Thanh tra TP. HCM ‘tuýt còi’ quyết định dừng dự án hồ Vĩnh Lộc của cấp trên

Huy Thịnh - 06/05/2020 14:39 (GMT+7)

Theo thanh tra TP. HCM, quyết định số 353/QĐ-UBND của UBND TP. HCM về ngưng thực hiện dự án khu sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) tuy phù hợp thực tế nhưng lý do thu hồi, các căn cứ pháp lý, trình tự thủ tục chưa đảm bảo chặt chẽ về phạm vi, đối tượng áp dụng theo quy định pháp luật nên cần điều chỉnh hoặc thu hồi, hủy bỏ.

Ngày 6/5, sau khi UBND TP. HCM đã có văn bản chấp thuận và thống nhất, thanh tra TP. HCM công bố kết luận thanh tra toàn diện (KLTT) dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh).

Vùng đất bưng Vĩnh Lộc thấp trũng, thuộc loại đất phèn mặn, thường xuyên bị ngập nước và hoang hóa, không thể khai thác các loại cây trồng và sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Việc đầu tư cải tạo khu vực này thành hồ chứa nước là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, du lịch, tạo mảng xanh, góp phần thay đổi bộ mặt khu vực và tạo động lực phát triển của toàn vùng.

Quy hoạch của dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc 

Ngày 15/6/1996, UBND TP. HCM ban hành quyết định số 2874/QĐ-UBND-QLĐT về việc đầu tư dự án cải tạo vùng trũng phèn Vĩnh Lộc nhằm mục đích xây dựng Khu Sinh thái văn hóa do Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn TP. HCM làm chủ đầu tư.

Đến năm 1997, UBND TP. HCM có quyết định thay đổi chủ đầu tư, giao Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (huyện Bình Chánh) làm chủ đầu tư. Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao đất gần 370 ha cho Công ty đầu tư xây dựng Bình Chánh để đầu tư khu sinh thái văn hóa thuộc địa bàn 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh).

 

Kết luận của thanh tra TP. HCM về dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc

Tuy nhiên đến năm 2002, UBND TP. HCM lại tiếp tục thay đổi chủ đầu tư, chuyển giao cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) làm chủ đầu tư dự án. Đến năm 2008, UBND TP. HCM có công văn chấp thuận chủ trương cho SAGRI hợp tác với Công ty Cổ phần Quốc tế C&T và Văn phòng Thành ủy TP. HCM để đầu tư dự án.

KLTT chỉ ra dự án có quy mô lớn, trong khi nguồn lực ngân sách còn hạn chế, việc UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương cho SAGRI hợp tác thành lập pháp nhân thực hiện dự án là phù hợp và cần thiết. Thế nhưng, trước khi có chỉ đạo của UBND TP. HCM, SAGRI đã ký hợp đồng hợp tác (vào tháng 10/2007) với Công ty C&T để thành lập Công ty Vĩnh Lộc, dẫn đến không đảm bảo tỷ lệ vốn góp của nhà nước (chiếm cổ phần chi phối) khiến việc hợp đồng không thể triển khai thực hiện.

Đồ án quy hoạch chung của dự án được duyệt từ năm 1997. Đến năm 2017, dù có nhiều thay đổi về ranh quy hoạch, ranh cấp đất, kênh giới, lộ giới cần phải điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết sử dụng đất… nhưng SAGRI chưa hoàn tất các thủ tục lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, chưa lập dự án đầu tư trình duyệt theo quy định để được giao đất chính thức làm chủ đầu tư. Sau 20 năm, dự án vẫn chưa được lập quy hoạch chi tiết. Tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch 1/2000 chậm.

Trước thực tế này, ngày 21/1/2011, UBND TP. HCM có Quyết định số 353/QĐ-UBND (QĐ 353) về việc ngưng thực hiện dự án.

Đối với việc ban hành quyết định 353, thanh tra TP. HCM xác định vào năm 2011, việc điều chỉnh tỷ lệ góp vốn cổ đông tại công ty Vĩnh Lộc vẫn chưa được thực hiện. Dự án kéo dài nhiều năm gây bức xúc trong nhân dân. Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM có ý kiến về phản ánh của cử tri.

Vì vậy, trên cơ sở kiến nghị của UBND huyện Bình Chánh và Sở Tài nguyên Môi trường, UBND TP. HCM ban hành quyết định 353 ngưng thực hiện dự án, thu hồi đất là phù hợp với tình hình thực tế quản lý nhà nước, xử lý các dự án kéo dài và giải quyết quyền lợi của người sử dụng đất thuộc dự án không triển khai thực hiện….

Nhà lụp xụp trong khu quy hoạch của dự án vì hơn 20 năm qua người dân nơi đây không được phép xây cất lại 

Tuy nhiên, KLTT chỉ ra lý do thu hồi, các căn cứ pháp lý và trình tự thủ tục do Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu UBND TP. HCM ban hành quyết định 353 chưa đảm bảo chặt chẽ về phạm vi, đối tượng áp dụng, đặc biệt là không trình phương án thực hiện các thủ tục pháp lý để chấm dứt dự án theo quy định của pháp luật.

Quyết định 353 được ban hành dẫn đến mọi thủ tục pháp lý đều bị dừng, không thể tiếp tục triển khai. Trong khi đó, qua 16 năm triển khai dự án (từ khi có chủ trương vào năm 1995 đến khi có quyết định ngưng thực hiện vào năm 2011), các đơn vị liên quan đã thực hiện một số bước chuẩn bị đầu tư. Cũng vì lý do này, Công ty Vĩnh Lộc không có đủ cơ sở pháp lý để làm việc với ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục các kênh huy động vốn đã thiết lập chặt chẽ từ trước.

Theo Thanh tra TP. HCM, UBND TP. HCM chấp thuận cho SAGRI hợp tác với Công ty C&T thành lập Công ty Vĩnh Lộc triển khai dự án. Tuy nhiên, khi ban hành quyết định 353 ngừng thực hiện dự án, việc xử lý các khoản chi phí của Công ty C&T và Công ty Vĩnh Lộc thực hiện dự án đến nay vẫn chưa được xem xét. Việc chưa chỉ đạo giải quyết tồn đọng tại Công ty Vĩnh Lộc dẫn đến phát sinh các chi phí duy trì hoạt động của công ty, ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư do thay đổi chủ trương về tỷ lệ Nhà nước chi phối.

Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép vẫn diễn ra.

Vì những lý do nói trên, thanh tra TP. HCM kiến nghị UBND TP. HCM giao Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu trình UBND TP. HCM điều chỉnh hoặc thu hồi, hủy bỏ quyết định 353 để ban hành quyết định thu hồi đất đã được giao cho Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh theo đúng quy định pháp luật, đồng thời tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có thiếu sót trong việc tham mưu UBND TP. HCM ban hành quyết định 353.

Yêu cầu tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm

Văn phòng UBND TP. HCM vừa có văn bản số 245/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong về kết luận thanh tra toàn diện dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc. Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã cơ bản thống nhất nội dung kết luận thanh tra và yêu cầu 3 cơ quan, đơn vị liên quan là Sở Tài nguyên Môi trường, UBND huyện Bình Chánh và SAGRI phải tổ chức kiểm điểm vì để xảy ra thiếu sót liên quan đến dự án nói trên. Trong đó, Sở Tài nguyên Môi trường phải tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có thiếu sót trong việc tham mưu ban hành quyết định 353 chưa đầy đủ pháp lý về trình tự, thủ tục; tham mưu UBND TP. HCM xem xét điều chỉnh hoặc thu hồi, hủy bỏ quyết định này.

 

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác