TP. HCM đang 'đuối sức' trong cuộc đua tăng trưởng

Lê Nguyễn - 16/03/2021 11:44 (GMT+7)

(VNF) - Những điều kiện tự nhiên thuận lợi của vùng Đông Nam Bộ nói chung, TP. HCM nói riêng đang bị xói mòn, những điểm nghẽn xuất hiện ngày càng nhiều khiến TP. HCM "đuối sức" trong cuộc đua tăng trưởng của cả nước.

VNF
TS Nguyễn Đình Cung tại buổi thảo luận với các chuyên gia của Đại học Fulbright (nguồn: Đại học Fulbright)

Vừa qua, đoàn công tác của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) do TS Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng) dẫn đầu đã có buổi thảo luận chuyên sâu với các chuyên gia kinh tế của Đại học Fulbright về chủ đề “Thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: điểm nghẽn và giải pháp”.

Theo tường thuật của Đại học Fulbright, tại cuộc thảo luận, các chuyên gia đã nhận định TP. HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm 8 tỉnh và địa phương thuộc Đông và Tây Nam Bộ) có vị thế quan trọng với nền kinh tế cả nước.

Tuy chỉ chiếm 20% dân số nhưng vùng kinh tế phía Nam đóng góp tới 45% GDP; thu ngân sách chiếm 40% nhưng chi ngân sách chỉ chiếm 20%. Riêng TP. HCM có thể được ví như “trụ cột phát triển” của cả vùng, chiếm 42% tổng dân số, 56% vốn đầu tư xã hội và đóng góp 51% vào GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, vùng đang phải chịu những điều kiện khá ngặt nghèo. Cụ thể, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các tỉnh Đông Nam Bộ thấp hơn nhiều so với các địa phương miền Bắc có cùng quy mô kinh tế.

Ví dụ các tỉnh công nghiệp xung quanh TP. HCM như Bình Dương, Đồng Nai chỉ được giữ lại 36% và 47%, trong khi các tỉnh công nghiệp xung quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương có tỷ lệ giữ lại ngân sách lần lượt là 53%, 83%, và 98%. Nói riêng về TP. HCM, tuy có tỷ lệ đóng góp ngân sách cao nhưng tỷ lệ giữ lại ngân sách của thành phố đang thấp nhất nước, chỉ là 18%.

Hệ quả của tỷ lệ chi ngân sách quá thấp đó là TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ thiếu hụt nguồn lực để đầu tư và tái đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nội đô và giao thông liên kết.

Biểu hiện rõ nét là các tuyến đường cửa ngõ nối liền TP. HCM với các khu vực lân cận ở Đông và Tây Nam Bộ luôn trong tình trạng “kẹt cứng” vì ách tắc giao thông. Điều này làm chi phí sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu bị đội lên quá cao, dẫn tới sức cạnh tranh và sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bị giảm sút.

Quan sát tình hình thu hút FDI của TP. HCM trong những năm gần đây có thể thấy một bức tranh khá quan ngại. Tuy được mệnh danh là “thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư” của các tỉnh phía Nam, nhưng quy mô các dự án đầu tư FDI trên địa bàn TP. HCM ngày càng thu nhỏ so với con số trung bình toàn quốc.

Theo đó, quy mô bình quân một dự án FDI ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ đạt 10 triệu USD, thấp hơn bình quân cả nước là 12,42 triệu USD. Quy mô bình quân một dự án ở TP. HCM thậm chí còn thấp hơn, chỉ 5,56 triệu USD.

Thiếu các dự án đầu tư lớn cũng có nghĩa là TP. HCM không thể thu hút các tập đoàn quy mô lớn, với tri thức quản lý hiện đại để dẫn dắt sự phát triển.

Một nút thắt về tăng trưởng khác, theo các chuyên gia Fulbright và CIEM, là TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa tạo được liên kết với các vệ tinh tăng trưởng xung quanh và chưa tận dụng được mối liên hệ này làm bệ phóng cho sự phát triển của riêng mình và cho toàn khu vực.

Gần kề với hai trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo lớn ở phía Nam là Bình Dương và Đồng Nai, nhưng TP. HCM lại rất yếu kém các dịch vụ phục vụ cho ngành chế tạo sản xuất. Ngành dịch vụ hàng đầu của thành phố là buôn bán bất động sản trong khi dịch vụ logistics (phục vụ chế tạo sản xuất) chỉ xếp thứ 5.

Các chuyên gia của CIEM và Fulbright cho rằng những thách thức phát triển mà khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ phải đối diện đòi hỏi biện pháp ứng phó có tính đa ngành và đa địa phương. Ở Đông Nam Bộ, đó là bài toán phát triển kinh tế một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo tồn môi trường sống xanh và sạch.

Các chuyên gia khuyến nghị nên có một quy hoạch vùng giữ vai trò như một bản đồ gốc, là cơ sở tham chiếu cho quy hoạch ở từng địa phương. Song song với đó là khuyến khích các lãnh đạo địa phương có góc nhìn phát triển trên quy mô vùng để tạo ra những mô hình hợp tác hiệu quả hơn và xây dựng được những hệ thống giao thông, cảng biển, cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ cho cả khu vực rộng lớn thay vì ở từng địa phương nhỏ lẻ.

Cùng chuyên mục
Tin khác