Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc ‘bóc lỗi’ cơ chế đầu tư BT

Vĩnh Chi - 19/10/2017 18:27 (GMT+7)

(VNF) – Theo ông Hồ Đức Phớc, hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch vì lợi ích nhóm.

VNF
Cơ chế đầu tư BT đang chứa đựng hàng loạt bất cập

Tại hội thảo "Cơ chế đầu tư BT – Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện" tổ chức sáng 19/10, ông Hồ Đức Phớc cho biết thời gian gần đây, với nỗ lực tái cơ cấu của Chính phủ, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và hội nhập với quốc tế, nhu cầu về cơ sở hạ tầng tại các lĩnh vực trọng yếu quốc gia và các địa phương tăng mạnh.

Cùng với đó, áp lực giảm bội chi ngân sách và nợ công đã khiến cho việc thu hút đầu tư theo hình thức BT tăng cường trở lại – sau giai đoạn trầm lắng vì thị trường bất động sản khủng hoảng (giai đoạn 2011 – 2014).

Theo ông Phớc, Hợp đồng BT đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để huy động vốn từ đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. So với dự án BOT thì dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi ra một cách trực tiếp để thanh toán cho dự án và cũng ít tiếp cận được thông tin hơn.

"Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.

"Khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu", ông Phớc nhấn mạnh.

Hệ quả là không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý. Nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.

Cơ chế đầu tư BT dễ bị bóp méo vì không công khai minh bạch

Phân tích sâu hơn về các vấn đề này, bà Trương Hải Yến – Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước, cho biết theo quy định tại Quyết định 23/2015/QĐ-TTg, Thông tư 183/2015/TT-BTC… thì đất thanh toán cho nhà đầu tư được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Việc giao đất đã giải phóng mặt bằng không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013 và là kẽ hở của việc "xin – cho" tạo ra thất thoát ngân sách.

Bên cạnh đó, việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư cũng chưa được quy định một cách cụ thể, rõ ràng tại các văn bản hướng dẫn thực hiện, quản lý dự án BT.

Quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT cũng còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.

Cụ thể, theo Thông tư 183 và Quyết định 23 thì địa phương giao đất, cho thuê đất để thanh toán cho nhà đầu tư trước khi phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, dự án BT; hoặc giao đất, cho thuê đất để thanh toán cho nhà đầu tư đồng thời hoặc sau khi phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình dự án BT; giá đất quy định được xác định tại thời điểm giao đất; giá trị công trình BT được xác định (chính thức) tại thời điểm quyết toán công trình.

"Trên thực tế, hầu hết các dự án BT được giao đất trước khi hoàn thành công trình BT có đơn giá đất tại thời điểm giao đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình dẫn đến việc thanh toán là không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho nhà nước", bà Yến nêu rõ.

Ngoài ra, bà Yến cũng nhận định việc thanh toán trước cho nhà đầu tư (bao gồm giá trị công trình BT và thuế giá trị gia tăng) trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (do công trình chưa hoàn thành) thực chất là thanh toán trước tiền thuế giá trị gia tăng cho nhà đầu tư tại thời điểm chưa phát sinh. Đây là một điểm bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm, gian lận thuế, không kê khai thuế giá trị gia tăng do tiền thuế được đối trừ trực tiếp vào giá đất.

Do vậy, bà Yến cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi quy định tại Nghị định 15 theo 2 hướng. Một là thay đổi hình thức thanh toán dự án BT bằng quỹ đất để chuyển sang thanh toán bằng tiền theo hình thức trả chậm. Trong đó quy định cụ thể các cơ chế, yếu tố trong phương án tài chính đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án.

Hai là quy định nhà đầu tư phải thực hiện, hoàn thành dự án BT trước khi được giao đất hoặc giao đất trước khi hoàn thành dự án BT thì tạm tính giá đất tại thời điểm giao đất để nhà đầu tư tạm nộp tiền sử dụng đất, trong đó chưa trừ tiền thuế giá trị gia tăng công trình BT vào tiền sử dụng đất phải nộp; xác định nghĩa vụ tài chính chính thức theo giá đất và giá trị dự án BT tại thời điểm bàn giao công trình BT.

Ngoài ra, cũng cần bãi bỏ quy định cho phép nhà đầu tư đề xuất và lập dự án đầu tư; quy định cụ thể việc lập dự án đầu tư phải do cơ quan nhà nước lập, thẩm định, phê duyệt và giám sát thi công như dự án sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tăng tính minh bạch của các dự án này.

Cùng chuyên mục
Tin khác