TP. HCM xác định 600 đối tượng cho vay nặng lãi cần xử lý

Huân Cao - 17/11/2018 08:28 (GMT+7)

Thời gian gần đây, hoạt động cho vay nặng lãi tại TP. HCM ngày càng lộng hành và diễn biến phức tạp. Khi người vay không có tiền để trả đúng hạn, các đối tượng cho vay thường khủng bố tinh thần, đe dọa, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản, hành hung con nợ.

VNF
TP. HCM xác định 600 đối tượng cho vay nặng lãi cần xử lý. (Ảnh minh hoạ)

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Phòng Tham mưu - Công an TP. HCM cho biết Công an TP. HCM đã lên danh sách 600 đối tượng có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen và đang thu thập tài liệu để xử lý.

Lực lượng công an cũng tăng cường kiểm tra hành chính các công ty đòi nợ, công ty cầm đồ núp bóng cho vay để răn đe.

Theo lãnh đạo phòng tham mưu, 10 tháng đầu 2018 trên địa bàn TP. HCM xảy ra hơn 4.000 vụ phạm pháp hình sự. Lực lượng công an đã phát hiện hơn 3.000 vụ, bắt gần 3.500 người, giảm 225 vụ. Tuy nhiên, tình hình tín dụng đen, cho vay nặng lãi lại có dấu hiệu diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố.

Mặc dù Công an TP. HCM đã phá nhiều vụ, bắt nhiều đối tượng liên quan đến cho vay nặng lãi, đồng thời cảnh báo và tuyên truyền người dân về mức độ nguy hiểm khi vay nặng lãi, nhưng nhiều người vẫn bất chấp vay tiền.

Vì vậy, Công an TP. HCM khuyến cáo người dân nên thận trọng và tránh xa các hình thức cho vay nặng lãi vì khi vướng vào thì rất khó thoát ra. Người dân cần hiểu rõ chiêu trò gài bẫy của một số đối tượng cho vay nặng lãi hay tổ chức tín dụng đen để đề phòng.

"Khi cần tiền, người dân nên tìm đến ngân hàng, các tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động với lãi suất nằm trong quy định cho phép. Tuyệt đối không nên dính vào các đối tượng cho vay nặng lãi, vì khi vay rồi thì rất khó thoát", vị lãnh đạo phòng tham mưu Công an TP. HCM nói.

Cho vay nặng lãi sẽ bị xử lý hình sự

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM cho biết hoạt động cho vay nặng lãi là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ bị xử lý hình sự.

“Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự để thu lợi bất chính, thì có thể bị phạt tù đến 03 năm".

Theo Luật sư Hậu, người dân chỉ cần thế chấp bản chính hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy tờ xe là có thể được giải ngân ngay. Chính sự “đơn giản” này nên nhiều người dân dễ dàng sập bẫy với lãi suất cao.

“Các đối tượng thường ngụỵ trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp, mà không làm hợp đồng vay nên cơ quan bảo vệ pháp luật rất khó xử lý”.

Xem thêm >> Xung quanh 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Theo Lao động
Cùng chuyên mục
Tin khác