoài đánh giá. Về phía ACV, hiện chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi thứ từ vốn, phương án tổ chức đến cả yếu tố nhân lực. Chỉ cần QH “gật đầu” là dự án có thể triển khai ngay”, vị này khẳng định.

Càng lâu, càng nhiều vấn đề

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, nhận định: Một dự án gồm 2 phần cần các cấp có thẩm quyền thông qua trước khi triển khai là phần chính sách và phần kỹ thuật. Trong đó, phần kỹ thuật thuộc quyền thẩm định của các chuyên gia, các bộ, ngành chuyên môn. Việc thẩm định phương án khả thi, phần chuyên môn lúc này sẽ được giao về các ủy ban và cơ quan này cũng phải ngồi lại với các chuyên gia để thẩm định, kết luận.

Vai trò của QH là quyết tâm chủ trương, chính sách như có xây dựng sân bay Long Thành hay không, việc thu hồi, GPMB ảnh hưởng đến đời sống người dân thế nào, phương án đền bù ra sao, giá đất xung quanh khu vực sân bay tăng lên thì ai được hưởng lợi... Do đó, những nội dung cần đưa ra QH thông qua của báo cáo khả thi dự án sân bay Long Thành không bao gồm các chi tiết đi sâu về thiết kế, kỹ thuật.

“CHK quốc tế Long Thành là dự án quy mô lớn, tác động rất lớn đến cả kinh tế và xã hội đất nước. Chủ trương xây dựng QH đã “gật đầu” rồi, thực tế địa phương cũng đang thu hồi đất, GPMB rồi. Tức là mặt chính sách đã quyết, việc cần làm là đẩy càng nhanh càng tốt mặt kỹ thuật để dự án nhanh chóng được triển khai, về đích đúng hẹn”, ông Dũng nêu ý kiến.

Ông Phạm Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không VN, cho rằng đây là dự án cấp bách, cần các cơ chế đặc thù, nên được xem xét trình QH trong kỳ họp tháng 10 tới để được QH thông qua chủ trương lớn, những chi tiết cụ thể sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung sau đó.

Càng kéo dài thời gian xây dựng CHK quốc tế Long Thành sẽ càng nguy hiểm. Theo tính toán của quy hoạch phát triển hàng không đến năm 2020, định hướng 2030, việc mở rộng quy mô các hãng cũng như phát triển thêm các hãng mới đều trên cơ sở mở rộng Tân Sơn Nhất và xây dựng CHK quốc tế Long Thành.

Trong bối cảnh Tân Sơn Nhất đang quá tải, dự án nhà ga T3 đang chậm trễ, nếu sân bay Long Thành tiếp tục chậm, thì hạ tầng hàng không sẽ không đảm bảo được tăng trưởng thị trường sau 5 năm tới.

Ông Phạm Văn Tới
(Phó chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không VN)

Xem thêm >> Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Người Việt có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm'

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác