TS Nguyễn Trí Hiếu: FED đã nới lỏng, Việt Nam cũng nên cân nhắc gói cứu trợ

Vĩnh Chi - 16/03/2020 10:47 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng vẫn là chưa đủ đối với kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc một liều thuốc mạnh hơn, ví dụ một gói cứu trợ với quy mô khoảng 5 tỷ USD.

VNF
TS Nguyễn Trí Hiếu

Như VietnamFinance đã thông tin, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa có động thái cắt giảm lãi suất cực kỳ mạnh tay khi hạ lãi suất quỹ liên bang từ khoảng 1-1,25% xuống chỉ còn 0-0,25%. Đây là lần đầu tiên FED tái sử dụng chính sách lãi suất 0% kể từ tháng 12/2015.

Bên cạnh cắt giảm lãi suất, FED cũng sẽ thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (quantitative easing – QE) với tổng trị giá 700 tỷ USD bằng cách mua lại 500 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 200 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng khoản vay và được chính phủ bảo lãnh.

Động thái của FED hiện đang là chủ đề thảo luận của đông đảo chuyên gia và giới đầu tư. VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với TS Nguyễn Trí Hiếu về chủ đề này.

- Ông có bình luận gì về động thái của FED?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Việc FED cắt giảm lãi suất xuống 0% không phải là điều quá bất ngờ vì thị trường có thể đã dự đoán được, thông qua việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục thúc ép cơ quan này giảm lãi suất trong những ngày qua.

Tuy nhiên, việc FED giảm liên tục và giảm trong thời gian ngắn là một quyết định gây bất ngờ cho thị trường tài chính.

Nhưng điều này cũng là dễ hiểu, vì kinh tế Mỹ hiện đang lâm vào tình cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19.

- Động thái cắt giảm lãi suất của FED mang tới cho ông dự cảm gì về kinh tế thế giới trong thời gian tới?

Đang đi vào khủng hoảng! Nền kinh tế của Mỹ và của thế giới đang đi vào khủng hoảng!

Trên nguyên tắc, các nền kinh tế phải qua 3 quý tăng trưởng âm thì mới gọi là suy thoái. Nhưng với diễn biến của đại dịch Covid-19 thì kinh tế thế giới đang đi vào khủng hoảng rồi, dù về mặt định nghĩa thì chưa.

Đây là một tình hình hết sức báo động!

- Chính sách của FED sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam, thưa ông?

Có thể nói kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng gián đoạn. Điều này tác động lên mọi nền kinh tế và đưa đến khủng hoảng như hiện tại. Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Nhiều nhà máy của Việt Nam có đầu vào nguyên liệu từ Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn.

Về phía cầu, dịch bệnh cũng khiến lực cầu suy giảm trên toàn cầu. Ở Việt Nam, chúng ta thấy nhiều lĩnh vực như du lịch, hàng không... đang ngưng trệ, khiến sức cầu rất yếu.

Như vậy, cả cung lẫn cầu đều trong vòng xoáy đi xuống. Điều này gây khó khăn lớn cho Việt Nam vì cả đầu ra và đầu vào của nền kinh tế Việt Nam đều phụ thuộc vào ngoại thương. Nếu không cẩn thận, Việt Nam cũng bị kéo vào khủng hoảng.

- Việc FED nới lỏng tiền tệ liệu có nên là một gợi ý cho Việt Nam?

Chắc chắn rồi, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc được. 10 ngày trước, Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng, trong đó có 250.000 tỷ đồng cho các ngân hàng cơ cấu lại nợ, 30.000 tỷ đồng để giảm/miễn thuế phí. Nhưng tôi cho rằng động thái này không đủ mà phải có liều thuốc mạnh hơn từ Chính phủ về tín dụng.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại đang gặp khó về thanh khoản. Dịch bệnh càng kéo dài càng có nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì cạn tiền. Có lẽ Chính phủ phải có gói cứu trợ, tôi nghĩ vào khoảng 5 tỷ USD.

- Một số quan điểm cho rằng khủng hoảng do dịch bệnh chỉ là cú sốc mang tính ngắn hạn vì vậy nên cân nhắc chuyện nới lỏng?

Tôi không cho như vậy vì dịch bệnh có thể ngắn hạn nhưng hậu quả của nó để lại thì không phải ngắn hạn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang rất khó khăn trong khi kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng. Để khôi phục kinh tế, thời gian cần thiết ít nhất cũng phải 1 năm.

- Thời gian qua, các tài sản giảm gía rất mạnh, ông có khuyến nghị gì đối với các nhà đầu tư?

Đây là thời điểm rất tốt để mua vào các tài sản có giá trị, tất nhiên không ai nói được về đáy. Tuy nhiên, ở một khía cạnh, chúng ta thấy có khá nhiều doanh nghiệp đang lao đao, nếu nhà đầu tư có tiền thì họ có thể tìm kiếm cơ hội mua doanh nghiệp này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác