Tín dụng đen gia tăng, 'cục máu đông' nhỏ lại

Hà Tâm - 12/01/2019 13:35 (GMT+7)

Đang xuất hiện những mối nguy mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong đó đáng lo nhất là tín dụng đen và tội phạm trong lĩnh vực này có dấu hiệu gia tăng.

VNF
Tín dụng đen gia tăng, 'cục máu đông' nhỏ lại. (Ảnh minh hoạ)

Nỗ lực đẩy lùi tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ

Sự xuất hiện lần đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng dịp đầu năm cho thấy tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ hiện nay đáng lo ngại.

Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, vấn đề rất nóng hiện nay trong lĩnh vực tiền tệ và phòng chống tội phạm là tín dụng đen và cho vay công nghệ (cho vay ngang hàng - P2P). Sự phát triển của công nghệ ngân hàng trực tuyến và xu hướng thanh toán xuyên biên giới tiềm ẩn nguy cơ về tội phạm rất cao, trong khi an ninh chưa theo kịp.

Trong đó, đáng lo nhất là mô hình cho vay ngang hàng đang có nguy cơ biến tướng thành tín dụng đen quốc tế, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định tín dụng đen với lãi suất cho vay cắt cổ bùng phát, cách đòi nợ kiểu xã hội đen xảy ra trên nhiều địa bàn, biến người dân thành những “chị Dậu mới” đang gây bất ổn xã hội, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Ngân hàng chịu một phần trách nhiệm của tình trạng này bởi chưa mang được dịch vụ tín dụng đến với người dân, vùng sâu, vùng xa. Do đó, để hợp lực đẩy lùi tín dụng đen, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng kịp thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng.

Không chỉ tín dụng đen, mà hiện tượng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng cũng có xu hướng gia tăng. Thượng tướng Tô Lâm cho hay qua điều tra, Bộ Công an nhận thấy nhiều trường hợp cán bộ ngân hàng có dấu hiệu vi phạm đạo đức, cấu kết với tội phạm bên ngoài. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Công an đề nghị ngành ngân hàng phải quan tâm đến đạo đức của những người làm trong ngành ngân hàng.

Thường xuyên giám sát an toàn hệ thống

Bên cạnh hợp lực đẩy lùi tín dụng đen, tội phạm ngân hàng, thì câu chuyện nóng của ngành ngân hàng năm 2019 vẫn là tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Theo đánh giá của Chính phủ, an toàn của hệ thống ngân hàng đã được nâng cao đáng kể. Những ngân hàng yếu kém, “cũ nát” giai đoạn trước đã trở nên ổn định hơn. Nhiều ngân hàng thương mại nhà nước lớn đã vươn tầm khu vực, khẳng định vị thế, từ đó củng cố cả hệ thống. Về nợ xấu, trong năm 2018, cả hệ thống đã xử lý 900.000 tỷ đồng nợ xấu. "Cục máu đông giờ đã nhỏ dần, nhiều nơi tan đi, do vĩ mô và do điều hành thực chất", Thủ tướng phát biểu.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, đến nay, NHNN đã phê duyệt tất cả các phương án tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng. Kết quả năm qua cũng cho thấy chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng được nâng cao. Nợ xấu đã giảm rõ rệt với tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm còn 1,89%; nợ xấu tiềm ẩn giảm từ 7% vào cuối năm 2017 xuống 6,5% vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN cũng thừa nhận dù chất lượng điều hành nội bộ của các tổ chức tín dụng trong năm 2018 đã được củng cố thêm một bước, song vẫn rất cần được quan tâm.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở ngành ngân hàng đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, lộ trình đã đề ra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Theo Thủ tướng, ngành ngân hàng cần tăng cường lấy lại niềm tin trong nhân dân, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cũng phải đẩy mạnh việc giám sát an toàn hệ thống. Đó là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thanh tra giám sát, đặc biệt là giám sát từ xa, đảm bảo chất lượng hoạt động của toàn hệ thống và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.

Sớm trình Thủ tướng phương án tăng vốn cho ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu NHNN sớm có lời giải bài toán ngân hàng với cách mạng 4.0, tạo cú hích đối với cả nền kinh tế.

Đồng thời, xây dựng, trình Thủ tướng phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn Basel II.

 

Theo InfoMoney
Cùng chuyên mục
Tin khác