Các ngân hàng thương mại sẽ phát hành thẻ ATM làm bằng công nghệ chip thay cho thẻ từ. Vậy, chi phí chuyển đổi thẻ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, khách hàng hay ngân hàng sẽ gánh?
Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cùng với 7 ngân hàng là Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, Sacombank, ABBank và TPBank đã bắt đầu chuyển đổi thẻ từ ATM sang thẻ chip.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là xu hướng tất yếu của các nước trong khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa áp dụng công nghệ thẻ chip.
Hiện Việt Nam có 48 tổ chức phát hành thẻ nội địa với khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM; trong đó, phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, các ngân hàng thương mại sẽ chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và chậm nhất đến hết năm 2021 toàn bộ thẻ từ nội địa sẽ chuyển đổi sang thẻ chip.
Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Napas cho hay nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong công tác chuyển đổi, hướng tới mục tiêu chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình của NHNN, Napas đã triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch lên đến 80% (tùy theo loại giao dịch) cho các ngân hàng hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa từ 1/5/2019.
Nhiều người muốn đổi thẻ ATM hiện nay sang thẻ chip để an toàn hơn. Song, không ít khách hàng còn tỏ ra băn khoăn vì không biết mình có phải trả thêm chi phí khi đến ngân hàng để chuyển đổi thẻ từ ATM hiện nay sang thẻ chip hay không.
Lo lắng này của nhiều người xuất phát từ thực tế hiện nay, chi phí để làm ra một phôi thẻ chip là 2-3 USD, cao hơn 7-8 lần so với thẻ từ. Nếu mỗi phôi thẻ chip khoảng 2 USD (khoảng 46.000 đồng), nhân với số thẻ chip phải chuyển đổi trong năm nay khoảng 22 triệu thẻ thì số tiền mà các ngân hàng cần bỏ ra để phục vụ cho việc chuyển đổi lên đến trên 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngân hàng còn phải nâng cấp cả thiết bị đầu cuối là POS, máy ATM... để phù hợp với việc chuyển đổi thẻ và nhiều khoản chi phí khác.
Hội thẻ ngân hàng Việt Nam và lãnh đạo của 7 ngân hàng đầu tiên triển khai phát hành và thanh toán thẻ chip nội địa cam kết tiếp tục nỗ lực hoàn thành công tác chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình đặt ra của NHNN. Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa sẽ không ảnh hưởng tới giao dịch của khách hàng.
Tuy nhiên, phát sinh chi phí chuyển đổi cũng là một vấn đề với các ngân hàng, đặc biệt đối với các ngân hàng có số lượng thẻ lớn nhưng các ngân hàng về cơ bản sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi phí chuyển đổi đặc biệt cho các chủ thẻ hiện tại, xem xét việc thu phí phát hành thẻ mới theo từng giai đoạn. Các ngân hàng sẽ thông báo cho khách hàng thời gian phát hành thẻ mới, quy trình và thủ tục đăng ký phát hành thẻ mới cũng như các chính sách liên quan (nếu có) theo quy định pháp luật.
Theo bà Nguyễn Tú Anh, Napas đang nghiên cứu việc hợp tác với các tổ chức thẻ quốc tế để cùng với các ngân hàng Việt Nam phát hành ra thị trường thẻ đồng thương hiệu (co-badge) giữa thẻ chip nội địa và thẻ chip quốc tế, cho phép khách hàng sở hữu chiếc thẻ này sử dụng thuận tiện cả trong nước và nước ngoài.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone